Nhịp sống số

Siêu chip Tegra 4 của NVIDIA: 4+1 như Tegra 3?

Mặc dù các sản phẩm sử dụng chip Tegra 3 chỉ mới bắt đầu rục rịch xuất hiện trên thị trường mới được vài tháng nay, nhưng giới công nghiệp di động đã bắt đầu để tâm đến thế hệ SoC Tegra tiếp theo của NVIDIA, tạm gọi Tegra 4. Theo một nguồn tin Hoa ngữ, Tegra 4 có thể sẽ 4 nhân nhưng kèm thêm một nhân tiết kiệm điện (4 + 1) tương tự Tegra 3.

 
Chip Tegra 3 với cấu hình 4 + 1.


Thực sự thì Tegra 4 chưa phải tên chính thức. Con chip SoC tiếp theo của NVIDIA được hãng này gọi bằng cái tên "thân mật" là Wayne, tên của nhân vật Batman (người dơi). Chi tiết này tương tự như Tegra 3 vốn có tên "ở nhà" là Kal-El, tức Superman. Và chưa dừng ở đấy, Tegra 5 (tạm gọi thế) có tên Logan, hay Wolverine (người sói), và Tegra 6 là Stark, tức Iron Man. Nghe có vẻ tất tần tật các siêu anh hùng đều tập trung tại trụ sở của NVIDIA?


Tuy rằng NVIDIA dự định mỗi năm ra mắt một con chip Tegra mới, nhưng các sự cố trong quá trình thiết kế & sản xuất đã khiến lộ trình này bị chậm đi. Ví như Tegra 3 dự định có mặt trong 2011 thì NVIDIA lại "trễ" tới Q1 năm nay. Và Tegra 4 dự định cho năm nay thì lại bị muộn tới năm sau. Theo slide của VR-Zone thì chỉ model Tegra 3 đầu tiên (T40) là có mặt trong Q1 2013, các model còn lại đều bị chậm đi tới nửa năm - Q3 2013. Và để ý thêm một chút thì có vẻ Logan (Tegra 5) sẽ chẳng có cơ hội nào trong 2013.


Lộ trình Tegra của NVIDIA thường muộn 1 năm.


Với Tegra 4, nếu slide trên đúng, chúng ta sẽ thấy 4 phiên bản khác nhau đều có 4 + 1 nhân: T40, T43, AP40 và SP3X. Trong đó 3 model đầu được định hướng cho các sản phẩm có kích thước màn hình 10 inch, còn SP3X dành cho 7 inch. Cần chú ý rằng trước đây các chip Tegra có phần AP và SP thường được dùng cho smartphone, còn các chip có phần T được hướng tới tablet.


Với trường hợp của AP40, model này nom khá giống một phiên bản không hoàn hảo (harvest) từ các chip T40, do có xung chỉ từ 1,2 - 1,8 GHz, nhưng lại dùng nhân ARM Cortex A15. Còn với T43, đây có thể là phiên bản "tối ưu" từ T40 vì xung cao hơn 200 MHz. Riêng SP3X, bản này có thể là một thiết kế khác vì nó chỉ sử dụng nhân ARM Cortex A9, ngoài ra con chip này còn được kèm thêm modem LTE / HSPA+, vốn không thấy có mặt ở 3 model trên.



Chúng ta có thể nói rằng thực sự NVIDIA chỉ có 2 thiết kế mới là T40 và SP3X. Còn T43 và AP40 các phiên bản phát sinh từ T40 do sai khác của dây chuyền bán dẫn. T40 được dành cho tablet, yêu cầu hiệu năng cao nên dùng đến nhân Cortex A15. Còn smartphone cần khả năng liên kết rộng và không đòi hỏi nhiều hiệu năng nên chỉ cần nhân Cortex A9 và kèm modem LTE / HSPA+.
 
Tuy vậy, bạn cần chú ý rằng các thông số này chỉ mới ở dạng tin đồn. Không có gì đảm bảo những điều trên sẽ đúng nên bạn đừng vội "lo nghĩ" về chúng.


Theo VR-Zone.