Sáng 22/4/2012 tại Hà Nội, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã tổ chức lễ vinh danh các phần mềm đạt danh hiệu Sao Khuê.
Đã có 50 sản phẩm và 15 dịch vụ của các doanh nghiệp CNTT Việt Nam được nhận danh hiệu Sao Khuê 2012 trong đó có nhiều phần mềm của các doanh nghiệp có tên tuổi còn khá mới trên thị trường như Công ty Phần mềm và Nội dung số OSP, Công ty Tin học EFY, Công ty Thành Tâm, Công ty Sao Thăng, Công ty Phần mềm Miền Nam…
Phần mềm duy nhất được bầu chọn đạt 5 sao thuộc về Hệ thống thông tin quản lí đất đai của Công ty Tin học Nhân Ý.
Ông Phạm Tấn Công, Tổng Thư kí VINASA, thành viên Hội đồng bình chọn cho biết có 5 sản phẩm, dịch vụ được đề cử 5 sao, tuy nhiên, giải pháp quản lí thông tin đất đai của Công ty Nhân Ý ngoài chất lượng về sản phẩm còn mang ý nghĩa cao về mặt xã hội. Hiện nay, các vụ khiếu kiện về đất đai chiếm đến 70%, cá biệt ở một số tỉnh lên đến 90%. Giải pháp này giúp thực hiện quy trình cấp giấy chứng nhận, đăng kí biến động và lập hồ sơ địa chính chính xác theo quy định của ngành tài nguyên môi trường, liên thông với thuế và kho bạc, đồng thời giúp người dùng tra cứu trực tiếp hồ sơ đất đai một cách công khai, minh bạch. Hệ thống này hiện đã được ứng dụng ở nhiều quận, huyện của TP.HCM, nếu được ứng dụng rộng rãi ở các địa phương sẽ giúp thuận tiện trong quản lí đồng thời đưa đất đai thành nguồn vốn lưu thông hỗ trợ trực tiếp cho phát triển kinh tế.
Những doanh nghiệp có nhiều sản phẩm, dịch vụ được bình chọn vẫn là những doanh nghiệp CNTT lớn có thương hiệu tốt ở Việt Nam, gồm Viettel, FPT, VNG, Tinh Vân, Harvey Nash.
Các sản phẩm và dịch vụ được trao theo 4 nhóm lớn: nhóm phần mềm thương mại, nhóm phần mềm thương mại điện tử, nhóm phần mềm mới và nhóm dịch vụ CNTT. Ngoài ra, còn có nhóm dành cho các sản phẩm nước ngoài tiêu biểu. Giải pháp thành phố thông minh hơn của IBM Việt Nam đã vinh dự giữ “chiếc vé Sao Khuê” duy nhất ở nhóm này.
So với các chương trình bình chọn phần mềm khác, chương trình bình chọn Danh hiệu Sao Khuê do VINASA chủ trì được thực hiện thông qua các hồ sơ đăng kí tham dự và hội đồng bình chọn.
Hội đồng bình chọn Danh hiệu Sao Khuê đã tiến hành đánh giá, xem xét từng hồ sơ sản phẩm, dịch vụ đề cử và bình chọn qua 3 vòng: sơ tuyển, thẩm định và chung tuyển với 5 nhóm tiêu chí lớn là: tính ứng dụng và hiệu quả ứng dụng; công nghệ và chất lượng sản phẩm/dịch vụ; tính sáng tạo và đột phá; thị trường và dịch vụ hỗ trợ; chất lượng hồ sơ và bảo đảm pháp lí. Sau khi sơ tuyển qua hồ sơ, Hội đồng đã thành lập 10 nhóm thẩm định thực tế đến từng doanh nghiệp để thẩm định về các sản phẩm, dịch vụ.
Theo đánh giá chung của Ban tổ chức từ sau khi sơ tuyển, nhìn chung, chất lượng các sản phẩm, giải pháp tham gia chương trình bình chọn năm nay có nhiều tiến bộ. Đặc biệt, các doanh nghiệp làm dịch vụ cả thị trường trong nước và quốc tế đều có tăng trưởng rất tốt, đặc biệt trong lĩnh vực gia công xuất khẩu phần mềm, dịch vụ BPO. Có những doanh nghiệp có doanh thu tăng trên 200%. Với các sản phẩm phần mềm, nhiều doanh nghiệp cung cấp đã phát triển các sản phẩm phần mềm nhỏ, giá rẻ nhưng có tính ứng dụng cao với số lượng người sử dụng lớn.
Cùng với lễ vinh danh các sản phẩm, dịch vụ đạt danh hiệu Sao Khuê, sáng 22/4/2012, VINASA cũng tổ chức lễ kỉ niệm 10 năm thành lập. Có mặt tại lễ kỉ niệm, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao các hoạt động của VINASA trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng CNTT, phát triển thương hiệu, xúc tiến kinh doanh. “Muốn trở thành nước mạnh về CNTT trước hết phải tạo điều kiện hình thành các hiệp hội mạnh, doanh nghiệp mạnh”, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, đồng thời đề nghị Bộ TTTT tiếp tục hỗ trợ VINASA phát huy những việc đã làm được như tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, tập hợp kết nối các doanh nghiệp, nỗ lực vượt qua thách thức, sớm đưa Việt Nam thành nước mạnh về CNTT.
10 năm qua, ngành công nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam có tỉ lệ tăng trưởng luôn ở mức 25% - 35% (cao gấp 3 - 5 lần mức tăng trưởng GDP chung của cả nước), năng suất và giá trị sản lượng lao động cũng cao hơn các ngành kinh tế khác từ 3 - 10 lần. Doanh thu tính riêng phần mềm từ 2002 đến 2012 tăng trên 10 lần từ gần 100 triệu USD (khoảng 2.100 tỉ đồng) cho năm 2002 đến 1,2 tỉ USD (khoảng 25.200 tỉ đồng) năm 2011. Nếu cộng thêm cả doanh thu từ dịch vụ nội dung số đang bùng nổ trong 5 năm lại đây thì doanh thu toàn ngành đạt tới 2,3 tỉ USD (khoảng 48.300 tỉ đồng).
Theo PCWorld VN