Doanh nghiệp

Samsung đang đau đầu để ...tiêu tiền!

 Sau khi thành công lớn trên thị trường smartphone, Samsung đang phải đối mặt với thách thức lớn tương tự đối thủ Apple: Làm cách nào để giải ngân một cách hợp lý nhất lượng tiền mặt khổng lồ mà họ đang tích lũy.

Tin liên quan: 

 

Samsung với đống tiền mặt cao thứ 2 châu Á

Sau quý đầu năm 2013 với lợi nhuận ròng tăng hơn 42%, Samsung cho biết lượng tiền mặt và các khoản tương đương tiền mặt của họ đã đạt gần 40 tỷ USD vào cuối tháng 3. Sau khi trừ các khoản nợ, tổng số tiền mặt Samsung nắm giữ là khoảng 28,5 tỷ USD. Lượng tiền mặt của Samsung đang tăng lên với tốc độ đáng kinh ngạc. Riêng trong năm 2012, lượng tiền mặt ròng của họ đã tăng gần gấp 3 lần.

Theo số liệu từ S&P Capital IQ, Samsung hiện đang có nguồn dự trữ tiền mặt nhiều thứ 2 ở châu Á, chỉ sau hãng viễn thông Trung Quốc China Mobile (64 tỷ USD) và đứng trước cả Toyota Motor (27,5 tỷ USD).

Các nhà phân tích mong đợi Samsung sẽ dành phần lớn khoản tiền đó để thực hiện các vụ thâu tóm nhằm tăng cường một số lĩnh vực như phần mềm và thiết bị y tế.

Ông Willis Tsai, Giám đốc của TIAA-CREF – công ty quản lý hơn 400 triệu USD giá trị cổ phiếu của Samsung – nói rằng câu hỏi đầu tiên ông muốn đặt ra cho Samsung là liệu họ có định để dành toàn bộ khoản tiền mặt đó hay không.

Phát biểu trước thời báo phố Wall, Samsung cho biết họ sẽ quản lý tiền mặt dự trữ theo cách ưu tiên “đầu tư ổn định để xây dựng cơ sở vật chất, nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như tiếp thị để củng cố và nâng cao khả năng cạnh tranh” trong các lĩnh vực kinh doanh tương ứng. Tuy nhiên, Samsung tùy chối cung cấp thêm chi tiết.

Sự tăng trưởng lượng tiền mặt đã phản ánh sự thay đổi trong cách Samsung tạo ra lợi nhuận. Trước đây, các mảng kinh doanh chip và linh kiện - được Samsung rót nhiều tiền đầu tư trong vòng nhiều năm – là nguồn lợi nhuận chính. Hiện tại, lợi nhuận của Samsung chủ yếu đến từ smartphone – mảng sinh ra nhiều tiền mặt hơn cả vì không yêu cầu nhiều vốn đầu tư bằng các mảng khác. 

Trong quý 1/2013, bộ phận bao gồm mảng kinh doanh di động chiếm 74% lợi nhuận hoạt động của Samsung, các mặt hàng điện tử tiêu dùng (như tivi) và linh kiện (như chip) chiếm nốt phần còn lại. Vào cùng thời điểm 3 năm trước đây, mảng điện thoại di động chỉ chiếm 25% lợi nhuận hoạt động, trong khi mảng sản xuất chất bán dẫn và LCD chiếm 56%.

Samsung thường xuyên chi nhiều vốn hơn đối thủ để xây dựng những nhà máy lớn hơn và mới hơn. Trong bối cảnh thị trường suy thoái, khi các đối thủ cạnh tranh thu hẹp hoạt động đầu tư, Samsung vẫn tiếp tục chi hàng tỷ USD để củng cố vị thế dẫn đầu thị trường.

Nhưng mấy năm gần đây, Samsung gần như không tăng khoản vốn đầu tư. Ví dụ, trong năm 2012, Samsung đầu tư 22,8 nghìn tỷ Won, hầu như không tăng so với năm 2011.

Kho dự trữ tiền mặt của Samsung tăng nhanh một phần vì công ty này sử dụng tiền mặt rất thận trọng. Ngoài ra, Samsung không hề mua lại cổ phần kể từ năm 2007. Trong khoảng từ năm 2004-2007, Samsung mua lại ít nhất 1,6 tỷ USD giá trị cổ phiếu hàng năm. Điều này có thể do giá cổ phiếu của Samsung đã gần như tăng gấp ba lần kể từ năm 2008.

Theo dự đoán từ Nhà phân tích Mark Newman của Sanford C. Bernstein, ngày càng có khả năng Samsung sẽ thực hiện một vụ thâu tóm lớn với giá trị nhiều tỷ USD trong tương lai gần. Mấy vụ thâu tóm quy mô nhỏ gần đây cho thấy, Samsung đang muốn mở rộng sang lĩnh vực thiết bị y tế. Nếu Samsung thực sự muốn dẫn đầu thị trường này, một thương vụ thâu tóm lớn sẽ giúp họ đạt được tham vọng nhanh hơn.

Xem: Apple đang ôm rất nhiều tiền mặt để làm gì?

Tránh lặp lại sai lầm của các đối thủ

Dù vẫn còn dư thời gian để lên kế hoạch trước khi “đau đầu vì tiền” giống Apple, nhưng Samsung cũng cần phải tính toán sớm. Hiện nay, tổng lượng tiền mặt, các khoản tương đương tiền mặt và chứng khoán có thể mua bán được của Apple đã đạt 144,7 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 3/2013. Dưới áp lực bị các nhà đầu tư yêu cầu Apple hoàn thêm nhiều tiền mặt cho cổ đông, mới đây Apple đã phải tuyên bố sẽ hoàn lại nhiều tiền mặt cho các nhà đầu tư hơn.

Tuy vậy, có một thực tế là Apple và Samsung có nhu cầu tiền mặt hoàn toàn khác nhau. Trong khi mảng kinh doanh sản xuất chip nhớ và màn hình của Samsung không đem lại phần lớn lợi nhuận hiện tại, chúng vẫn đang dẫn đầu ngành công nghiệp tương ứng và sẽ tiếp tục cần Samsung đổ thêm vốn để duy trì thế cạnh tranh.

Ngoài ra, ngành công nghiệp công nghệ là nơi mà vận may có thể thay đổi rất nhanh. Không đâu xa, Samsung chỉ cần nhìn ngay vào đối thủ đã một thời lừng lẫy Panasonic. Panasonic đã từng nổi tiếng về khoản tiền mặt dự trữ. Khi tivi màn hình phẳng bắt đầu thay thế những chiếc tivi CRT cồng kềnh, Panasonic đã đầu tư rất mạnh tay cho màn hình plasma. Họ xây dựng vài nhà máy trị giá nhiều tỷ USD để sản xuất màn hình, để rồi sau đó phải chứng kiến các khoản đầu tư đó bị ảnh hưởng trong cuộc suy thoái kéo dài.

Sau khi Panasonic bị thua lỗ hơn 15,1 tỷ USD trong 2 năm qua, xếp hạng tín dụng của công ty này đã bị xếp dưới mức có thể đầu tư bởi tổ chức định giá tín nhiệm quốc tế Fitch.

Đọc thêm: CEO Tim Cook “đau đầu” vì Apple quá nhiều tiền!