Nhịp sống số

Samsung – Apple và câu chuyện của 2 kẻ dẫn đầu xu thế (kỳ 1)

Trong khoảng chục năm trở lại đây, Samsung và Apple đã vươn lên trở thành những người khổng lồ trong làng sản xuất thiết bị công nghệ, vậy nên luôn có sự cạnh tranh (cả lành mạnh lẫn không lành mạnh) từ cả 2 phía Apple và Samsung, tuy nhiên mối quan hệ giữa hai ông lớn này không phải chỉ có thế.


 

Đón xem kì 2 : "Những mối bất hoà khó tránh!"

Kỳ 1 : Thời thế tạo anh hùng

Có lẽ thời điểm thích hợp hơn cả để bắt đầu nói đến điểm khởi đầu cho mối quan hệ phức tạp giữa Apple và Samsung chính là vào thời điểm bắt đầu cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới. Thời điểm mà đã có không ít những kẻ từ triệu phú đô la trong một đêm đã trở thành tay trắng và cũng không ít kẻ kịp thời nhận ra trật tự từ trong hỗn loạn để rồi xác định được con đường đi mới cho bản thân mình.

Có một điều cần phải thừa nhận rằng cả Apple và Samsung đều là những kẻ thức thời. Không thức thời sao được khi mà sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới bắt đầu từ cuộc khủng hoảng tài chính ở Hoa kì kéo theo sự đi xuống của hàng loạt các tên tuổi lớn về công nghệ từ Sony mà trước đây là Sony Erickson rồi đến Motorola, Nokia và mới đây nhất phần nào là RIM, Apple và Samsung vẫn không hề suy sụp mà còn từng bước vươn lên để làm bá chủ toàn cầu, thậm chí ko chỉ tính riêng về thị trường các thiết bị di động.

Sức mạnh để tạo ra sự thay đổi này là từ đâu ? Với đánh giá của cá nhân tôi, có lẽ nó nằm ở sự “dám thay đổi” mà kẻ tiên phong không ai khác mà chính là cố chủ tịch Steve Jobs của Apple.  Khoảng  7 8 năm trở về trước thôi bạn sẽ nghĩ đến gì đầu tiên khi nghe thấy 2 tiếng Apple ? nếu không phải là một kẻ chỉ nghĩ đến ăn, tôi dám cá là các bạn đa phần chỉ biết đến Apple với sản phẩm là các thiết bị nghe nhạc mà cụ thể hơn là những chiếc ipod classic thế hệ đầu và tôi cũng không nằm ngoài đa số, thậm chí nếu thành thật ra mà nói thì mang tiếng là trẻ con thành phố phải nhưng đến những năm lớp 8 lớp 9 tôi mới lần đầu tiên được sở hữu một chiếc máy nghe nhạc “nhái” hãng Apple.

Lịch sử phát triển của Apple qua sản phẩm 

Thế nhưng nếu nói đến Apple của ngày hôm nay, đến một đứa trẻ con cũng biết rằng Apple không chỉ đơn giản là như vậy khi mà đi đến đâu ta cũng có thể thấy sự hiện diện của các sản phẩm mang nhãn hiệu này. Từ những chiếc “máy chém hoa quả” mang nhãn hiệu iPhone, rồi đến những chiếc “máy chém hoa quả” to hơn mang nhãn hiệu iPad và đủ các thể loại hàng hóa lẩu thập cẩm khác từ quần áo cho đến dép tổ ong đang ngày ngày khoác lên mình những nhãn hiệu na ná nhãn hiệu của “hãng điện thoại” này. Và từ lúc nào, trong mắt đại đa số người dùng phổ thông (ít nhất là ở thị trường Việt Nam) cái tên Apple vốn luôn gắn liền với 3 chữ “máy nghe nhạc” ngày nào đã dần trở thành “hãng điện thoại”.

Nói vui vậy để thấy được rằng Apple đã có sự thay đổi mạnh mẽ đến chừng nào, mà quyết định phát triển dòng sản phẩm mang nhãn hiệu iPhone (phát hành năm 2006) chính là quyết định mang tính bước ngoặt cho sự phát triển ấy. Chiếc điện thoại này không chỉ là cứu cánh cho Apple thoát khỏi sự  lún xuống của cả nền kinh tế mà còn tạo ra một cuộc cách mạng to lớn trong lĩnh vực viễn thông, góp phần làm thay đổi cả thị trường công nghệ.

Đó là từ phía Apple, vậy còn với Samsung ?

Ở châu Á, có một công ty đã vượt lên trên tất cả để trở thành biểu tượng vươn lên của cả châu lục, có một công ty đã dần trở thành niềm tự hào không chỉ của người dân mẫu quốc mà còn của người dân toàn châu Á,  và ngoài Samsung ra liệu có bao nhiêu tên tuổi đủ sức làm được điều đó trong thời điểm hiện tại ?

Có lẽ ít người trong chúng ta biết rằng Samsung vào thời điểm ban đầu chỉ là một công ty vận tải đường bộ nhỏ. Còn nhớ, vào thời kì thập kỉ 80 90 của thế kỉ trước, nền kinh tế Hàn quốc  bị kiểm soát bởi sự nổi lên của hàng loạt các tập đoàn kinh tế gia tộc. Với sự nâng đỡ bằng các chính sách ưu đãi từ phía chính phủ, những tập đoàn này phát triển với tốc độ chóng mặt để rồi dần dần kiểm soát phần lớn nền kinh tế cũng như xuất nhập khẩu của sứ sở đại Hàn, và nhờ có nó, Hàn quốc đã vượt qua được những hậu quả nặng nề sau cuộc chiến tranh và đi lên trở thành một siêu cường công nghiệp. Trong những tập đoàn gia tộc được người dân ưu ái gọi với cái tên Chaebol đó, nổi bật hơn cả là bốn cái tên Huyndai, Daewo, Samsung và LG.

Trụ sở Samsung tại Daegu trong những năm 40 của thế kỉ trước

Thế nhưng khi cơn bão khủng hoảng tài chính lan rộng ra khắp châu Á với sự sụp đổ của một loạt thị trường chứng khoán vào năm 1997, không ít những Chaebol đã phải lâm vào cảnh tán gia bại sản, trong đó có cả những tập đoàn lớn nhất. Do ỷ lại từ nguồn tài trợ và chống lưng từ phía chính phủ, các Chaebol  này vay mượn tràn lan và đầu tư một cách dàn trải; cộng với tâm lý cố hữu bảo thủ vốn là nhược điểm của các tập đoàn theo lối gia đình trị; rất nhiều trong số những tập đoàn lớn nhất xứ Đại Hàn đã không thể sống sót qua khỏi cơn bão tài chính tồi tệ ấy. Các công ty nợ ngân hàng trong nước, còn các ngân hàng trong nước thì nợ các ngân hàng nước ngoài, và khi khủng hoảng tài chính với làn sóng rút vốn để tháo chạy khỏi con tàu đắm xảy ra, việc vỡ nợ âu cũng là điều dễ hiểu. Và hậu quả là gần một nửa trong số 30 Chaebol lớn nhất xứ Đại Hàn đã rơi vào cảnh phá sản và phải sát nhập vào các tập đoàn khác mà sự sụp đổ của KAI và Daewoo là một ví dụ điển hình mà ai cũng có thể dễ dàng trông thấy.

Khi cực thịnh cũng là lúc khởi suy và sự thất bại của kẻ này lại là niềm vui mừng của khác, việc sụp đổ của các tập đoàn lớn như KAI và Daewoo lại là cơ hội cho Samsung bứt phá. Samsung đã sống sót qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á dù phải nhượng lại một công ty con của mình là Motor Samsung cho Renault nhưng những cải cách đúng đắn và kịp thời sau đó đã giúp tập đoàn này vươn mình đứng dậy và khẳng được chỗ đứng của bản thân mình.

Để có thể lập được đại công, một đoàn quân luôn cần có một người lãnh đạo thiên tài, và nếu Micrrosoft có Bill, Apple có Steve Jobs thì Samsung cũng có một người như vậy. Đó là Lee Kun Hee, người đã kế thừa một cách hoàn hảo sứ mệnh mà người cha già Lee- Byung Chul, kẻ sáng lập Samsung giao phó cho mình.

Chân dung chủ tịch Lee Kun Hee, người đã đặt nền móng cho sự thay đổi của Samsung

 “Hãy thay đổi mọi thứ trừ vợ và con của bạn” đó là câu nói của Lee Kun Hee mà tôi tâm đắc nhất. Và nói là làm, Samsung dưới thời Lee Kun Hee đã có một loạt sự thay đổi, logo ba ngôi sao trông lằng nhằng và rắc rối kiểu cũ đã được thay thế bằng một logo đơn giản, hiện đại và dễ nhớ như chúng ta vẫn thấy bây giờ. Cách sử dụng con người cũng có sự thay đổi, giờ đây Samsung không cần những con người làm làm việc quên mình theo phong cách Nhật bản truyền thống vốn ảnh hưởng nặng lên phong cách sống của người dân xứ Hàn từ thời đại chiến thế giới, mà thay vào đó, họ cần những con người biết đổi mới và có tư duy sáng tạo. Và hàng loạt nhân tài trên khắp thế giới đã được tuyển chọn và đưa về, bởi chiến lược phát triển mà Lee Kun Hee là người khởi sướng giờ đây đã thay đổi. Từ lúc này, Samsung của Lee Kun Hee không thể mãi cứ là một con ếch trong cái giếng Triều Tiên nhỏ bé mà nó phải là một con ếch biết … nhìn ra thế giới.

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào năm 2006 kéo theo sự đi xuống của một loạt các nhà sản xuất phía nửa tây bán cầu cùng với cuộc cách mạng smartphone một lần nữa đã làm thay đổi Samsung. Trong khi Nokia còn đang lưỡng lự với việc nên giữ hay bỏ đối với Symbian và sau đó là Meego, Apple thì đang tập trung chăm chút cho iPhone với iOS mà hãng này tự mình phát triển, Google muốn đấy nhưng lại chưa đủ sức làm nên một chiếc điện thoại của riêng mình và Samsung đã nổi lên với tư cách là kẻ thay thế Google làm điều mơ ước đó.

Trụ sở Samsung ở ngay giữa trung tâm Seoul thời điểm hiện tại

Đến giờ, khi nhìn lại, có thể thấy việc đầu tư sức người và sức của vào Android là một nước đi đúng đắn của Samsung mà dòng điện thoại Galaxy là đỉnh cao của hãng. Cái cách mà Samsung thực hiện quảng bá hình ảnh, cái cách mà hãng này chọn xây dựng và duy trì độ hot tập trung chỉ cho một thương hiệu duy nhất trong khi các hãng khác như HTC và sau đó là Sony chọn việc xây dựng hàng loạt thương hiệu một cách dàn trải và thiếu tập trung là quá đủ cho câu hỏi về sự thành công của tập đoàn này. Đấy là chưa nói đến việc, rất nhiều công ty, tập đoàn trong số những cái tên kể trên phải nhập khẩu chính linh phụ kiện từ gã đối thủ khó chịu mang cái tên hàm nghĩa là “ngôi sao” (sáng-pv) – Samsung này. Chừng đó, chừng đó thôi cũng quá đủ cho một câu trả lời.

Và như vậy Apple, Samsung từng bước.. từng bước một, cùng nhau chiếm lĩnh thị trường như thế.

Mời bạn đón đọc kỳ hai:  "Những mối bất hoà khó tránh!"