Nhịp sống số

Phổ cập Internet thông qua trẻ em

Theo đại diện Ngân hàng Thế giới, để tiết kiệm chi phí và phát triển mạng băng rộng hiệu quả, Việt Nam có thể đào tạo trẻ em sử dụng mạng băng rộng ở nhà trường rồi phổ cập lại kiến thức cho những người lớn trong gia đình, làng xã.

Ảnh

Sử dụng băng rộng di động để phổ cập Internet tại nông thôn

Tại hội thảo "Chiến lược phát triển mạng băng rộng và các ứng dụng cho nông thôn Việt Nam", ông Victor Mulas - đại diện Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết, việc phát triển cơ sở hạ tầng băng rộng sẽ khó hơn rất nhiều so với hạ tầng viễn thông bởi người dân không hiểu được tiềm năng của băng rộng. Vì thế, bên cạnh việc chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cần chú ý đáp ứng nhu cầu của người dân thông qua các dịch vụ giá trị gia tăng. Từ đó, người dân sẽ hiểu, biết cách sử dụng băng rộng để cải thiện cuộc sống.

Muốn vậy, chúng ta sẽ thực hiện 3 chiến lược phát triển gồm mở rộng cơ sở hạ tầng truy nhập băng rộng đến vùng nông thôn (kinh phí khoảng 10 - 25 triệu USD), nâng cao hiểu biết cho người dân (10 - 20 triệu USD) và thúc đẩy ứng dụng Internet di động cho nông thôn (5 - 10 triệu USD).

Theo ông Mulas, sở dĩ Ngân hàng Thế giới kiến nghị sử dụng băng rộng di động vì băng rộng cố định rất khó mở rộng đến nông thôn (nhất là những nơi có vị trí địa lí rộng lớn) như băng rộng di động và lại có chi phí cao hơn hẳn. Một số quôc gia như Chi Lê đã phủ băng rộng di động đến 90% dân số, trong đó có rất nhiều vùng xa xôi, hẻo lánh."Để làm được điều này, Việt Nam phải đầu tư, tăng cường chất lượng mạng đường trục băng rộng di động vì khi phủ sóng đến nông thôn, lượng truy cập sẽ tăng rất nhanh như ở Hồng Kông, dung lượng sử dụng băng rộng di động tăng gần 20 lần", ông Mulas cho biết thêm.

Ngoài ra, cần nâng cao trình độ CNTT cho người dân. Ở Anh hay Kenya, đều xây dựng những trung tâm đào tạo cho người dân biết cách sử dụng các dịch vụ Internet và mạng băng rộng. "Việt Nam có thể tận dụng những điểm bưu điện văn hóa xã như một trung tâm đào tạo người dân; thậm chí có thể trang bị những kĩ năng về Internet, băng rộng cho trẻ em ở nhà trường và các em sẽ tiếp tục đào tạo những người lớn trong gia đình, làng xã mà không phải mất nhiều chi phí", ông Mulas nhấn mạnh.

Cuối cùng, để có các ứng dụng Internet, Việt Nam phải thành lập nhiều trung tâm phát triển ứng dụng. "Tại Sri Lanka và Lebanon, các chính phủ đều có những chương trình thúc đẩy phát triển ứng dụng di động. Còn Philippines đã thành công khi tạo ra ứng dụng thông tin thị trường, hướng dẫn phun thuốc trừ sâu... qua tin nhắn, qua mạng cho người dân. Hệ quả là cuộc sống của người dân nông thôn tốt hơn rất nhiều", ông Mulas dẫn chứng.

Chú trọng nâng cao nhận thức của người dân và phát triển ứng dụng

Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số - Vô tuyến điện (Bộ TT&TT) cho biết, để thực hiện 3 chiến lược phát triển băng rộng đến vùng nông thôn phải nghiên cứu, khảo sát thị trường thật kĩ để xác định được hiện trạng, nhu cầu lưu lượng sử dụng của từng vùng cũng như có kế hoạch hành động, đầu tư phù hợp.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, do nông thôn Việt Nam có rất nhiều điểm khác biệt so với các nước khác, có vùng phát triển tốt về kinh tế nhưng cũng có rất nhiều địa phương nghèo. Từ đó, nhu cầu về sử dụng băng rộng cũng khác biệt, cần được phân loại khu vực.

Do nguồn lực kinh tế của Việt Nam hạn chế mà khu vực nông thôn lại chiếm diện tích lớn nên để có chiến lược đầu tư hiệu quả cho băng rộng, chúng ta không nên triển khai đại trà đến các gia đình mà đưa băng rộng đến đúng đối tượng có nhu cầu sử dụng cao như trường học, bệnh viện, chính quyền các cấp, doanh nghiệp...

"Nếu không có chiến lược, chính sách phát triển băng rộng đến nông thôn phù hợp thì dự án chắc chắn sẽ thất bại", Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng, ngoài hạ tầng, nhận thức của người dân và ứng dụng Internet, để phổ cập được băng rộng, phải có các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất thiết bị đầu cuối truy nhập Internet (máy tính bảng, smartphone) như Chương trình sản xuất 1 triệu máy tính giá rẻ cho nông thôn thì người dân mới dễ dàng tiếp cận.

Phát biểu tại Hội thảo, đại diện VNPT và Viettel kiến nghị, ngoài việc đầu tư băng rộng đến nông thôn, nhà nước nên có thêm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hệ thống Internet băng rộng.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực Internet, trong 3 chiến lược phát triển băng rộng đến nông thôn, cơ sở hạ tầng được đầu tư với chi phí cao nhất ở mức 25 triệu USD. Mặc dù vậy, thực tế ở vùng nông thôn hiện nay, dung lượng sử dụng Internet cố định, 3G còn thấp và hạ tầng băng rộng đang "thừa". Vì thế, nếu chúng ta đầu tư một số tiền lớn nhất trong 3 chiến lược vào hạ tầng thì sẽ tiếp tục "thừa". Do đó, nên tập trung chi phí cho việc nâng cao nhận thức sử dụng của người dân và phát triển ứng dụng, dịch vụ Internet (như các trang thương mại điện tử cung cấp giá nông sản hay những diễn đàn nông dân để người dân cùng chia sẻ...). "Khi người dân đã dùng nhiều, chúng ta mới tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng thì việc sử dụng chi phí mới hiệu quả", vị chuyên gia này kết luận.