Nhịp sống số

Phía sau vụ thâu tóm Motorola Mobility của Google

Sau gần một năm đàm phán, hôm 22/5, CEO Google Larry Page cho biết đã chính thức hoàn tất thương vụ thâu tóm Motorola Mobility, với chi phí lên tới 12,5 tỷ USD.

 

Sau gần một năm đàm phán, hôm qua (22/5), Giám đốc điều hành Google Larry Page cho biết đã chính thức hoàn tất thương vụ thâu tóm Motorola Mobility.

Đây không chỉ là thương vụ thâu tóm lớn nhất từ trước tới nay và còn đánh dấu bước chuyển quan trọng từ hãng phần mềm và tìm kiếm trực tuyến sang nhà chế tạo thiết bị điện tử tiêu dùng của Google.

Motorola Mobility là một trong hai công ty con được tách ra từ tập đoàn "mẹ" Motorola. Trước đó, vào năm 2008, Motorola đã quyết định chia tách ra làm 2 công ty phụ trách hai phân mảng, bao gồm Motorola Mobility chuyên về sản xuất các thiết bị viễn thông di động và Motorola Solutions chuyên cung cấp các dịch vụ viễn thông.

Thương vụ mua lại một phần tập đoàn Motorola của "người khổng lồ" Google được công bố từ tháng 8 năm ngoái, nhưng do vướng phải nhiều rào cản pháp lý từ Mỹ, Liên minh châu Âu và đặc biệt là Trung Quốc nên mãi không được hoàn thành. Ngay sau khi Trung Quốc bật đèn xanh, Google đã tuyên bố sở hữu Motorola Mobility.

Trung Quốc đặt điều kiện cho thương vụ này, là Google phải cam kết sẽ tiếp tục duy trì Android là nền tảng mã nguồn mở và hoàn toàn miễn phí trong ít nhất 5 năm. Tuy nhiên, cả Google và Motorola đều tỏ ra hài lòng với vụ mua bán sáp nhập này và hiện cả hai đang cùng nhau vạch ra những kế hoạch lớn trong tương lai.

“Tôi vô cùng vui mừng thông báo rằng vào ngày 22/5, thỏa thuận mua lại Motorola Mobility đã hoàn tất. Motorola là hãng công nghệ vĩ đại của Mỹ, với nhiều sáng tạo đột phá trong lĩnh vực di động. Chúng tôi tin rằng Motorola Mobility sẽ trở thành công ty con đầy giá trị của Google”, Giám đốc điều hành Google Larry Page tuyên bố.

Cũng nhân sự kiện này, Larry Page bổ nhiệm Dennis Woodside làm Giám đốc điều hành Motorola Mobility. "Một trong những việc đầu tiên của tân giám đốc điều hành là mở rộng kinh doanh ra Trung Đông, châu Phi, Tây Âu và Nga", Page nói. Năm 2011, Woodside đã giúp lợi nhuận của Google Mỹ từ 10,8 tỷ USD tăng lên 17,5 tỷ USD.

Theo một phát ngôn viên của Motorola Mobility, CEO mới Woodside sẽ thực hiện chiến lược “ít nhưng chất”, đồng nghĩa với việc trong thời gian tới đây, người hâm mộ dòng sản phẩm Motorola hoàn toàn có quyền hy vọng được chứng kiến những chiếc smartphone “siêu phẩm” cạnh tranh với các đối thủ như Apple, HTC hay Samsung.

Hiện tại, Google và phía Motorola Mobility đều chưa công bố kế hoạch tái cấu trúc sau khi hợp nhất. Tuy nhiên, theo giới phân tích, chắc chắn sẽ có một đợt sa thải nhân viên trên quy mô lớn tại Motorola Mobility, bởi Google từng thực hiện quyết định tương tự sau khi hãng thâu tóm DoubleClick hồi tháng 3 năm 2008.

Bàn về thương vụ trị giá 12,5 tỷ USD này, giới phân tích tin rằng Google sẽ có được hàng chục nghìn bản quyền sáng chế vốn thuộc sở hữu của Motorola Mobility, trong khi việc bán thương hiệu sẽ mang lại một tương lai vững chắc, ổn định hơn cho Motorola trong bối cảnh hãng đang phải chịu sức cạnh tranh dồn ép từ đối thủ nặng ký Apple.

Cụ thể, việc mua lại Motorola Mobility giúp Google tiếp cận hơn 17.000 sáng chế, cộng thêm 7.500 sáng chế đang chờ được cấp phép. Google cho biết có kế hoạch dùng các bằng sáng chế này để thắng những vụ kiện do Apple và Microsoft khởi xướng nhằm đe dọa hệ điều hành mã nguồn mở Android đang rất được ưa chuộng.

Tuy nhiên, các chuyên gia công nghiệp tin rằng, bằng việc thâu tóm Motorola Mobility, Google không chỉ nhằm vào kho bản quyền sáng chế mà còn nhân dịp này tiến quân vào sâu trong "lãnh thổ" của Apple. Mua Motorola giúp Google kiểm soát cả phần cứng và phần mềm để chế tạo các dòng smartphone, máy tính bảng, TV...

Hiện có nhiều tin đồn rằng, Motorola Mobility sẽ giúp Google sản xuất và bán được nhiều thiết bị sử dụng Android trực tiếp đến người dùng, bất kể rằng Google từng trấn an các đối tác sản xuất thiết bị di động chạy Android rằng sẽ không có bất kỳ sự đối xử đặc biệt nào dành cho sản phẩm mang thương hiệu Motorola.

 

Theo vneconomy