Nhịp sống số

Phí tải nhạc số: Doanh thu gần như bằng không

Phí tải nhạc số: Doanh thu gần như bằng không

Còn gần 1 tháng nữa là tới ngày thu phí nhạc số chính thức trên 7 website uy tín (1-1-2013). Tuy nhiên, sau 1 tháng thí điểm, số tiền thu được chỉ đạt hơn 15 triệu đồng, một con số gần như bằng không so với những gì người ta kỳ vọng khi đặt ra vấn đề thu phí nhạc số tại Việt Nam.

Các bạn trẻ với thông điệp "Nghe có ý thức”

 

Bất cập từ nhà cung cấp

 

Cũng từ việc thu phí thí điểm trong thời gian vừa qua, người ta mới thấy được những bất cập nảy sinh từ nhiều phía trước khi việc thu phí nhạc số chính thức được thực hiện. Trước thời điểm thu phí, các đơn vị tham gia thu phí nhạc đều cam kết người dùng có thể thanh toán tải nhạc dễ dàng bằng nhiều phương thức, như: bằng thẻ cào hoặc thanh toán trực tiếp qua tài khoản di động... Nhưng đến nay, việc mỗi website áp dụng một hình thức thu phí đã khiến cho không ít người dùng cảm thấy phiền toái. Có thể thấy, tại Nhacvui.vn, người dùng phải thanh toán qua hệ thống Baokim.vn hoặc Nganluong.vn. Còn tại Zing Store, Nhaccuatui, MegaMusic, để tải nhạc, người dùng phải nạp tiền từ thẻ cào điện thoại, thẻ ATM – Internet Banking... Chỉ có 2 trang web là goMusic và Keeng.vn là cho phép thanh toán trực tiếp thông qua tài khoản điện thoại hay SMS để thanh toán từng ca khúc. Keeng.vn vẫn yêu cầu người dùng phải đăng kí tài khoản và chỉ khách hàng của mạng Viettel mới được quyền tải nhạc tại đây… Khi mà đối với nhiều khách hàng chưa quen sử dụng các dịch vụ trả tiền trực tuyến thì đây là một cách làm khó.

Ngoài ra, mỗi trang web sắp xếp ca khúc trong 100 album thu phí một kiểu cũng gây không ít khó khăn trong việc tìm kiếm. Hiện chỉ có hai website sắp xếp thuận tiện cho việc tìm kiếm là nhacvui.vn tập hợp các bài hát chất lượng trong nút tải nhạc, người tải cứ bấm vào là thấy hết các album của RIAV, và Zing đưa hết các bài hát/album có thu phí vào website Zing Store. Còn phần lớn các website khác vẫn để bài hát có thu phí lẫn lộn với các bài hát miễn phí. Chất lượng hiện tại được cung cấp thường là mp3 128kbs, thấp hơn so với chất lượng được người yêu nhạc ưa chuộng là mp3 320kbs hoặc m4a, flac. 

Bên cạnh đó, việc hiện tại chỉ có 5 đơn vị kinh doanh giải trí trực tuyến thực hiện áp dụng thu phí trên tổng số hơn 150 đơn vị kinh doanh có đăng ký tại Việt Nam là một con số quá ít. Người dùng có thể chọn sử dụng 145 đơn vị còn lại vẫn đang cung cấp sản phẩm miễn phí. Điều này giống kiểu "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Nhiều khách hàng cho rằng: Các nhà cung cấp giải trí trực tuyến cũng nên nỗ lực, kiên trì và có kế hoạch chi tiết, cụ thể hơn trong việc phổ biến thông tin và đơn giản hóa phương thức thanh toán các sản phẩm nhạc số cho người nghe nhạc. Và quan trọng hơn là phải đảm bảo đúng chất lượng như đã quảng cáo trước, góp phần giúp cộng đồng mạng xây dựng thói quen tốt trong việc trả phí để sử dụng các sản phẩm nhạc số.

 

Website nhạc lớn thứ 2 Việt Nam thu về 36.000 đồng

 

co the ban quan tam

Theo thống kê của Công ty cổ phần Tập đoàn MV Corp, số tiền thu được sau một tháng thử nghiệm việc thu phí tải nhạc là 15.116.600đ. Trong đó, thu về nhiều nhất là Viettel với 7.000.000đồng, đứng thứ hai là Zing Mp3 với 6.000.000đồng. Đáng ngạc nhiên là website có thị phần lớn thứ hai Việt Nam, NhacCuaTui chỉ thu về có 36.000đồng… Có thể nói, đây là con số rất nhỏ so với một thị trường âm nhạc mà nhạc số đang được thịnh hành như ở Việt Nam. Nhưng bên cạnh yêu cầu thu phí, các website vẫn thu hút khách hàng bằng cách cho nghe miễn phí, thậm chí là download miễn phí với chất lượng 128 Kbps. "Thật ra đây chỉ là thử nghiệm nên chúng tôi không đặt nặng số tiền thu về là bao nhiêu, cái chính là tạo thói quen trả phí cho người nghe”, ông Phùng Tiến Công - Phó Tổng giám đốc MV Corp. cho biết. Cách làm đó cũng cho thấy người nghe không dại gì mà chọn cách trả phí 1.000 đồng cho mỗi bản nhạc họ tải về.

Còn một vấn đề khác khiến nhiều người lo ngại việc thu phí nhạc số bất khả thi, đó là việc thu phí chỉ mới gói gọn trong 100 album của MV Corp. Đây là các album do Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) quản lý, do các công ty hội viên như Rạng Đông, Bến Thành, Hoàng Đỉnh, Phim Truyện 1, Lạc Hồng… sản xuất cách đây khá lâu. Còn với các ca sĩ được yêu thích như: Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Hồ Ngọc Hà, Thanh Thảo, Nam Cường… họ đều lập công ty sản xuất cho riêng mình chứ không thuộc RIAV. Như vậy cũng có thể nói, hiện các Album mà MV Corp đang thu phí ít được giới trẻ hưởng ứng. Như vậy, phải làm gì để kết nối được với những ca sĩ trẻ - lực lượng hùng hậu để tạo làn sóng "Nghe có ý thức” tại Việt Nam? Câu trả lời quả thực không dễ dàng. 

Chưa vội để kết luận thành công hay thất bại của việc thu phí nhạc số, nhưng với khởi động èo uột ban đầu thì rất khó nhìn thấy sự thành công trong tương lai. 

 

Gia Bách/DDK