Nhịp sống số

Phát triển phần mềm mã nguồn mở: Hướng đi nào?

Phát triển phần mềm mã nguồn mở: Hướng đi nào?

“Đường hầm” phần mềm mã nguồn mở không phải không có lối ra. Bài toán “kì vọng” cần phải có lời giải, cho dù không thể loại bỏ những yếu tố rủi ro.

Bài toán khó phải giải

"Việc triển khai ứng dụng PM nguồn đóng đã là cực kì khó, và PMNM sẽ khó hơn rất nhiều", TS. Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, phát biểu tại lễ khai mạc hội thảo.

Dù có nhiều “phương sai” nhưng rõ ràng bài toán “kì vọng”phần mềm nguồn mở (PMNM) cần phải có lời giải.

Kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007, PMNM đã được xem như một lối thoát vi phạm bản quyền, bởi các doanh nghiệp (DN) trong nước có nguy cơ đối mặt với các vụ kiện tụng về quyền sở hữu trí tuệ.

Theo ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng, Vụ CNTT, Bộ TTTT, và một số diễn giả, bản quyền phần mềm hiện đang được phía Mỹ xem như là một thứ vũ khí để chống lại DN các nước khác. Do đó, PMNM là một giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế tác động của luật chống cạnh tranh bất bình đẳng đã được các bang Washington và Louisiana thông qua, và các bang khác đang xem xét áp dụng.

“Các DN nước ngoài sản xuất và bán hàng hóa vào Mỹ có sử dụng các sản phẩm phần mềm không bản quyền (qua đó giảm được chi phí sản xuất) có thể bị khởi kiện vì lí do cạnh tranh bất bình đẳng với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa cùng loại”, ông Tuyên trích dẫn luật này.

Cần quyết liệt trong thực thi chính sách

Không riêng gì Việt Nam, chính phủ nhiều nước trên thế giới cũng ủng hộ xu hướng PMNM. Có khác chăng là họ thực hiện quyết liệt hơn.

“Chính phủ Đức đã cấm dùng các sản phẩm Microsoft trong các hệ thống máy tính nhạy cảm”, TS. Nguyễn Thanh Tuyên nêu dẫn chứng.

Trong khi đó, sự thiếu quyết tâm của Việt Nam thể hiện ngay từ khâu đầu tiên là vấn đề tài chính. “Thiếu kinh phí cho ứng dụng và phát triển PMNM: Ngân sách Trung ương hỗ trợ ít và giảm dần, ngân sách địa phương đầu tư không đáng kể”, ông Tuyên cho biết, và bổ sung, tệ nạn “thích mua” cũng đang là một rào cản cho PMNM.

“Vấn đề tiêu cực trong mua sắm phần mềm vẫn có thể xảy ra làm cản trở PMNM”, ông Tuyên nói.

Báo cáo tình hình ứng dụng PMNM 2010 của ông Tuyên cho thấy, các địa phương, bộ/ngành còn e dè, chưa dám chọn các giải pháp PMNM trong các dự án CNTT tại đơn vị mình. Điều đó còn được thể hiện qua các số liệu báo cáo mới chỉ tập trung vào những con số đào tạo và lượng máy cài đặt PMNM, còn tình hình sử dụng thế nào thì thiếu những đánh giá cụ thể.

Phải đi từ gốc

Việt Nam đã có những chính sách ban hành để thúc đẩy PMNM. Chính phủ đã ra các quyết định về phê duyệt dự án tổng thể, về đầu tư mua sắm dùng vốn ngân sách nhà nước. Bộ TTTT cũng thể hiện quyết tâm với các chỉ thị, quyết định và thông tư ban hành liên quan đến PMNM. Tuy nhiên, hiện trạng chính sách về PMNM lại đang gây nhiều băn khoăn.

“Văn bản chỉ đạo của Bộ bắt đầu từ ngọn”, đó là quan điểm của Sở TTTT TP. HCM, qua phát biểu của Phó Giám đốc Sở Nguyễn Anh Tuấn. Ông ngụ ý tới Thông tư 41/2009/TT-BTTTT ban hành danh mục PMNM đáp ứng yêu cầu sử dụng trong các CQNN, gồm một danh sách cụ thể các phần mềm: HĐH Ubuntu, ứng dụng văn phòng OpenOffice, thư điện tử ThunderBird, trình duyệt FireFox, bộ gõ tiếng Việt Unikey…

Ông Tuấn cho biết, kinh nghiệm của TP. HCM là phải xuất phát từ nền tảng. “Cần kiến trúc và mô hình để chuyển đổi thành công”.

Theo ông Tuấn, sau nhiều thất bại, TP. HCM đã rút ra rằng ứng dụng CNTT phải xuất phát từ nền tảng, lấy kiến trúc làm chuẩn, ứng dụng phải theo hướng mở. Mọi quy trình, biểu mẫu, báo cáo đều phải “động” để dễ dàng theo kịp quá trình thay đổi liên tục của cải cách hành chính, đáp ứng nhanh chóng yêu cầu của cuộc sống đặt ra. “Đây là hệ thống, không phải phần mềm”, ông Tuấn nói.

Vai trò quan trọng của nguồn nhân lực cũng được ông Tuấn nhấn mạnh bằng việc trích dẫn lời của Phó chủ tịch UBND TP. HCM Lê Mạnh Hà, “chúng ta có việc cộng với có tiền sẽ có con người để thực hiện chính sách đề ra”. “Tự chủ công nghệ là điều quan trọng, nên chúng ta cần có nguồn nhân lực”.

Tạo lập thị trường cạnh tranh

Như đã đề cập ở bài viết trước, DN chưa thấy xuất hiện thị trường PMNM nên chưa lao vào. Nhưng ông Đoàn Việt Hưng, Giảng viên Khoa Khoa học và Máy tính, Trường ĐH Bách Khoa TP. HCM, lại băn khoăn về việc làm sao để có một thị trường mang tính cạnh tranh mới đem đến sự phát triển.

Dẫn chứng từ chỉ thị 07/2008/CT-BTTTT về đẩy mạnh ứng dụng PMNM trong hoạt động của CQNN, ông Hưng đánh giá cao sự quyết tâm của Bộ TTTT, nhưng chỉ ra mặt trái là việc đề cập cụ thể từng ứng dụng có nguy cơ đem lại “lợi ích nhóm”, và sẽ có nhiều DN CNTT phản ứng vì bị chính sách gạt ra rìa.

“Chính sách ưu tiên mua sắm tạo rào cản gia nhập của các DN, đồng thời hạn chế sự lựa chọn của người dùng”, ông Hưng khuyến cáo, và cho biết chính phủ nhiều nước tuy ủng hộ PMNM nhưng trong các văn bản luôn thể hiện tính trung lập. Ví dụ như Malaysia từ năm 2006 đã tuyên bố chính sách trung lập thay cho việc ưu tiên PMNM như trước đây.

Tuy nhiên việc áp dụng các chuẩn mở lại được ông Hưng đánh giá cao, cụ thể như Thông tư số 19/2011/TT-BTTTT ngày 1/7/2011 về quy định áp dụng tiêu chuẩn định dạng tài liệu mở trong cơ quan nhà nước, bắt buộc dùng ODF hoặc PDF cho các tài liệu dạng chỉ đọc trên các cổng thông tin và website.

Người dùng không dễ gì từ bỏ thói quen sử dụng PM thương mại “đóng” có tính năng tốt, nhưng nếu việc thực thi phòng chống vi phạm bản quyền PM được siết chặt, sẽ có nhiều người hơn hướng tới sử dụng PMNM để đỡ gánh nặng chi phí, ông Hưng hiến kế.

Theo ông Hưng, tăng cường tuyên truyền cũng là một giải pháp thúc đẩy thị trường. “Thực tế cho thấy người dùng không có thông tin đầy đủ để nhìn nhận đầy đủ những lợi ích của PMNM”, ông nói. “Ngay cả các Sở TTTT qua khảo sát cũng thú thực là không tìm thấy đơn vị điển hình để học tập”.

Vấn đề đặt ra là cần có Trung tâm kiểm chứng, ông Hưng dẫn chứng tới kinh nghiệm của Malaysia. Dù không can thiệp một cách trực tiếp vào thị trường, nhưng họ có Trung tâm điều phối qua đó tư vấn giải pháp, hỗ trợ công nghệ, đào tạo, tạo ra nhận thức và nhận được sự ủng hộ của người dùng…

Định hướng chính sách

Báo cáo của ông Tuyên đưa ra những định hướng về mặt chính sách cho PMNM trong thời gian tới như sau:

Chính phủ sớm phân bổ kinh phí theo quyết định 50/2009/QĐ-TTg, cho giai đoạn 2009 – 2012, đồng thời các địa phương cũng cần ưu tiên bố trí kinh phí đối ứng từ nguồn ứng dụng CNTT của địa phương mình; Đẩy mạnh phổ cập giáo dục về PMNM để tạo nguồn lực lâu dài, và tăng cường đào tạo cán bộ công chức, viên chức cho hiện tại; Đẩy mạnh phát triển sản phẩm, dịch vụ, tài liệu PMNM; Các địa phương tập trung ứng dụng nguồn mở trên máy chủ và các giải pháp phục vụ hành chính công nguồn mở; đẩy nhanh tiến độ các văn bản định mức về PM, PMNM; Tăng cường hợp tác công tư để thúc đẩy PMNM.

Ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng vụ CNTT, Bộ TTTT, hứa hẹn tới đây Bộ sẽ có những điều chỉnh chính sách, tăng cường hơn nữa việc thông tin tuyên truyền quảng bá các sản phẩm PMNM tiêu biểu; có những giải pháp để giảm thiểu sự độc quyền trong lĩnh vực PM, cân bằng thông tin; lồng ghép PMNM trong các chương trình ứng dụng cũng như với các chương trình an toàn an ninh thông tin; có các cơ chế giám sát đánh giá việc thực thi cơ chính hính sách; có các dự án, các chương trình hỗ trợ để đào tạo PMNM trong trường ĐH/CĐ.

Về kinh phí, ông Đường cho biết, Bộ TTTT đã có văn bản gửi Bộ Tài chính yêu cầu và đề nghị bổ sung kinh phí cho năm 2011, và phân bổ kinh phí cho năm 2012 cho PMNM theo tinh thần quyết định 50 của Thủ tướng chính phủ. Ông Đường cho biết, đã đề nghị Bộ tài chính thay vì hỗ trợ đại trà (260 triệu đồng/mỗi tỉnh) như trước đây, chỉ cấp cho các tỉnh chưa tự chủ ngân sách, và đề xuất 1 số tỉnh điểm cấp kinh phí để phát triển PM ứng dụng dựa trên cơ sở mã nguồn mở theo các tiêu chí địa phương đã có sản phẩm hoàn thiện và có nguồn nhân lực để phát triển, và cần có đối ứng của địa phương thể hiện qua đối ứng trong năm 2010.

Bộ Tài chính đã hứa sẽ có kinh phí bổ sung cho năm 2011, và kinh phí cấp cho năm 2012. Tuy nhiên kinh phí cụ thể được bao nhiêu “vẫn phải chờ”, ông Đường nói, “Dù hạn chế nhưng hãy coi đây là nguồn lực động viên từ phía nhà nước”.