Nhịp sống số

Phá băng thông gói cước 3G – phong trào cần chấm dứt sớm

Sau khi các nhà mạng lần lượt tung ra gói cước 3G không giới hạn dung lượng với mức cước phí hấp dẫn dành cho máy tính, laptop, một số người dùng đã tận dụng gói cước này để tải phim HD, tải phần mềm có dung lượng lớn, khiến băng thông bị quá tải, tốc độ truy cập giảm sút.  Vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn, các nhà mạng phải giới hạn băng thông để đảm bảo tốc độ truy cập ổn định. Cụ thể, trong một dung lượng cho phép, người dùng chỉ được sử dụng băng thông tối đa (tùy theo gói quy định cụ thể) khi vượt ngoài dung lượng đó thì sẽ bị hạn chế băng thông xuống mức thấp hơn. Qui định này rõ ràng nhằm hạn chế người dùng download các bộ phim HD, Bluray có dung lượng lên đến hàng chục GB.

 

Phá băng thông để làm gì?

 





 

 

Trên các diễn đàn về công nghệ hàng đầu hiện nay như Voz, Tinhte, heaveniphone, pdaviet... nhiều nick đã chia sẻ các phương pháp dỡ bỏ sự hạn chế về băng thông, gọi nôm na là phá băng thông. Mỗi nhà mạng có cách phá băng thông khác nhau. Gần như nhà mạng nào, gói cước nào cũng được phổ biến cách phá băng thông. Phá băng thông bỗng dưng phổ biến và trở thành phong trào trong giới trẻ. Nhiều người dùng thậm chí còn tâm sự là không có nhu cầu phá nhưng thấy “bà con” chỉ cách phá thì cũng thử phá xem nó ra làm sao, có nhanh hơn không. Thông thường, ngay sau đó, các cách phá băng thông này sẽ được nhà mạng cập nhật, sửa lỗi. Nhưng cách này vừa sửa xong lại xuất hiện các phá băng thông khác. 


 

 

 

 


Sở dĩ có tình trạng trên là do các gói dịch vụ Internet 3G cho laptop có giá quá rẻ nếu so với dịch vụ ADSL. Đơn cử như gói Internet 3G Fast Connect không giới hạn giá 120.000đ/tháng cho tốc độ download tối đa 7,2Mbps, trong khi đó cước Internet MegaVNN rẻ nhất có mức 150.000đ/tháng với tốc độ download tối đa chỉ có 2,5Mbps. Nghịch lý xảy ra, 3G có giá rẻ hơn, tốc độ download tối đa nhanh hơn, đăng ký và thanh toán đơn giản hơn, còn ADSL lại phải nhiêu khê nhiều thủ tục. Chưa kể, trong khi các nhà mạng di động đua nhau khuyến mãi thì các nhà cung cấp dịch vụ ADSL gần như ít giảm giá cước dịch vụ và dẫn đến tình trạng “không dây” rẻ hơn “có dây”. Tuy nhiên, nguyên nhân chính nằm ở khâu đăng ký dịch vụ phức tạp, yêu cầu phải có hộ khẩu, cam kết thời gian sử dụng, phức tạp trong thanh toán dẫn đến việc nhiều người lựa chon 3G cho giản tiện.

 

Cần sớm chấm dứt

 

Hiện tượng phá băng thông đang làm lợi cho một số nhóm đối tượng nào đó nhưng lại ảnh hướng lớn đến hàng trăm ngàn thuê bao trong cùng thời gian truy cập hiện hữu. Những người có nhu cầu dùng thực sự sẽ chịu nhiều thiệt thòi, thậm chí là bực tức vì tốc độ chậm chạp, ảnh hưởng lớn đến công việc, giải trí. Dù nhà mạng ngay sau khi phát hiện lỗ hỏng đã kịp thời có bản vá nhưng sau đó tình trạng trên lại tiếp diễn. Để sớm chất dứt tình trạng này không quá khó. Bằng chứng là hiện nhiều nhà mạng đã có kinh nghiệm hơn trong khâu xử lý vá lỗi nên tình hình có phần giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, đâu đó tình trạng này vẫn diễn ra. Ngoài nỗ lực phát hiện và vá lỗi của nhà mạng thì ý thức của người dùng cũng đóng vai trò quan trọng. Song song đó, cũng cần có các biện pháp xử lý mạnh hơn. Chẳng hạn phát hiện cá nhân nào có hành vi phá băng thông thì chấm dứt hợp đồng, không cho tái ký dịch vụ và xử lý hành chính cao.

 

Vấn đề cốt lõi ở khâu giá cước cần sớm được điều chỉnh. Có thể vì cước 3G rẻ hơn cả ADSL nên mọi người đỏ xô dùng 3G. Mà đã dùng nhiều thì băng thông sẽ bị hạn chế. Khi bị hạn chế, người dùng mới nghĩ ra cách phá băng thông để vừa có được gói cước 3G rẻ, vừa có băng thông lớn. Cạnh đó, các thủ tục về đăng ký 3G cần rõ ràng hơn để có cơ sở xử lý hoặc chính sách giá cước linh hoạt cho thu trước theo quý, chu kỳ để người dùng 3G không phải lúc nào cũng chạy theo khuyến mãi. Đồng thời cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho những người có nhu cầu thật sự khi lắp đặt ADSL. Ví như mở rộng thêm cho người có KT3 được lắp đặt ADSL, giá cước tốt hơn với lưu lượng băng thông cao hơn các gói hiện hữu. Lẽ dĩ nhiên, mọi người đều hiểu, ADSL vẫn ổn định hơn hết.