Nokia đang hi vọng khôi phục tiếng tăm với Windows Phone. Tuy nhiên, chiến lược của hãng dành cho nền tảng này bị đánh giá không mấy khôn ngoan.
Đầu năm nay, Nokia đã thể hiện chú trọng đặc biệt vào Windows Phone 7 khi hợp tác cùng nhà mạng T-Mobile (Mỹ) để phát hành điện thoại Lumia 710. Trong vài tháng tới, Nokia dự định cung cấp thêm nhiều điện thoại Windows Phone 7 với hi vọng khôi phục lại vị trí trên thị trường.
Tuy nhiên, cơ hội thành công của Nokia rất mong manh. Nokia có nguy cơ tiếp tục thua cuộc với Windows Phone khi chiến lược của hãng dành cho nền tảng này còn quá nhiều bất cập.
Dưới đây là những lý do khiến chiến lược dành cho Windows Phone của Nokia dễ thất bại:
1. Sự trung thành của khách hàng đang suy giảm
Rất nhiều khách hàng “ruột” của Nokia đang chuyển sang các sản phẩm nhãn hiệu khác có tính năng, hiệu xuất và ứng dụng tốt hơn. Trong khi đó, Nokia có rất ít động thái để khôi phục lại nhãn hiệu đang yếu dần của mình. Đến lúc nào Nokia mới nhận ra hãng cần tạo được bước đột phá để lấy lại những khách hàng đang “dứt áo ra đi”.
2. Microsoft đã mất niềm tin của khách hàng di động
Trên bờ vực thất bại, Nokia đã hợp tác với Microsoft với hi vọng khôi phục lại tiếng tăm. Tuy nhiên, chính Microsoft cũng đang xuống dốc trên thị trường di động. Gã khổng lồ phần mềm đã từng có lực lượng khách hàng trung thành đông đảo. Tuy nhiên hiện nay, Microsoft đã bị lấn át bởi rất nhiều nhãn hiệu hùng mạnh hơn.
3. Windows Phone 7 không hấp dẫn người dùng doanh nghiệp
Doanh nghiệp luôn là mảng thị trường quan trọng đối với tất cả các hãng sản xuất ngoài Apple khi những thiết bị “trái táo” được coi là lựa chọn số 1 ở thị trường cá nhân. Tuy nhiên, khi nhãn hiệu BlackBerry giảm sức hấp dẫn người dùng doanh nghiệp, Microsoft lại không chớp lấy cơ hội để khẳng định ưu điểm của Windows Phone 7 so với các nền tảng khác trên mảng thị trường này.
4. Khách hàng chuộng Android hơn
Trên thị trường tiêu dùng, tình trạng của Nokia thậm chí còn tệ hơn. Thuyết phục khách hàng đến với Windows Phone 7 là một công việc vô cùng khó khăn khi hệ điều hành Android của Google ngày càng được yêu thích và không ngừng mở rộng thị phần.Nhiều người cho rằng đáng lẽ Nokia nên chọn Android cho các sản phẩm của mình để có hi vọng vực dậy cao hơn.
5. Giá rẻ chưa hẳn đã hấp dẫn khách hàng
Lumia 710 do nhà mạng T-Mobile của Mỹ phát hành có giá chỉ 50 USD đi kèm hợp đồng dịch vụ 2 năm. Thoạt nhìn, đây có vẻ là lời “mời chào” hấp dẫn khó từ chối. Tuy nhiên, quá trình thử nghiệm kỹ lưỡng cho thấy sản phẩm này không có các tính năng và hiệu suất bằng những smartphone có giá khoảng 200 USD (đi kèm hợp đồng với nhà mạng) như iPhone của Apple.
6. Nên ra sản phẩm cao cấp trước sản phẩm giá rẻ
Như đã nói trên, Nokia đang bán Lumia 710 tại Mỹ. Đây là thiết bị này thuộc hàng điện thoại giá rẻ của hãng. Sau đó, Nokia sẽ ra Lumia 800 và Lumia 900 như những điện thoại cao cấp.
Đây là chiến lược không mấy khôn ngoan, vì Lumia 710 dễ cho khách hàng ý niệm hoặc ấn tượng rằng Lumia là dòng điện thoại giá rẻ. Sẽ thông minh hơn nếu Nokia tung ra các smartphone Lumia cao cấp trước và để Lumia 710 xuất hiện sau. Nhiều công ty đã theo chiến lược đó và thành công.
7. Chưa đẩy mạnh tiếp thị
Hiếm khi thấy xuất hiện các mẩu quảng cáo trên truyền hình, radio hay tạp chí về dòng sản phẩm Lumia do Microsoft và Nokia hợp tác phát triển. Chẳng lẽ Nokia không học được điều gì từ kinh nghiệm của Apple? Thành công của Apple phần lớn nhờ vào chiến lược tiếp thị mạnh mẽ, bao gồm cả quảng cáo trên diện rộng.
Ngoài ra, Nokia cũng bị coi là sai lầm khi không quảng cáo rầm rộ về các sản phẩm và chiến lược mới. Liệu có mấy bài báo, mấy khách hàng nghe nói Nokia ra điện thoại Lumia 710 với nhà mạng T-Mobile vòa tháng 11/01? Nếu doanh số của sản phẩm này không được như mong đợi, có lẽ Nokia nên thấy đó là nguyên nhân chính.
Việc quảng cáo rầm rộ, thậm chí là thổi phồng (ở mức độ nào đó) là một phần quan trọng trên thị trường di động. Đây là cách hiệu quả nhất để các nhà sản xuất khiến khách hàng quan tâm đến sản phẩm của mình.
8. Tiếp thị chưa phù hợp
Hội chợ điện tử tiêu dùng CES là sự kiện đặc biệt quan trọng của ngành công nghệ. Tại đây, rất nhiều công ty trên khắp thế giới trình diễn những sản phẩm cũng như công nghệ sáng giá nhất của mình. Nokia cũng chọn thời điểm này để ra mắt smartphone.
Đối với những hãng sản xuất đã gây dựng được tiếng tăm vững chãi, giới thiệu sản phẩm hàng đầu tại CES là đúng đắn. Tuy nhiên, trong khi Nokia đang ở giữa thời kỳ khủng hoảng, đây không phải lựa chọn tốt nhất. Mấy ngày vừa qua, dường như mọi tín đồ công nghệ đều dành tất cả mối quan tâm cho triển lãm. Tại sao Nokia không chờ thêm khoảng một tuần, khi sức nóng của CES đã giảm xuống, để những bài báo nói về smartphone của Nokia trở nên nổi bật hơn, được nhiều người chú ý hơn?