Thiết bị công nghệ

Những xu thế tiên phong định hình thị trường di động 2012

Với sự xuất hiện ngày càng nhiều của ultrabook, smartphone và máy tính bảng, chắc chắn rằng, thị trường di động sẽ tiếp tục nhộn nhịp trong năm tới. Dưới đây là những dự đoán về xu thế nổi bật đối với thị trường di động trong năm 2012.

Cấu hình ngày càng mạnh mẽ
 
Với nhu cầu sử dụng ngày càng cao và đỏi hỏi đáp ứng được nhiều công việc, sẽ không quá ngạc nhiên nếu các thiết bị di động trong năm tới sẽ được trang bị cấu hình mạnh mẽ không thua kém gì những chiếc máy tính thực thụ.
 
Năm 2012 sẽ chứng kiến thêm nhiều sản phẩm di động trang bị vi xử lý lõi tứ như Transformer Prime
 
Vi xử lý lõi tứ dành cho máy tính bảng đã xuất hiện, thậm chí Asus, hãng điện tử Đài Loan đã cho ra mắt Transformer Prime, mẫu tablet dùng chip lõi tứ đầu tiên của mình, và dự kiến, ngày vi xử lý lõi tứ “đặt chân” lên smartphone không còn xa. 
 
Bên cạnh đó, sự tăng cao về độ phân giải của màn hình, giúp cho ra đời những thiết bị di động với mành hình ngày càng mượt mà hơn là điều được dự đoán trở thành xu thế trong năm 2012.
 
Với sự cạnh tranh và tác động lẫn nhau giữa các hãng sản xuất, việc đẩy mạnh cấu hình phần cứng của thiết bị như một cách để tạo nên vị thế và dẫn đầu trong cuộc đua trên thị trường thiết bị di động, tuy nhiên, một điều quan trọng cần lưu ý rằng, cấu hình mạnh không phải là tất cả để xác định sản phẩm tốt nhất.
 
Windows 8 ra mắt, cuộc đua máy tính bảng trở nên hấp dẫn hơn
 
Thị trường máy tính bảng dường như là sân chơi của iPad, khi lần lượt các đối thủ thất bại trước sản phẩm đến từ Apple này, tiêu biểu trong số các “bại binh” của iPad có thể kể đến máy tính bảng TouchPad của HP và PlayBook của BlackBerry. Chỉ mới gần đây, khi Amazon ra mắt máy tính bảng Kindle Fire, với ưu điểm giá thành rẻ, sản phẩm đã có thể trở thành đối thủ cạnh tranh với iPad về số lượng tiêu thụ, nhưng thật khó để đánh đỗ iPad về doanh thu.
 
Nhiều hãng sản xuất đang chờ đợi sự ra mắt của Windows 8 để có thêm sự lựa chọn cho sản phẩm
 
Tuy nhiên, có thể vị thứ trên thị trường máy tính bảng sẽ phải thay đổi sau khi Microsoft chính thức phát hành Windows 8, hệ điều hành hoàn toàn mới và là sự kết hợp giữa phiên bản dành cho máy tính bảng và máy tính cá nhân. 
 
Với việc ra mắt Windows 8, các hãng sản xuất sẽ có thêm một sự lựa chọn hệ điều hành cho sản phẩm của mình, và trên hết, thừa hưởng danh tiếng từ Windows, chắc hẳn sẽ không ít người lựa chọn máy tính bảng dùng Windows 8 vì sự tương đồng và thân thiện như khi họ đang sử dụng PC của mình.
 
Dữ liệu di động
 
Một trong những đặc điểm dễ nhận ra ở những sản phẩm di động “bom tấn” gần đây là hầu hết đều không hỗ  trợ thẻ nhớ gắn ngoài, còn bộ nhớ trong không thực sự ở mức độ “khủng”, trong khi đó, nhu cầu về lưu trữ dung lượng của người dùng đòi hỏi ngày càng cao.
 
Không chỉ có thiết bị, mà dữ liệu cũng sẽ luôn di chuyển cùng người dùng ở bất kỳ đâu
 
Sở dĩ lý do này đó là xu thế không chỉ giúp người dùng thuận tiện với việc sử dụng các  thiết bị di động của mình, mà bên cạnh đó, có thể sử dụng di động cả dữ liệu lưu trữ của mình ở bất kỳ đâu nhờ vào sự phát triển của công nghệ điện toán đám mây.
 
Có thể, công nghệ này không còn là quá mới mẻ, nhưng với sự ra đời của hàng loạt những dịch vụ mới từ phía các “ông lớn” dựa trên nền tảng công nghệ này, như Google Music để lưu trữ âm nhạc, iCloud để lưu trữ và đồng bộ hóa dữ liệu trên các thiết bị của Apple hay các dịch vụ lưu trữ của Amazon dành cho Kindle Fire… 
 
Từ đó, năm 2012 được dự đoán sẽ là năm của dữ liệu di động, người dùng sẽ không còn phải lưu trữ dữ liệu ở thiết bị của mình và họ sẽ dần quen với xu thế mới này.
 
Một năm thực sự của những loài phần mềm gây hại trên di động
 
Sử dụng càng nhiều, phá hoại sẽ càng nhiều, đây là nhận xét hoàn toàn đúng trong thế giới công nghệ, khi mà một nền tảng được ưu ái và có lượng người dùng nhiều thì đồng nghĩa với việc xuất hiện càng nhiều những kẻ phá hoại. Hệ điều hành Windows trên PC là một minh chứng cho nhận định này.
 
2012 được dự đoán là một năm “bùng nổ” của malware trên thiết bị di động
 
Hãng bảo mật McAfee đã nhận xét năm 2011 là “năm của các loại phần mềm gây hại trên di động”, tuy nhiên, các chuyên gia bảo mật nhận xét rằng tất cả chỉ mới bắt đầu. Sang năm 2012, smartphone và máy tính bảng tiếp tục là mảnh đất “màu mỡ” dành cho các hacker và phần mềm độc hại, trong khi người dùng vẫn tiếp tục ngây thơ và phớt lờ các mối quan tâm về bảo mật trên thiết bị của mình.
 
Android, với một nền tảng mở và dễ dãi trong việc phát triển ứng dụng hiện đang là mục tiêu đang được hacker “chăm sóc” nhiều nhất, tuy nhiên, các chuyên gia bảo mật dự đoán trong năm 2012, khả năng bị hacker “ghé thăm” sẽ chia đều cho tất cả các nền tảng di động. Tương tự như Windows trên PC luôn được hacker để mắt tới nhiều nhất, nhưng không có nghĩa nền tảng MacOS của Apple không chịu sự quan tâm này.
 
Hãng bảo mật danh tiếng Sofos dự đoán, 2012 mới thực sự là năm bùng nổ của phần mềm độc hại trên di động, vượt xa hơn những gì người ta đã chứng kiến trong năm 2011.