Nhịp sống số

Những ứng dụng công nghệ đột phá năm 2011

Những ứng dụng công nghệ đột phá năm 2011

Tương tác giọng nói, nhận diện chuyển động... là công nghệ không mới, nhưng được ứng dụng một cách thông minh trong thiết bị điện tử tiêu dùng và thu hút sự chú ý lớn năm nay.


Phụ kiện chơi game Kinect, xuất hiện từ cuối 2010, đã chứng tỏ tầm ảnh hưởng của nó trong năm 2011. Không chỉ là một trong những thiết bị ăn khách nhất, nó còn thay đổi cách con người chơi game, tức không cần đến dụng cụ điều khiển (controller) bởi "người chơi chính là controller". Công nghệ nhận diện chuyển động kiểu Kinect hứa hẹn sẽ được ứng dụng rộng trên TV để loại bỏ điều khiển từ xa.
Những gì Siri thể hiện trên iPhone 4S là bước tiến thú vị nhất của công cụ tương tác giọng nói kết hợp trí thông minh nhân tạo mà con người có cơ hội trải nghiệm trên một thiết bị cá nhân. Nhưng Siri mới là bước khởi đầu cho sự bùng nổ các ứng dụng nhận diện giọng nói trên di động với khả năng tự cập nhật và hoàn thiện thông tin trong quá trình sử dụng.
Điện toán đám mây cũng là một công nghệ không mới. Nó có thể hiểu đơn giản là một cách lưu mọi thông tin từ nhạc, ảnh... lên một máy chủ từ xa để có thể truy cập qua web ở bất cứ đâu. Nhưng với sự ra đời Cloud Drive, Cloud Player của Amazon và iCloud của Apple trong năm 2011 giúp khái niệm này trở nên bình dân hơn và khiến người sử dụng hiểu rằng đã đến lúc "giảm gánh nặng lưu trữ" cho thiết bị. Sự khủng hoảng khi mất máy vì "mọi dữ liệu từ hình ảnh đến số liên lạc đều được lưu trong đó" không còn nữa bởi các thông tin đã được tự động đưa lên "đám mây".
Đầu năm nay, Facebook triển khai công cụ nhận diện khuôn mặt, có thể tự động đính tên vào ảnh. Ví dụ, khi đăng một ảnh tập thể, hệ thống sẽ tự quét cơ sở dữ liệu để xem khuôn mặt trong hình giống với thành viên nào trên Facebook và "tag" tên họ vào. Android 4.0 (Ice Cream Sandwich) cũng áp dụng công nghệ này để giúp người dùng mở khóa điện thoại bằng cách nhìn vào màn hình. Nhận diện giọng nói sẽ sớm phổ biến trong thương mại: hình dung bạn đi qua một tấm áp-phích, camera tích hợp sẽ phân tích bạn già hay trẻ, là nam hay nữ, ăn mặc ra sao để hiển thị nội dung phù hợp.
Ôtô tự lái của Google là một trong những tâm điểm của làng công nghệ năm nay. Nó di chuyển với sự hướng dẫn bởi bản đồ Google Maps và biết phát hiện các chướng ngại vật. Ý tưởng này nhận được nhiều khen ngợi nhưng cũng gây không ít lo lắng khi một trong các mẫu xe prototype của họ đã gây tai nạn. Tuy nhiên, Google vẫn tuyên bố theo đuổi dự án đến cùng để cho ra đời một chiếc xe không người lái hoàn hảo. Thậm chí, có tin đồn hãng này còn dự định tự sản xuất ôtô. Nếu thành công, tầm ảnh hưởng của dự án sẽ rất lớn bởi tình trạng lái xe khi say xỉn, mệt mỏi... không còn nữa.
Thưởng thức nội dung 3D không cần kính là mục tiêu lớn của các nhà sản xuất. Một số sản phẩm dành cho người tiêu dùng đã xuất hiện và không quá đắt đỏ như Nintendo 3DS, HTC EVO 3D... Dù chưa hoàn hảo (gây mỏi mắt khi xem), nó cho thấy giải trí 3D mà không phải đeo kính sẽ nhanh chóng nở rộ.