Ngoài thiết kế, giá cả, những yếu tố như dễ sử dụng, hợp đồng hay thậm chí nhân viên tư vấn cũng ảnh hưởng đến khách hàng thông thường.
Với các tín đồ công nghệ, họ có thể chờ đợi vài tháng và xếp hàng cả ngày để mua được chiếc điện thoại ưng ý. Phần lớn công đoạn tìm hiểu đã được thực hiện hằng ngày ở nhà bằng cách đọc tin tức, các bài đánh giá và xem những bình luận về sản phẩm này.
Tuy nhiên, với những người tiêu dùng thông thường, quyết định mua sắm của họ có thể chỉ được đưa ra vào những phút cuối cùng khi sắp sửa rời khỏi cửa hàng. Điều này có nghĩa đơn giản họ chỉ đến xem điện thoại hợp với nhu cầu ngay trong lúc thử tại cửa hàng.
Những điều dưới đây, theo Phonearena, sẽ giải mã lý do nào khiến các "thượng đế" rút hầu bao khi mua điện thoại mới.
Thiết kế điện thoại
Chiếc Motorola Aura có thiết kế bắt mắt. Ảnh: Gizmag. |
Thiết kế đương nhiên là một trong những yếu tố quan trọng nhất, thu hút sự chú ý của người dùng. Với một thiết bị sẽ luôn bên cạnh trong một thời gian dài sắp tới, bất cứ "thượng đế" nào cũng mong muốn chiếc điện thoại có thiết kế tốt nhất cho bản thân.
Ngoài những chiếc điện thoại có dáng vẻ đơn giản thông thường, các model nổi bật như chiếc Motorola Aura với kiểu dáng độc đáo và kim loại làm vỏ máy cao cấp, chắc chắn sẽ thu hút được ánh nhìn của mọi khách hàng ngay lập tức, và đây đã là một thành công mà chưa cần xét đến việc các "thượng đế" có đồng ý mua hay không.
Dễ dàng sử dụng
Sử dụng dễ dàng và tiện lợi là cần thiết cho người mua thông thường. Ảnh: Mobdeal. |
Không ai mong muốn cuộc sống thêm phức tạp với một chiếc điện thoại mới, càng không muốn vì thế mà nhiều công việc bị chậm trễ hay gặp rắc rối. Vì vậy khi thiết kế đã ưng ý, người dùng thường sẽ chuyển sang quyết định dùng thử để biết được những tính năng và hiệu năng sử dụng.
Thực tế rất khó để có thể nói điện thoại nào dễ dùng hơn vì việc này phụ thuộc vào cảm tính cá nhân. Tuy nhiên, một sai sót của máy như treo, chậm..., lúc này sẽ để lại ấn tượng rất xấu cho người dùng không chỉ trên model điện thoại đó, mà còn trên các "anh em" cùng nền tảng.
Hợp đồng với nhà mạng
Dịch vụ của nhà mạng ngày càng đa dạng hơn. Ảnh: Unitech. |
Người dùng cũng có xu hướng kiểm tra hợp đồng cạnh tranh nhất từ phía nhà mạng. Quyết định mua điện thoại có thể được hủy bỏ nhanh chóng nếu các tính năng không được hỗ trợ đầy đủ, hoặc đơn giản hơn là vì giá quá cao.
Thông thường người dùng sẽ được khuyến khích dùng hợp đồng khả sau. Tuy nhiên, để đề phòng, các nhà mạng thường đưa ra cả lựa chọn trả trước hay trả theo từng tháng. Ngoài ra còn bổ sung thêm những gói khuyến mãi về tin nhắn, thời lượng gọi và sử dụng Internet riêng biệt.
Nhân viên bán hàng
Nhân viên bán hàng có ảnh hưởng lớn đến quyết định cuối cùng người mua. Ảnh: Alligate. |
Phần lớn "thượng đế" thông thường sẽ rất do dự trước quyết định nên mua điện thoại nào, và đó là lúc họ cần nhân viên bán hàng tư vấn. Nếu những nhân viên này để lộ ra mình chỉ hướng khách mua vào một mẫu điện thoại nhất định để có được lợi nhuận cao nhất, khách hàng sẽ cảm thấy không tin tưởng và thường có những quyết định theo cảm tính khác, hoặc không mua hàng.
Tuy nhiên, những tư vấn hợp lý với hoàn cảnh và nhu cầu sử dụng của "thượng đế" vừa giúp khách hàng chọn được điện thoại ưng ý, vừa giúp cửa hàng tăng doanh số.
Giá cả
Nếu các sản phẩm cùng giá, người mua có xu hướng chọn theo thương hiệu và tính năng. Ảnh: Nexus 404. |
Trừ những "hầu bao không đáy", giá cả là vấn đề được hầu hết khách hàng quan tâm khi bước vào cửa hàng. Các "thượng đế" khi đứng trước những chiếc điện thoại lạ lẫm thường có xu hướng chọn sản phẩm có nhiều tính năng tương đương với giá thành rẻ nhất. Thương hiệu cũng là yếu tố được xem xét nếu các điện thoại cùng giá.
Khi đã chọn được một mẫu điện thoại ưng ý, các công cụ tìm kiếm sẽ phát huy tác dụng để khách hàng quyết định sẽ mua ngay tại địa điểm đó, hoặc sang một cửa hàng khác với mức giá tốt hơn. Đây cũng là yếu tố được cân nhắc vì mỗi nơi có những chế độ khuyến mãi và hậu mãi khác nhau.