Nhịp sống số

Những thay đổi của Facebook đe dọa thế nào đến Google+ và Twitter?

Những thay đổi của Facebook đe dọa thế nào đến Google+ và Twitter?

Với những thay đổi mang tính toàn diện, Facebook đã và đang tiến hành một cuộc "thay máu" dịch vụ.

<> 
Với sự kiện ra mắt giao diện và các tính năng mới, Facebook gần như đã thu hút tối đa sự chú ý của người dùng internet. Do đó, một vài người đã tỏ rõ sự hồ nghi về hai đối thủ trực tiếp của mạng xã hội lớn nhất thế giới, đó là Google, với “vũ khí chiến lược” mang tên Google+, và Twitter, kẻ vẫn đang theo đuổi tham vọng trở thành mạng chia sẻ thông tin thời gian thực thành công nhất thế giới.
 
Hiện tại, có vẻ cuộc đua giữa Google+ và Facebook đã phần nào bớt “nóng”. Tuy nhiên đối với Twitter, nhiều người lại cho rằng giữa họ và Facebook hoàn toàn có thể tạo thành một mối quan hệ hợp tác, thay vì đối đầu như hiện tại. Lý do đơn giản là vì hướng đi của Twitter khác hoàn toàn so với mạng xã hội 800 triệu thành viên.
 
Quay lại thời điểm tháng 4 năm 2010, tại hội nghị f8 lần thứ 4 của Facebook, gã khổng lồ đã chính thức giới thiệu plugins giúp các nhà phát trển web có thể đưa nút “like” của Facebook vào những trang web của chính họ thiết kế. Vài tháng sau, người ta thống kê được hàng triệu trang web đã có sự hiện diện của tính năng được cho là ‘hot’ nhất thế giới internet hiện nay. Về mặt mấu chốt, có thể nói rằng Facebook đã vươn tầm ảnh hưởng của mình đến hầu như khắp mọi nơi trên mạng internet. Người sử dụng hiện tại hoàn toàn có thể tương tác với những nội dung hay thông tin ở bất kỳ đâu mà không cần phải đăng nhập vào Facebook. Từ đó, người sử dụng bắt đầu xa rời trang mạng xã hội của chính mình, vì trên hầu hết các trang web, họ đều có khả năng sử dụng những chức năng của Facebook.
 
 
Tại hội nghị thường niên f8 được tổ chức vừa qua, nhiều thay đổi đã (một lần nữa) được Facebook giới thiệu. Theo nhận xét chung của đa số các phóng viên cũng như các blogger công nghệ, những thay đổi sắp tới của Facebook đều mang chung một mục đích: khiến cho người sử dụng bỏ nhiều thời gian trên Facebook của họ hơn.
 
Những ứng dụng xã hội hóa như Spotify hay Hulu giúp người sử dụng có thể xem phim hay nghe nhạc trên chính trang profile Facebook của mình, hay những ứng dụng thông tin trực tuyến đến từ các tờ báo và công ty truyền thông uy tín như The Washington Post, The Guardian hay The Daily…
 
Facebook: chia sẻ đồng bộ
 
Bên cạnh việc giới thiệu những ứng dụng mới, Facebook cũng thay đổi luôn cả cách mọi người chia sẻ thông tin với nhau trên Facebook. Một trong những thay đổi quan trọng nhất của mạng xã hội này, đó là việc Facebook sẽ dần dần loại bỏ sự hiện diện của nút “like” trên các trang web.
 
Theo lời giải thích của CEO Mark Zuckerberg, việc chia sẻ thông tin chỉ bằng một nút bấm đã ăn sâu vào thói quen của người sử dụng Facebook, vì thế quy trình mới (người sử dụng cho phép một ứng dụng hay dịch vụ đăng tải lên profile, và chúng sẽ tự động chia sẻ mọi nội dung) sẽ tạo ra thứ mà Mark gọi là “Chia sẻ đồng bộ hóa”. Những thứ người dùng Facebook đang đọc, những bản nhạc họ đang nghe sẽ được cập nhật một cách tự động lên hệ thống “tickle” vừa có mặt gần đây.
 
Thực sự, những thay đổi này của Facebook đã tạo ra một mối đe dọa lớn đến Google cùng đứa con cưng vừa chính thức ra mắt.
 
Trước khi hội nghị f8 được khai mạc, Google+ có thể được xếp ngang hàng với đại kình địch, với hệ thống “Circles” mà Facebook không hề có (hoặc ít nhất là không thể tinh vi bằng). Với hệ thống cơ bản này, việc chia sẻ thông tin sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Hướng đi này của Google tạo cho mọi người sự liên tưởng đến Twitter, nơi mọi người có thể theo dõi những chia sẻ của nhau mà không cần đến sự cho phép của “người kia”.
 
 
Thế rồi Facebook cùng một lúc tiến hai bước: Bên cạnh việc cho ra mắt tính năng “smart”, giúp người sử dụng có thể dễ dàng tạo ra các nhóm bạn bè, mạng xã hội này còn  cho ra mắt chức năng “subscribe”, giúp mọi người có thể dõi theo những trang Facebook khác mà không cần đến sự đồng ý của chủ nhân trang profile Facebook ấy. Và bây giờ, với những thay đổi mang tính tích cực được Mark Zuckerberg đen tới hội nghị f8, một câu hỏi được đặt ra: Liệu Google có khả năng tạo ra một thứ gì đó có chức năng tương đương để đối chọi lại sự “lột xác” mãnh liệt của mạng xã hội lừng danh?
 
Ở một khía cạnh khác, ngay cả khi Google đủ sức “cân” lại một Facebook đang thay đổi, thì họ cũng không thể nào có được lợi thế “nhân hòa” của đối thủ: Gần 800 triệu người sử dụng, những người có thể bỏ ra cả ngày trời chỉ để lượn lờ trên trang cá nhân của họ và trêu đùa bạn bè mình trên internet. Theo lời của Mark Zuckerberg, đã có ngày Facebook chứng kiến cùng một lúc nửa tỉ người sử dụng cùng đăng nhập và sử dụng dịch vụ của họ. Có thể Google là một ông lớn tại thung lũng Silicon, tuy nhiên ý tưởng về một mạng xã hội gắn liền với các dịch vụ của họ lại vẫn còn khá mới mẻ. Google thực sự sẽ cần thêm thời gian, có thể là rất nhiều thời gian để tìm được chỗ đứng của người sử dụng.
 
… Twitter và cuộc chơi khác biệt
 
Rõ ràng là hướng đi của “chú chim xanh” không hề giống với Facebook. Bằng chứng là đã có không ít lần Facebook cố gắng mượn những ý tưởng đã làm nên thành công của Twitter, nhưng đều không được người sử dụng hưởng ứng. Về mặt bản chất, Twitter chưa bao giờ được coi là một mạng xã hội đúng nghĩa, và sẽ chẳng bao giờ như vậy. Dĩ nhiên là nó cho phép những thao tác chia sẻ mang tính xã hội hóa giữa mọi người với nhau, tuy nhiên Twitter lại chẳng hề có những ứng dụng xã hội hóa hay những trò chơi, giống như Facebook hay Google+.
 
Trang web này được Jack Dorsey và các cộng sự tạo ra chỉ với một mục đích duy nhất: tạo ra một môi trường giúp người sử dụng chia sẻ thông tin một cách ngắn gọn. Và họ có thể nhắm đến những đối tượng người sử dụng đặc biệt mà cả Facebook lẫn Google+ đều khó có thể tiếp cận.
 
Công bằng mà nói, thì việc chia sẻ tin tức theo thời gian thực không phải là chuyện quá khó khăn của Facebook. Họ đã từng nói đến chuyện biến trang News Feed của mỗi người thành một “Tờ thời báo cá nhân”, nhưng tính năng ấy cho đến giờ phút này cũng chỉ là nơi cập nhật những tin tức đến từ những người bạn. Việc ra mắt tính năng subscribe, cũng như  có thể sẽ thay đổi chút ít tình trạng trên. Tuy nhiên, sẽ rất khó để Facebook có thể làm được những gì Twitter đang làm rất thành công. Vì thế, kết luận chung đó là những thay đổi của Facebook sẽ chẳng có ảnh hưởng gì nhiều đến Twitter. Về phần Google, họ sẽ phải có những cố gắng thực sự nếu không muốn bước tiếp vào vết xe đổ của Google Buzz.