Nhịp sống số

Những phát minh công nghệ ấn tượng nhất trong năm

Các phát minh nổi bật của năm 2011 gây ấn tượng mạnh bởi tính sáng tạo, độc đáo và đột phá; hướng đến mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống của con người.

Những phát minh này được bầu chọn bởi các tạp chí danh tiếng Time, Popular Science và báo The Wall Street Journal (cùng của Mỹ).

Robot chim ruồi

Được phát triển bởi Công ty AeroVironment (Mỹ), robot Nano Hummingbird trông không khác gì một con chim ruồi, nặng 19 g và có thể bay lượn giống hệt một con chim thật với tốc độ đến 18 km/giờ.

 

Robot này đủ nhỏ để có thể bay ra vào những không gian chật hẹp theo sự điều khiển của người vận hành dưới mặt đất nhờ sự trợ giúp của chiếc camera nhỏ gắn trên mình nó. Một khi được hoàn thiện và đưa vào sản xuất, robot này có thể được sử dụng trong các sứ mệnh giám sát hoặc hoạt động cứu trợ.

Tấm pin năng lượng mặt trời dẻo

Tấm pin năng lượng mặt trời dẻo của Công ty Ascent Solar Technologies (Mỹ) được xem là một trong những phát minh xanh nổi bật nhất năm 2011. Sản phẩm này có thể được tích hợp vào các vật liệu xây dựng mà không có gặp phải một số hạn chế của những tấm pin năng lượng mặt trời phủ thủy tinh.

 
 
 
 

Nhờ vậy, nó có thể biến những bề mặt không sử dụng thành một nguồn năng lượng tái sinh sạch cho người sử dụng. Ngoài vật liệu xây dựng, Ascent Solar cho biết sản phẩm này có thể được tích hợp trực tiếp vào trong các phương tiện giao thông, hàng điện tử tiêu dùng, ứng dụng không gian…

Gương đo nhịp tim

Đằng sau chiếc gương 2 chiều này là một màn hình được trang bị webcam kết nối với một máy tính xách tay. Webcam ghi nhận những thay đổi của ánh sáng trên mặt người đứng trước gương mỗi khi nhịp tim đập. Máy tính sau đó biên dịch dữ liệu ánh sáng thành nhịp tim.

 

Đây là phát minh của Ming-Zher Poh, đang theo học bằng tiến sĩ tại Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ). Anh hi vọng hệ thống có thể giúp các bác sĩ kiểm tra dấu hiệu sống của người bị phỏng hoặc em bé mà không cần gắn chip vào người họ. Ngoài ra, hệ thống hứa hẹn sẽ giúp người sử dụng kiểm tra sức khỏe tim mạch của mình dễ dàng hơn.

Trợ lí ảo

Siri, phần mềm được điều khiển bằng giọng nói, là sự bổ sung đáng chú ý nhất của chiếc điện thoại thông minh iPhone 4S. Chỉ cần nói với trợ lí ảo này, người sử dụng có thể gửi tin nhắn, tìm kiếm thông tin, lên lịch cho các cuộc gặp, tìm số điện thoại…

 

Apple có được công nghệ này sau khi thâu tóm công ty công nghệ nhận diện giọng nói Siri vào tháng 4-2010. Apple dự kiến sẽ tiếp tục bổ sung một số tính năng mới cho trợ lí ảo thông minh này trong thời gian tới.

Robot cá nhân PR2

Robot PR2 được Công ty Willow Garage Inc. (Mỹ) chế tạo để giúp các nhà nghiên cứu phát triển và thử nghiệm những công nghệ robot mới. Robot này nặng khoảng 200 kg, có thể tự nâng hoặc hạ thấp chiều cao.

 

Đây là một cỗ máy mạnh mẽ và tinh vi, được tích hợp một số camera và bộ cảm biến để có thể di chuyển, khảo sát môi trường xung quanh, nhận biết và cầm nắm vật thể mà không gây tổn hại cho nó. Willow Garage đã tặng 11 robot PR2 cho các viện nghiên cứu.

Găng tay chống tội phạm

Được trang bị bộ phận chứa dòng điện gây choáng, một camera, một bộ phận bắn tia laser và một đèn flash, chiếc găng tay bọc thép chống tội phạm BodyGuard hứa hẹn là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho cảnh sát trong những tình huống đối đầu với tội phạm. Các thành phần của găng tay được sắp xếp để tạo cảm giác thoải mái, dễ dùng và ngăn chặn người sử dụng tự gây choáng.

 

Đây là phát minh của David Brown, nhà quay phim, dựng phim kiêm sản xuất phim người Mỹ, sau 7 năm nghiên cứu. Trong tương lai, thiết bị này có thể được trang bị thêm các bộ cảm biến hóa học, một máy phiên dịch điện tử hoặc bộ phận đọc sinh trắc học… để được sử dụng rộng rãi hơn.

“Tai mèo” thể hiện cảm xúc

Necomimi là tên một thiết bị công nghệ có kiểu dáng của tai mèo, được thiết kế để biểu hiện cảm xúc của người đeo nó. Được tích hợp 2 bộ cảm biến sóng não, Necomimi có thể dò, phát hiện và phân tích các trạng thái cảm xúc của người đeo, biểu hiện ra ngoài thông qua đôi tai mèo bằng 4 cử động riêng biệt.

 

Nó sẽ vểnh lên khi người đeo tập trung vào việc gì đó, trở lại bình thường khi người đeo cảm thấy thư thái, động đậy khi vui thích và cụp xuống nếu người đeo cảm thấy mệt mỏi. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản cho biết mục tiêu đằng sau thiết bị này là tìm kiếm cách thức giao tiếp hoặc điều khiển mới thông qua sóng não, từ đó có thể giúp ích cho người khuyết tật.

Gương công nghệ cao

Được thiết kế bởi Phòng Nghiên cứu và Phát triển của Công ty The New York Times Company (Mỹ), chiếc gương này cung cấp nội dung truyền thông cho người sử dụng khi họ ở trong phòng tắm.

 

Sử dụng công nghệ nhận biết giọng nói và cử động, chiếc gương cho phép người đứng trước nó đọc những tin tức mới nhất của báo The New York Times, kiểm tra lịch hẹn, đọc email, thông tin thời tiết, thông điệp cập nhật trên mạng xã hội Facebook và Twitter hoặc thậm chí là có thể xem được nội dung video. Chiếc gương còn được trang bị khả năng quét thẻ RFID để hiển thị thông tin về các sản phẩm đặt trước nó, như liều thuốc và thời gian uống của một loại thuốc nào đó.