Nhịp sống số

Những điều cần biết khi chọn chuột chơi game

Những điều cần biết khi chọn chuột chơi game
>Trong các bộ môn eSport thì "gear" là một yếu tố rất cần thiết, có thể ảnh hưởng tới kết quả thắng thua của trận đấu. Vì vậy chọn một bộ sản phẩm chơi game sao cho thích hợp cũng là cả một vấn đề, nhất khi mà giữa một rừng các thiết bị đến từ rất nhiều hãng sản xuất khác nhau như hiện nay. Những người mới bước chân vào các bộ môn eSport rất có thể sẽ cảm thấy phân vân không biết nên mua thiết bị nào, cần những thông số gì, của Razer, SteelSeries hay là Logitech... Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn một số kinh nghiệm cơ bản cần thiết trong việc lựa chọn cho mình một chú chuột gaming ưng ý.
 
Đừng quá tập trung vào mẫu mã 
 
Hầu hết các loại chuột gaming hiện nay đều sở hữu thiết kế rất đẹp và bắt mắt, ví dụ điển hình đó là nhà sản xuất Razer, sản phẩm của hãng này luôn sở hữu một ngoại hình phải nói là vượt trội so với các hãng sản xuất khác với những đường cong uốn lượn trên thân chuột hay hệ thống đèn nhấp nháy. Điều này đánh đúng vào tâm lý của người mua khi mà đã bỏ nhiều tiền ra để sắm một con chuột thì tất nhiên ai cũng muốn nó phải đẹp. Thế nhưng yếu tố quan trọng của con chuột để có thể đưa bạn đến thành công trong các bộ môn eSport không phải là nhiều đèn hay màu mè ra sao mà là nó có phù hợp với bạn hay không, điều này lại được quyết định bởi những cái khác mà chúng tôi sẽ trình bày sau. Nói như vậy không có nghĩa là bạn nên tránh xa Razer, vì một số con chuột của hãng cũng đang thuộc hàng tốt nhất hiện nay, chỉ có điều là bạn không nên quá đặt nặng vấn đề hình thức của con chuột mà thôi.
 
 
Mua chuột trước khi mua pad
 
Do giá của những thiết bị chơi game chuyên dụng như chuột hay pad thường không rẻ chút nào, có thể từ hàng trăm ngàn cho tới hàng triệu đồng, nên nhiều người có tư tưởng sai lầm rằng có tiền thì mua chuột trước sau đó sắm pad sau. Đây là một điều bạn cần hết sức tránh bởi hai thứ này luôn phải gắn liền với nhau để có thể phát huy tối đa hiệu quả. Nếu ví chuột là một chiếc xe đua tốc độ cao thì pad giống như mặt đường đua vậy, bạn không thể vác một chiếc công thức 1 ra và bắt nó chạy với tốc độ tối đa trên mặt đường Hà Nội được. Không chỉ giúp cho chuột có thể di chuyển một cách trơn tru, các loại pad cao cấp thường đều có kích cỡ khá lớn đảm bảo cho việc bạn có thể rê chuột một cách thoải mái mà không sợ chuột bị văng ra ngoài, nhất là đối với các tựa game FPS đòi hỏi phạm vi hoạt động khá rộng của chuột. Thế nên đừng hy vọng việc kết hợp giữa DeathAdder hay Kinzu với mặt bàn có thể giúp bạn từ "vịt cồ hóa thiên nga" trong các bộ môn eSport. Tốt nhất bạn hãy mua ngay một tấm Mousepad đi kèm chuột, chứ đừng nghĩ rằng "Cứ dùng tạm chuột xịn đã rồi hãy mua pad sau cũng được", bởi một sự kết hợp "cọc cạch" không bao giờ đem lại hiệu quả cao.
 
Chuột xịn cũng cần phải có một tấm pad tương xứng. 
 
Chọn chuột phù hợp với dáng tay
 
Sinh ra không phải người nào cũng có 2 bàn tay giống nhau mà có người tay to, người tay bé, thuận tay trái, hoặc thuận tay phải... Vì vậy mà chọn một con chuột cầm sao cho vừa tay cũng là một vấn đề cần lưu ý bởi bạn sẽ chiến đấu cùng nó trong thời gian dài, nếu vũ khí cầm trên tay còn không thoải mái thì làm sao có thể giết được ai. Hiện nay các sản phẩm chuột trên thị trường được chia ra làm 2 loại chính đó là Ergonomic - dành cho một tay thuận nhất định (Logitech MX518, Razer DeathAdder...) hoặc Ambidextrous - đối xứng dành cho cả 2 tay (SS Kinzu, Kana...). Chuột theo thiết kế Ergonomic thường cho cảm giác ôm tay và chắc chắn hơn do thân chuột được uốn phù hợp với bàn tay phải/trái hoặc có các rãnh ở 2 bên được làm sẵn để vừa vặn với ngón cái và ngón út. Nhưng đây lại có thể là vấn đề đối với ai hay ra mồ hôi tay. 
 
Như đã đề cập ở trên yếu tố tay to tay bé cũng là một điều cần lưu ý. Với bàn tay to bạn khó mà có thể sử dụng những con chuột nhỏ và nhẹ một cách hiệu quả (Razer Krait, Diamond Back,..) bởi riêng việc cầm chuột trong thời gian dài cũng là cả một vấn đề. Ngược lại đối với những chú chuột cơ bắp hơn thì một bàn tay nhỏ khó mà cầm vừa vặn được, dẫn đến bạn phải đổi tư thế cầm chuột làm mất sự thoải mái. Cách cầm chuột hiện nay có 3 cách chính, đầu tiên là Palm Grip - đặt cả bàn tay ôm lấy thân chuột. Cách cầm này phù hợp đối với những con chuột to, thân dài và có trọng lượng phân bố đều như IE chẳng hạn.
 
 
 
Claw Grip là cách cầm tiếp xúc chuột bằng 6 điểm bao gồm 5 đầu ngón tay và một ít ở phần lòng bàn tay. Style này cũng áp dụng đối với những đối tượng chuột như Palm Grip.
 
 
 
Riêng với Finger Tip thì việc di chuyển chuột sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào các ngón tay của bạn nên cách cầm nay rất nhanh chóng gây mỏi, chính vì vậy nếu bạn thích cầm kiểu này thì nên tránh những con chuột to và nặng, hãy chọn những con chuột có thân nhỏ và nút bấm dài sẽ thuận tiện hơn cho việc thao tác. Tất nhiên đây cũng chỉ là tương đối vì hình dạng và độ dài ngón tay mỗi người mỗi khác nên nếu bạn cảm thấy thoải mái với những con chuột to thì cũng không vấn đề gì cả.
 
 
 
Đừng quá quan trọng thông số, tính năng phụ
 
Khi quảng cáo, nhà sản xuất bao giờ cũng khoe hết những thông số ở trên trời ra để làm lóa mắt người mua. Không thể phủ nhận là thông số cũng là một yếu tố quan trọng, nhưng bạn cần phải biết cái nào cần và cái nào không để lựa chọn cho hợp lý, như DPI không cần đến 4 con số làm gì cả mà chỉ vào khoảng 400 - 800 là đủ dùng. Nếu chơi RTS thì chủ yếu bạn chỉ cần một con chuột vừa tay và thoải mái khi sử dụng trong thời gian dài chứ không cần cảm biến hay polling rate phải quá khủng. Chi tiết về vấn đề này đã có một bài viết gần đây đề cập đến các thông số cần biết của một của chuột.
 
Tiếp theo là các tính năng phụ được nhà sản xuất thêm thắt vào các con chuột hiện nay như hệ thống quả cân tăng giảm trọng lượng, lô nút bấm có khả năng lập trình, chỉnh sensitivity nóng,... Xin nói rằng là tất cả những điều này đều là không cần thiết bởi trong FPS, RTS bạn chỉ cần mỗi 2 nút bấm trái và phải (cùng lắm 2 nút phụ nữa là 4) để chơi mà thôi. Trừ khi có ý định mua chuột để chơi những game RPG như World of Warcraft cần nhiều nút để combo skill ra thì bạn không nên ham hố những tính năng này làm gì.
 
Nhiều nút thế này chỉ dành cho thể loại MMORPG mà thôi.
  
Chọn chuột theo mục đích chơi game
 
Cuối cùng bạn đã quyết định dốc hầu bao để tậu cho mình một con chuột gaming ưng ý, nhưng phân vân không biết mua của hãng sản xuất nào. Hiện nay trên thị trường Việt Nam những thương hiệu phổ biến nhất có thể kể đến đó là Razer, SteelSeries, Logitech, Microsoft. Trong đó Razer và SteelSeries là 2 nhãn hiệu có giá thường cao hơn so với 2 hãng còn lại. Nếu bạn mua chuột để phục vụ cho RTS thì cũng không cần thiết phải sử dụng những con chuột quá đắt tiền bởi RTS quan trọng ở bàn phím hơn là chuột. Đối với RTS thì tiêu chí hàng đầu sẽ là chuột cầm cần phải thoải mái và trọng lượng không quá nặng để có thể chơi trong thời gian dài.
 
Đối với các gamer FPS thì quả thật có quá nhiều lựa chọn về chuột nên khó có thể đưa ra một ví dụ cụ thể nào, vì điều đó còn phụ thuộc vào số tiền  mà bạn định bỏ ra để mua chuột nữa. Một số con chuột tốt nhất dành cho FPS hiện nay có thể kể đến như Razer DeathAdder, Microsoft IE 1.1, 3.0, MX518, một số sản phẩm của SteelSeries như Kinzu, Kana cũng có nhiều đánh giá tốt nhưng có vẻ vẫn không được ưa chuộng bằng những chú chuột kể trên. Trước khi mua bạn cũng có thể tham khảo trên những diễn đàn có tiếng về FPS như Igame hay Cyzone để tham khảo ý kiến của những người đã hoặc đang sử dụng con chuột mà bạn định mua.