Tháng 9 vừa qua, cậu bé 14 tuổi Jamey Rodemeyer (Mỹ) đã tự tử sau khi chịu đựng sự bắt nạt, miệt thị và xa lánh của bạn bè cả trên mạng lẫn ngoài đời chỉ vì cậu là gay. Sự việc này có làm thay đổi nhận thức của giới trẻ khi online?
Jamey Rodemeyer - nạn nhân gần đây nhất của tệ bắt nạt học đường
Một nghiên cứu mới đây của Pew Internet và American Life Project mang tên “Thanh thiếu niên, sự nhân ái và bạo tàn trên mạng xã hội” trên 800 trẻ em trong độ tuổi 14-17 (có sự bảo trợ của người lớn) và phụ huynh của các em cho thấy: Mặc dù có lo lắng vì tệ bắt nạt, nhưng hai phần ba (69%) thanh thiếu niên trên các mạng xã hội cho rằng đa số bạn bè họ đều là người tốt. Chỉ có 20% nói họ có những bạn bè là người xấu và 11% thì nghĩ điều đó còn phụ thuộc vào từng hoàn cảnh hay thời điểm.
Tuy nhiên, 15% người được hỏi thừa nhận rằng họ đã từng là mục tiêu của những trò châm chọc độc ác, và có tới 88% cho biết họ đã chứng kiến những hành vi tương tự nhắm vào người khác. Nhưng chỉ có 12% báo cáo rằng họ thấy hành vi này “thường xuyên”, 47% khác nói họ chỉ thấy hành vi đó “một lần tại một thời điểm nào đó”, 29% là “thỉnh thoảng mới gặp” và 11% là “không bao giờ”.
Một phần năm số người tham gia nghiên cứu nói họ đã từng tham gia những trò bắt nạt như vậy, 4% còn lại thì nói mình đã từng bảo vệ những nạn nhân trong sự việc kể trên. 12% trong tổng số điều tra thừa nhận mình đã là nạn nhân bị bắt nạt trong 12 tháng qua, thông qua các hình thức như: trực tiếp, nhắn tin, gọi điện thoại hoặc trên mạng. Trong đó, 12% bị bắt nạt trực tiếp (tại trường học, đường phố…), 9% qua tin nhắn điện thoại, 8% qua các mạng xã hội hoặc email, 7% còn lại là qua các cuộc gọi trên điện thoại. Các cô gái thường là nạn nhân của tệ bắt nạt này, tuy nhiên đối với những kẻ bắt nạt người khác, số lượng nam và nữ lại chênh lệch không đáng kể.
Qua nghiên cứu này, người ta cũng phát hiện ra có khoảng 40% bậc phụ huynh Mỹ kết bạn với con mình trên các mạng xã hội. Tuy nhiên hầu hết các bạn trẻ bật mí rằng họ sẽ trình bày một trang cá nhân thật sự “sạch sẽ” và trông bình thường, nhưng họ sẽ dùng những kênh nhắn tin riêng để liên lạc với bạn bè của mình. Chỉ có 17% thanh thiếu niên để trang cá nhân của mình ở dạng hoàn toàn công khai, không giới hạn người xem, còn lại họ đều có chế độ bảo mật riêng.
Có sự khác biệt về tuổi tác, giới tính và chủng tộc trong câu trả lời của những người được điều tra. Các em gái nhỏ (12-13 tuổi) và khoảng một phần ba số nữ giới là những người trả lời rằng đa số bạn bè trên mạng xã hội của họ là người không tử tế. Trong khi đó, chỉ có khoảng 18% nam thanh thiếu niên thừa nhận điều đó.
Ngoài ra, chỉ có 56% thanh thiếu niên da màu công nhận đa số bạn bè họ là người tốt, ít hơn so với 72% của các bạn da trắng và 78% của các bạn người Latin.
71% thanh thiếu niên ở độ tuổi 14-17 nói rằng “họ cảm thấy hài lòng về bản thân thông qua các trải nghiệm khi sử dụng mạng xã hội”. Nhưng có tới 10% bạn trẻ tới từ các hộ gia đình có thu nhập thấp (dưới 50.000$/năm) báo cáo rằng họ dễ gặp phải các rắc rối liên quan tới việc bắt nạt hơn các bạn tới từ gia đình có thu nhập cao (chỉ 3%).
Vai trò của bạn bè trong việc ngăn chặn tệ bắt nạt, bảo vệ các nạn nhân là rất quan trọng. Thế nhưng, 55% thanh thiếu niên cho hay, mặc dù tận mắt chứng kiến nhưng bạn bè của họ thường chỉ “làm lơ” trước những hành vi xấu. 27% khác nói họ thấy có người tới bảo vệ nạn nhân, 20% thấy người khác can ngăn kẻ bắt nạt bằng cách nói “thôi đi/dừng lại”. Gần một phần năm (19%) số người được hỏi lại cho biết họ thường xuyên chứng kiến những kẻ khác cũng tham gia vào cuộc bắt nạt.
Việc những đứa trẻ “làm lơ” trước hành vi ngược đãi người khác không có nghĩa là chúng trơ lì cảm xúc hay không có lòng tốt, mà chỉ vì chúng tin rằng cách đối phó tốt nhất trong tình huống này là “tránh voi chẳng xấu mặt nào”.
Nhiều nhà giáo dục và quản lý pháp luật thừa nhận rằng, sự phát triển của truyền thông hiện đại – đặc biệt là các mạng xã hội – khiến cho hình thức bắt nạt trở nên đa dạng, tinh vi và lan truyền nhanh chóng hơn. Rất nhiều trường hợp, khi những người có khả năng can thiệp được biết đến thì sự việc đã đi quá xa và để lại những hậu quả khó lường.