Hội nghị các nhà phát triển do Apple tổ chức là hội nghị được tổ chức mỗi năm một lần và thường được biết đến với tên gọi WWDC. Hội nghị này chủ yếu để Apple giới thiệu các sản phẩm và công nghệ mới nhất của mình đến với công chúng và các nhà phát triển.
- 5 vấn đề bị chỉ trích nhiều nhất của Apple dưới thời Tim Cook
- Samsung đã đảo lộn cuộc chơi của Apple như thế nào?
- Trước thêm Apple WWDC 2013 : những điều đáng mong đợi
Hội nghị của năm nay sẽ bắt đầu diễn ra vào ngày thứ 2 tới và theo đánh giá của giới truyền thông đây sẽ là sự kiện được rất nhiều người mong đợi với lễ ra mắt phiên bản mới của hệ điều hành iOS cùng hàng loạt các bản cập nhập lớn nhỏ khác cho những chiếc máy tính dòng MAC của Apple. Năm nay cũng đồng thời là dịp kỉ niệm 10 năm kể từ khi hội nghị này được tổ chức, và nhân sự kiện này, chúng ta hãy cùng thử nhìn lại để xem trong một thập kỉ phát triển của nó, Apple đã đem lại cho chúng ta những bất ngờ gì đáng chú ý.
2003 : Sức mạnh của Power MAC
Đây là năm mà Apple giới thiệu đến công chúng chiếc máy tính để bàn với tên gọi Power MAC G5. Các máy tính sử dụng kiến trúc xử lý PowerPC G5 của IBM này được biết đến như những chiếc máy tính cá nhân nhanh nhất thời điểm đó. Chiếc máy này đã được phát hành chỉ sau đó 2 tháng và những chiếc máy tính MAC Pro thế hệ mới nhất vẫn thừa hưởng ít nhiều từ thành quả của các thiết kế trên thế hệ máy này. Điều này khiến Power MAC G5 trở thành một trong những dự án được phát triển lâu nhất của Apple.
Cũng trong kì sự kiện này, Apple đã giới thiệu phiên bản đầu tiên của trình duyệt Safara với tên gọi Safari 1.0 sau một khoảng thời gian dài tiến hành các phiên bản thử nghiệm. Đây cũng là năm mà các ứng dụng “iApp” do Apple phát triển được giới thiệu ra thị trường với sự xuất hiện của iPhoto, iSight và nhiều ứng dụng khác.
2004 : Ra mắt màn hình khổ lớn với kích cỡ 30 inch
Đây là năm mà hệ điều hành MAC OS X v1.4 với tên gọi Tiger được giới thiệu. Cũng trong năm này, Apple đã vượt qua mọi rào cản khi giới thiệu đến người dùng bộ ba màn hình phẳng thế hệ mới. Trong đó chiếc lớn nhất có kích thước 30 inch với độ phân giải 260*1600 pixel, để sở hữu chiếc màn hình khổ lớn này, người sử dụng phải bỏ ra một số tiền khổng lồ lên tới 3300 đô la Mỹ. Để có thể sử dụng nó. Người sử dụng cũng cần phải sắm cho mình một chiếc card màn hình Nvidia GeForce 6800 với giá thành vào khoảng 600 đô la Mỹ cộng với đó là một chiếc máy tính để bàn Power MAC G5 của Apple với chi phí không hề rẻ một chút nào.
2005: Hợp tác cùng với Intel
WWDC 2005 đã xuất hiện với một trong những thay đổi lớn nhất về chiến lược phát triển các dòng máy tính của Apple. Trong sự kiện lần này, Apple đã tuyên bố rằng, công ty này sẽ không sử dụng các bộ vi xử lý của IBM nữa mà sẽ chuyển sang sử dụng dòng vi xử lý x86 do Intel phát triển. Dù rằng trước đó, nhà sản xuất này đã sử dụng các sản phẩm của Apple từ những năm 1994.
2006: Sự xuất hiện của MAC Pro
Ở kì đại hội này, Apple đã gây bất ngờ với tất cả mọi người khi đem đến một dòng máy tính mới với tên gọi MAC Pro. Đây là dòng máy tính mới được Apple phát triển kế thừa và thay thế cho dòng sản phẩm Power MAC đã lỗi thời. Các tiêu chuẩn đặc trưng của một chiếc máy MAC Pro là bộ xử lý lõi kép Core Xeon 2.66 GHz, 1 GB RAM, ổ cứng với dung lượng 250 GB đi kèm với một card màn hình rời 256 MB. Những chiếc máy MAC Pro đầu tiên được Apple bán với giá 2500 đô la Mỹ. Cũng trong kì đại hội này, Apple đã cho công bố một loạt các cải tiến dành cho phiên bản tiếp theo của hệ điều hành OS, OS X 10.5 với tên gọi Leopard.
2007 : Ra mắt phiên bản Safari dùng trên Windows
Tại WWDC 2007, Apple đã giới thiệu đến người dùng phiên bản thử nghiệm với đầy đủ tính năng của OS X 10.5 Leopart, đồng thời công bố sẽ hỗ trợ cho sự phát triển của bên thứ 3 trong việc phát triển các ứng dụng dành cho iPhone thông qua các ứng dụng web trực tuyến chạy trong trình duyệt Safari trên iPhone. Cũng trong kì đại hội này một phiên bản của trình duyệt Safari dùng trên các máy sử dụng hệ điều hành Windows cũng được công ty này giới thiệu.
2008 : iPhone 3G
Khi iPhone được phát hành ra thị trường, nó đã thu hút được rất nhiều sự chú ý của người sử dụng. Tuy nhiên có một thiếu sót quan trọng khiến nhiều người sử dụng vẫn chưa mặn mà lắm với chiếc máy này, đó là việc thiếu hỗ trợ 3G của nó. Và điều này đã được Apple khắc phục bằng một phiên bản mới của iPhone với tên gọi iPhone 3G được ra mắt tại WWDC 2008. Trong kì đại hội này phiên bản mới của hệ điều hành iOS, iOS 2.0 cũng được giới thiệu cùng với những cải tiến mới nhất được áp dụng trên OS X 10.6 Snow Leopard.
2009 : Ra mắt iPhone 3Gs đồng thời tích hợp khả năng quay video cho iPhone
Sau sự xuất hiện của iPhone 3G vẫn còn một thiếu sót cực kì quan trọng khác mà Apple vẫn mắc phải ở thế hệ sản phẩm thứ 2 này, khi những chiếc iPhone thời đó chỉ có thể chụp ảnh mà không thể quay những đoạn phim video, một tính năng khá phổ biến với tất cả người sử dụng. Không biết liệu đây có phải là một chiêu trò để tăng doanh thu từ phía Apple hay không khi mà chỉ sau 1 năm, thiếu sót rất cơ bản này đã được phía Apple bù đắp bằng việc ra đời phiên bản tiếp theo của iPhone 3G với tên gọi, iPhone 3Gs. Ngoài việc hỗ trợ thêm khả năng quay video, thiết kế của phiên bản 3Gs lần này không có mấy sự thay đổi so với phiên bản 3G.
Cùng với sự xuất hiện của iPhone 3Gs, hệ điều hành iOS 3 dành cho iPhone cũng được phía Apple ra mắt công chúng. Và một ứng dụng cắt ghép và tìm kiếm bằng giọng nói, tiền thân của Siri ngày nay, cũng được phía Apple giới thiệu trong kì đại hội lần này. Đây là một kì đại hội khá tất bật của Apple khi hàng loạt các sản phẩm mới nhưm Mac Pro phiên bản 15 và 17 inch, Safari 4 cùng với phiên bản thử nghiệm của Snow Leopart OS X 10.6 cũng đồng loạt được ra mắt.
2010 : Sự xuất hiện của iPhone 4 với hàng loạt thông tin bị rò rỉ ra từ trước đó.
Đây là kì đại hội không mấy dễ chịu với Steve Jobs khi thông tin về tâm điểm của kì đại hội lần này – chiếc iPhone 4 đã bị rò rỉ ra từ trước đó một hai tháng chỉ bởi một kĩ sư của Apple đã để quên nguyên mẫu của chiếc điện thoại chưa được công bố đó tại quán bar.
Tất nhiên là với sự lột xác hoàn toàn về thiết kế, iPhone 4 đã rất nhanh chóng trở thành mặt hàng hot trên thị trường và chính vì vậy, thiết kế của nó vẫn được di truyền phần nào trên 2 chiếc iPhone thế hệ kế tiếp được phát hành không lâu sau đó.. Tại WWDC 2010, Apple cũng đã đã giới thiệu đến mọi người phiên bản mới của trình duyệt Safari 5, cùng với một loạt các ứng dụng rất được yêu thích sau đó như FaceTime và iMove dành cho iOS.
2011 : Năm của iCloud
2011 là năm của iCloud, một dịch vụ trên miền Internet nhằm đồng bộ hóa dữ liệu trên các thiết bị của Apple như iOS, MAC OS và PC, dịch vụ được Apple giới thiệu đến công chúng tại sự kiện WWDC của năm đó. Cũng như MobileMe, iCloud có thể đồng bộ hoá danh bạ, lịch, email hay bookmark của Safari giữa thiết bị iOS và máy tính. Tuy nhiên, nó tiên tiến hơn ở chỗ cho phép lưu trữ văn bản, hình ảnh, nhạc đồng thời sao lưu lại thiết bị iOS. Tại sự kiện lần này, giá bán và ngày phát hành của OS X 10.7 với tên gọi Lion cũng được công bố cùng với những thông tin mới nhất về hệ điều hành iOS 5.
2012 : Macbook với màn hình Retina xuất hiện
Kì đại hội gần đây nhất được đánh dấu bằng một loạt sự thay đổi về phần cứng với các dòng máy MAC mà đáng chú ý hơn cả là sự xuất hiện của MacBook Air và MacBook Pro với công nghệ màn hình Retina cao cấp được sử dụng trên đó. Màn hình hiển thị Retina cho phép tái tạo hình ảnh với độ phân giải siêu cao cùng mật độ điểm ảnh cao đến mức mắt thường không thể phân biệt được từng điểm ảnh. Đây là một tính năng chỉ tìm thấy trên iPhone và các sản phẩm khác của Apple.
Ở kì đại hội này những thông tin mới nhất về iOS 6 cùng với thông tin về Apple Maps và ngày phát hành cũng như mức giá chính thức của OS X 10.8 "Mountain Lion" cũng được phía Apple cho công bố.
Có thể thấy, mỗi kì WWDC đều đánh dấu một bước tiến nhất định trong các việc áp dụng các công nghệ tiên tiến lên các sản phẩm của Apple. Và kì đại hội diễn ra vào ngày 10 tháng 6 tới đây dự kiến cũng sẽ là một kì đại hội thành công như thế. Chúng ta hãy cùng chờ xem liệu những bất ngờ gì tiếp theo sẽ được Apple bật mí tại kì đại hội lần này.