Ứng dụng

Nhà mạng Việt Nam sẽ không phản công các ứng dụng gọi điện "chùa"

Tin tưởng phương thức đàm thoại truyền thống chất lượng hơn, các công ty viễn thông trong nước cho rằng họ không cần nghĩ tới việc chặn phần mềm gọi điện miễn phí trên smartphone như Viber, Whatsapp.

Sau trào lưu gọi điện trên máy tính, với sự bùng nổ của smartphone, các ứng dụng gọi điện trên Android, iOS, Symbian, Windows Phone... ngày càng nở rộ. Viber, Whatsapp hay các tiện ích nhắn tin, gọi điện khác luôn nằm trong top các phần mềm được người Việt download nhiều nhất từ AppStore, Android Market.

Bên cạnh sự tham gia của các hãng viết ứng dụng thứ ba, các nhà sản xuất như Samsung, Apple, BlackBerry cũng trình làng các phần mềm nhắn tin riêng. Chỉ cần hai máy cài đặt chung ứng dụng, kết nối Internet qua Wi-Fi hoặc 3G, người dùng có thể đàm thoại, chat miễn phí.

iMessage, BlackBerry Messenger, WhatsApp, Viber hay các phần mềm như Skype, Gtalk đang là sự lựa chọn với nhiều người khi liên hệ với bạn bè. Đặc biệt, đây là các phần mềm cho phép liên lạc không biên giới. Một số tiện ích thu phí, nhưng mức giá rẻ hơn so với đàm thoại truyền thống qua mạng di động. Các ứng dụng này được cho là đang đe dọa trực tiếp đến doanh thu các hãng viễn thông.

Các ứng dụng đàm thoại, nhắn tin miễn phí hoặc miễn phí trong thời gian nhất định ngày càng nhiều. Ảnh: Quốc Huy.

Ông Lê Mai Sơn, chuyên viên marketing, giá cước của Mobifone, cho rằng hãng không nghĩ tới việc "phản công", nếu các ứng dụng đó tuân thủ quy định về viễn thông của Việt Nam.

Trong khi đó, đại diện của Viettel cho rằng, các ứng dụng gọi điện trên smartphone nói riêng và Internet nói chung có ưu điểm linh hoạt và rẻ, nhưng so với đàm thoại truyền thống, chúng vẫn có những hạn chế nhất định. Người dùng phải sử dụng kết nối mạng, cả hai máy đều phải cài chung một phần mềm, theo đó, sự linh hoạt giảm. Viettel nhận định, chất lượng cuộc gọi truyền thống tốt hơn là điều khiến họ chưa lo lắng về sự tấn công của các tiện ích trên smartphone.

Đại diện Viettel cho biết xu hướng chung của các nhà mạng trên thế giới là doanh thu từ thoại và SMS giảm. Viettel đang tìm kiếm các nguồn doanh thu mới bằng cách cung cấp các giá trị gia tăng cho khách hàng. "Viettel không có hành động chặn ứng dụng VoIP như Skype, Viber, Whataspp", người này nói. Vào thời điểm thích hợp, nhà mạng này có thể hợp tác nhằm cho ra mắt các dịch vụ chất lượng cao hơn cho khách hàng. Cùng ý kiến, ông Lê Mai Sơn chia sẻ, sự phát triển của smartphone đang tạo ra các dịch vụ mới, nhắm vào data. Mobifone sẽ tập trung vào mảng này nhiều hơn.

Theo ông Đỗ Tuấn Anh, chủ gian ứng dụng AppStore VN, ứng dụng gọi điện miễn phí trên smartphone ở thời điểm này có ảnh hưởng đến doanh thu các nhà mạng, nhưng chưa nhiều. Hiện tại, giá cước thoại và SMS giảm dần, nhà mạng cũng tập trung nhiều vào các chương trình khuyến mãi. Ông Đỗ Tuấn Anh cho rằng thoại trên 3G vẫn chưa thịnh hành ở Việt Nam trong giai đoạn ngắn. Whatsapp hay Viber vẫn chưa ảnh hưởng đến nhiều doanh thu, tuy nhiên, tương lai sẽ có những gói cước riêng gắn với các dịch vụ này.

Theo nghiên cứu thị trường Anh của hãng Ovum, các công ty viễn thông di động mất 14 tỷ USD chỉ trong năm 2011 do khách hàng sử dụng dịch vụ SMS sang nhắn tin Internet. Mobile World Congress 2012 diễn ra đầu tháng này chứng kiến việc các nhà mạng đang tìm cách đối phó với nhiều tiện ích nhắn tin, đàm thoại miễn phí.

Hàng loạt các dịch vụ được quảng cáo ồn ào trong triển lãm như BlackBerry Messenger, WhatsApp, Viber, Facebook Messenger và KakaoTalk... cho thấy cuộc xâm lấn mới về Internet. Theo các chuyên gia phân tích công nghệ, thực trạng "chảy máu tài chính" của nhiều nhà mạng trên thế giới sẽ còn trầm trọng hơn trong tương lai.

Phát biểu tại MWC 2012, Giám đốc điều hành hãng viễn thông Telecom Italia SpA cho rằng, các ứng dụng nhắn tin miễn phí đang khiến các công ty di động mất khả năng đầu tư và nâng cấp cơ sở hạ tầng. Các nhà mạng lớn đang tiến hành một cuộc "phản công" nhằm lấy lại thị phần đã mất.