Doanh nghiệp

Người quan trọng nhất Apple: Jonathan Ive

- Jonathan Ive, đã suýt nghỉ việc ở Apple vào năm 30 tuổi.
- Có thể nói ông là cánh tay trái của Steve Jobs.
- Với việc thăng chức gần đây, Ive trở thành người dẫn dắt cho toàn bộ các sản phẩm chính của Apple.

 

 Vào tháng 9 năm 1997, một nhà thiết kế 30 tuổi của Apple đã suýt nghỉ việc. 15 năm sau, sau đợt xáo trộn trong bộ phận nhân sự vừa qua (30/10/2012), giờ đây, người ấy là nhân viên quan trọng nhất của Apple.

Vào những năm 1997, Apple đã đánh mất phương hướng hoạt động của mình. Những nhà quản lý cấp cao tập trung vào lợi nhuận, chứ không phải việc cho ra đời những sản phẩm tuyệt vời. Việc tập trung vào lợi nhuận cũng có lý do của nó, vì tại thời điểm ấy, Apple đang phải xài đến những đồng tiền cuối cùng của họ.

Nhưng, bước đánh dấu sự chuyển mình của Apple là lúc họ mua lại NeXT với giá 400 triệu đô, mang nhà đồng sáng lập Steve Jobs trở về với công ty.

Jobs, khi đó chưa là CEO của Apple, đã ngay lập tức thay đổi văn hóa của công ty. Steve Jobs đã có một bài phát biểu với những nhân viên của Apple về mục tiêu của họ là làm ra những sản phẩm tuyệt vời, chứ không phải tìm mọi cách để kiếm tiền. Ngay khi nhà thiết kế 30 tuổi nghe bài phát biểu của Jobs, ông ấy quyết định thay đổi suy nghĩ về việc rời công ty, dựa theo tiểu sử của Steve Jobs do Walter Isaacson viết.

Nhà thiết kế đó không ai khác, chính là Jonathan Ive, mọi người thường gọi ông là Jony.
 

Jonathan Ive - người quan trọng nhất của Apple.
 
Quyết định ở lại Apple của Jony là một trong những lý do cho màn tái xuất ấn tượng nhất trong lịch sử các công ty, từ chỗ gần phá sản đến vị trí công ty có giá trị nhất thế giới.

Trước kia, Jony là trưởng nhóm thiết kế phần cứng. Nhưng mới đây, Jony được giao nhiều trọng trách hơn. CEO Tim Cook đã thăng chức cho ông dẫn dắt cả bộ phận thiết kế phần mềm của công ty, mà Apple gọi là "Giao diện Con người" (Human Interface). Điều này có nghĩa,  Jony là nhà thiết kế chính cho cả phần cứng và phần mềm của công ty công nghệ có ảnh hưởng nhất trên thế giới.

Có thể nói, nếu Cook là người quyền lực nhất Apple, thì Jony là người quan trọng nhất. Anh ấy sẽ phải chỉ lối cho mọi quyết định với các sản phẩm chính của Apple.

Khi Steve Jobs mất, mọi người đều muốn biết ai sẽ là người lấp vào chỗ trống ông để lại. Trong 12 tháng, câu trả lời là "Hội đồng lãnh đạo". Còn hôm nay, hoàn toàn có thể nói đó chính là "Jony Ive", chắc chắn, đó là người thích hợp nhất hiện tại để thay thế cho Steve Jobs. Jobs cũng đã nói trong cuốn tiểu sử của mình, "Nếu tôi có một người bạn tinh thần ở Appe, đó chính là Jony."

Jobs và Ive là những đồng nghiệp quá thân với nhau, đến mức tự gọi nhau là Jives, cái tên ghép từ tên 2 người. 2 người thường cùng nhau đi dạo khuôn viên Apple, hay ăn ở phòng ăn Apple.

"Jony có một vị trí đặc biệt," Vợ của Jobs, bà Laurene Powell nói với Isaacson, "Anh ấy sẵn lòng đến nhà chúng tôi, và gia đình chúng tôi gần gũi nhau hơn. Steve không bao giờ muốn làm anh ấy tổn thương. Hầu hết những người trong cuộc đời Steve đều có thể thay thế được, trừ Jony."


Jony Ive bên cạnh Steve Jobs.



Mối quan hệ của cả hai bắt đầu khi Jobs quay trở lại Apple. Jobs lúc ấy đang dạo quanh phòng thiết kế của công ty và thấy công trình của Ive. Vào lúc đó, Jobs đang tìm kiếm một chuyên gia thiết kế ngoài Apple để dẫn dắt công cuộc cải tổ Apple.Nhưng khi Jobs thấy sản phẩm của Ive, Jobs liền gây dựng mối quan hệ tốt đẹp và họ cùng nhau làm ra những thiết kế máy tính mang tính biểu tượng nhất trong lịch sử.


Ive, người từng bất mãn với Apple nói, "Chúng tôi đã thảo luận về cách tiếp cận hình thức và vật liệu," thêm vào đó, "Chúng tôi có cùng tiếng nói chung. Tôi chợt hiểu ra tại sao tôi lại yêu Apple."

Sản phẩm chính đầu tiên của họ là chiếc máy tất cả trong một iMac. Trong khi hầu hết mọi người tập trung vào thiết kế của những đường cong mờ đầy màu sắc trong một kỉ nguyên của những chiếc máy tính nhàm chán vuông vức, điều đó cũng thể hiện cá tính và triết lý thiết kế của Ive.

iMac có tay cầm ở trên đỉnh máy, Ive giải thích cho quyết định này: “Lúc đó, mọi người không thoải mái với công nghệ. Nếu bạn sợ hãi thứ gì đó, bạn sẽ không chạm vào nó. Tôi nghĩ, nếu có tay cầm, nó sẽ khiến mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn. Tay cầm là một sự tiếp cận rất trực quan. Nó mang tới cảm giác kính trọng cho bạn.”
 
Tay cầm trên máy iMac sặc sỡ.

Có lẽ một lí do Ive nhấn mạnh yếu tố dễ tiếp cận đối với thiết kế của một máy tính  là vì dù sử dụng nhiều năm, ông không nghĩ có thể thành thạo kĩ thuật vì ông thấy máy tính rắc rối.

Trong một cuộc phỏng vấn, Ive nói: “Tôi học đại học trong khi gặp vấn đề thực sự với máy tính. Tôi bị thuyết phục rằng tôi là kẻ mù tịt máy tính, điều đó làm tôi bực tức vì tôi muốn sử dụng máy tính trong nhiều khía cạnh của thiết kế.” 

Sau đó, khi gần học xong, Ive khám phá ra máy Mac. “Tôi nhớ tôi đã bị ngạc nhiên như thế nào vì nó tốt hơn nhiều so với những thứ tôi đã dùng. Tôi thật sự bị ấn tượng vì sự cẩn thận trong việc thiết kế trải nghiệm người dùng. Tôi có cảm giác kết nối với máy tính như một nhà thiết kế thật sự.”

Dưới thời Apple cũ, việc đề xuất thêm tay cầm của Ive chắc chắn sẽ không bao giờ được phê duyệt vì nó là tính năng không cần thiết và đội thêm chi phí. Còn dưới thời Jobs, mọi thứ hoàn toàn khác. Sau khi iMac ra mắt, mối quan hệ giữa Ive và Jobs càng tốt đẹp hơn, vị trí của ông tại công ty cũng tăng lên theo thời gian.

Trước khi qua đời, Jobs từng nói về Ive: “Sự khác biệt mà Jony đã làm, không chỉ với Apple mà với cả thế giới là vô cùng lớn. Anh ấy là người thông minh. Anh hiểu khái niệm kinh doanh, khái niệm tiếp thị. Anh hiểu được những gì cốt lõi chúng tôi đang làm hơn bất kì ai.”

Và có lẽ lo ngại sẽ có sự bất đồng nội bộ sau cái chết của mình, Jobs nói thêm: “Jony có quyền lực nhiều hơn bất kì ai tại Apple trừ tôi. Không ai có quyền bảo anh ta làm gì hay không được làm gì. Đó là thứ mà  tôi đã sắp đặt.” Điều này giải thích lí do tại sao Ive lại thắng trong trận chiến giành quyền kiểm soát hướng đi cho Apple với Scott Forstall – cựu lãnh đạo của iOS.
 

Jonathan Ive và Tim Cook trong buổi ra mắt iPhone 5.

Ive nổi tiếng vì không thể ở chung một phòng với Forstall. Ông cũng được cho là đã phàn nàn về hướng đi trong thiết kế mà Apple đang hướng đến. Dưới trướng Forstall, Apple áp dụng ngày càng nhiều thiết kế skeuomorphic (mô phỏng chuyển động kĩ thuật số theo các thiết bị thực trong đời sống). Ví dụ, ứng dụng Passbook, nếu bạn xóa bỏ một giấy thông hành, một máy cắt giấy giả sẽ xuất hiện và xử lý tờ giấy đó. Đó là chuyển động gọn gàng và khiến mọi người cảm thấy thoải mái hơn với công nghệ bằng cách mô tả lại nó như trong đời thực. Tuy nhiên, thiết kế này gây tốn thời gian và trông ngày càng “ngu ngốc”. 

Chắc chắn khi Ive nhậm chức, phong cách skeuomorphic sẽ phai tàn. (Đáng chú ý là Steve Jobs lại là một "fan" của phong cách skeuomorphic).

Một nguyên nhân khác Forstall phải ra đi là vì ông bày tỏ “tham vọng hơn hẳn các lãnh đạo Apple khác. Ông ngang nhiên gây dựng ảnh hưởng trong các năm gần đây, tức là bao gồm cả khoảng thời gian Jobs đang điều trị y tế”, Adam Lashinsky – nhà báo của tạp chí Fortune nhận định. Forstall muốn trở thành CEO. Ông có quyền lực đáng kể và đang thách thức Tim Cook. 

Ngược lại, Ive dù hiểu về “khái niệm kinh doanh”, lại không hề muốn trở thành CEO. Nhiều nguồn tin cho biết Ive chỉ muốn là một người làm sản phẩm (product guy). Ông đã thực sự là một product guy với bộ phận iOS trong tay, bây giờ, ông đảm nhiệm cả phần cứng và phần mềm. Chỉ duy nhất một người tại Apple đã từng chịu những trách nhiệm tương tự như Ive, đó chính là Steve Jobs.
Mời bạn theo dõi chuyên trang về Apple

Tham khảo: Businessinsider/genk