39 công tố viên liên bang Mỹ đã cùng kí vào một bức thư gửi Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) kêu gọi tổ chức này áp dụng các biện pháp mạnh nhằm đối phó với các hành vi của các công ty sử dụng bất hợp pháp công nghệ thông tin (CNTT).
Hàng rào kĩ thuật bảo vệ doanh nghiệp Mỹ
Ông Stacy Baird là cựu cố vấn cho các thành viên của Thượng viện và Hạ viện Mỹ đánh giá, Chính phủ các tiểu bang Mỹ cho rằng, việc sử dụng CNTT bất hợp pháp là nhằm tạo thế mạnh bất bình đẳng đối với các công ty của Mỹ và cần áp dụng luật pháp để đối phó với hành vi phản cạnh tranh (anti - competition).
Ông Stacy Baird cho biết, việc bang Washington và Louisiana vừa ban hành Luật Cạnh tranh không lành mạnh (UCA) yêu cầu các nhà sản xuất và xuất khẩu phải sử dụng sản phẩm CNTT (phần cứng lẫn phần mềm) hợp pháp trong toàn bộ hoạt động thương mại và sản xuất, từ văn phòng cho đến nhà máy" đã nêu rất rõ rằng hành vi này là một sự vi phạm luật có thể bị buộc tội bởi Công tố viên Liên bang hoặc bên cạnh tranh có quyền lợi bị vi phạm. Trong khi đó, 24 tiểu bang khác của Mỹ cũng đang chuẩn bị triển khai những bộ luật tương tự. Ông Stacy Baird cho rằng, bức thư được 39 các công tố viên kí và đồng gửi là bằng chứng cho thấy họ sẽ mạnh mẽ yêu cầu chính phủ liên bang hành động.
Về vấn đề này, Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Phó tổng thư kí Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, về mặt lí thuyết thì đạo luật này như một hàng rào kĩ thuật hợp pháp vì quyền sở hữu trí tuệ đã quy định trong WTO và được áp dụng không chỉ riêng cho Việt Nam nên không có phân biệt đối xử. Do vậy không muốn vi phạm thì không có biện pháp nào khác ngoài việc phải tuân thủ.
Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động
Phó Cục trưởng Cục Quản lí cạnh tranh (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho rằng, khi cơ quan điều tra Hoa Kì (Bộ Thương mại Hoa Kì - DOC) áp dụng đạo luật này trong các vụ điều tra chống bán phá giá, DOC có thể cộng thêm các chi phí sản xuất thực tế (do DOC tính toán) do doanh nghiệp phải sử dụng các sản phẩm phần mềm có bản quyền (chi phí thiết kế, quản lí, tiếp thị…) từ đó làm cho chi phí sản xuất sản phẩm bị đẩy lên cao, dẫn đến nguy cơ bị áp thuế chống bản phá giá hoặc biên độ phá giá cao hơn cho hàng Việt Nam.
Còn căn cứ theo Luật UCA, nếu phía chủ sở hữu của những phần mềm này, chẳng hạn như Microsoft, có bằng chứng về việc doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam dùng phần mềm lậu, sẽ có thể kiện lên Tòa án Mỹ. Trong vòng 90 ngày, nếu không chứng minh được nguồn gốc phần mềm mình đang sử dụng, doanh nghiệp Việt sẽ phải đối mặt với án phạt rất nặng. Trong đó, mức nặng nhất là bị ghi vào “sổ đen” của chính quyền bang.
Ôg Trần Hữu Huỳnh cho biết, việc Mỹ thắt chặt bản quyền phần mềm có thực sự là lo ngại lớn hay không phụ thuộc vào sự hiểu biết của chính doanh nghiệp. Theo ông Huỳnh, những quy định mà Mỹ áp dụng để đánh giá phạm vi vi vi phạm sẽ rất rộng, bao gồm cả chuỗi liên quan từ văn phòng, sản xuất, vận tải... nên doanh nghiệp cần nghiêm túc nhìn nhận hàng rào kĩ thuật này để có điều chỉnh.
Tuy nhiên, ông Huỳnh cũng nhìn thẳng vào thực tế doanh nghiệp dùng phần mềm có bản quyền chắc chắn sẽ phải tăng chi phí đầu vào và giảm sức cạnh tranh của sản phầm. Song về lâu dài, việc tôn trọng pháp luật là bắt buộc và giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Ông Huỳnh khuyến khích: “Khi ta tôn trọng các quy định của các nước thì sản phẩm trong nước mới được tôn trọng, được bảo hộ trong đó có quyền sở hữu trí tuệ. Đây cũng là điều tốt cho nền kinh tế và doanh nghiệp cần có nhận thức đầy đủ để bắt tay vào thực hiện sớm”.