Nhịp sống số

Mỹ: Báo in thời khủng hoảng

Mỹ: Báo in thời khủng hoảng

Hãng AFP ngày 28-12 đưa tin, Tập đoàn New York Times nổi tiếng tại Mỹ đã đồng ý bán 16 tờ báo địa phương cho Công ty Truyền thông Halifax Media Holdings với mức giá 143 triệu USD. Quyết định của New York Times được cho là hành động để tiếp tục cứu vãn doanh thu trong bối cảnh ngành báo in tại Mỹ phải tự vật lộn trong thời kỳ khủng hoảng.

 

Ngành công nghiệp báo in tại Mỹ chứng kiến sự sụt giảm về lợi nhuận. Ảnh minh họa.

<>Doanh thu giảm

Tình trạng quảng cáo sụt giảm và nhiều độc giả chuyển sang đọc báo trực tuyến đang trở thành một vấn đề hóc búa cản trở các tờ báo Mỹ duy trì doanh thu. Dự báo của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho rằng thị trường báo giấy ở Mỹ yếu hơn nhiều so với các nước châu Âu. Sự sụt giảm mạnh ở Mỹ sẽ tiếp diễn cho đến hết năm 2012 và vào năm 2013, thị trường báo in của Mỹ sẽ tiếp tục mất 25 tỷ USD so với thời kỳ đỉnh cao vào năm 2005.

Cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ năm 2008 đã mở đầu cho thời kỳ sụt giảm mạnh ngành công nghiệp báo in tại Mỹ. Sự đi xuống này phản ánh tác động tiêu cực của suy thoái và xu hướng dịch chuyển sang quảng cáo trên Internet. Các khách hàng quảng cáo trên báo in ồ ạt chuyển sang các trang web áp dụng mức giá rẻ hoặc thậm chí miễn phí.

Theo Hiệp hội Báo chí Mỹ (NAA), các tờ báo thành viên của hiệp hội này thu được 27,6 tỷ USD quảng cáo trong năm 2009, so với mức doanh thu 37,8 tỷ USD đạt được trong năm 2008. Con số này bao gồm cả quảng cáo trên báo giấy và phiên bản báo mạng của các tờ báo. Năm 2010, con số này dừng ở mức 25 tỷ USD. Dự đoán trong năm 2011, số lợi nhuận của quảng cáo sẽ xuống mức 24 tỷ USD.

Do khó khăn về doanh thu, công ty mẹ của nhiều tờ nhật báo lớn và có uy tín hàng đầu ở Mỹ như Chicago Tribune, Los Angeles Times, The Baltimore Sun, The Philadelphia Inquirer và The Denver Post trong năm nay đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản để giảm nợ. Một số tờ báo khác như Rocky Mountain News chọn con đường đóng cửa, hay tờ Seattle Post-Intelligencer dừng bản in và chỉ duy trì báo mạng. Nhiều nhà báo làm việc tại các tờ báo này đã mất việc. Nạn nhân mới nhất là Lee Enterprises, một trong số các công ty sở hữu những tờ báo lớn nhất nước Mỹ, ngày 12-12 đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

<>Chuyển hướng để thu lợi nhuận

Jim Moroney, chủ biên của tờ Dallas Morning News nhận định, ngành công nghiệp báo chí đã từng sống khỏe nhờ mô hình "80-20" (80% doanh thu đến từ quảng cáo và 20% doanh thu đến từ nguồn bán báo) nhưng mô hình đó đã sụp đổ hoàn toàn mà không gì cứu vãn nổi. Vì thế, ngày càng nhiều tờ báo in Mỹ đang đi theo xu hướng tăng giá bán báo và áp dụng cơ chế thu phí độc giả trực tuyến, đầu tư cho các bản tin mạng để có doanh thu khi phát hành lẫn quảng cáo sụt giảm.

Tờ New York Times từng gây xôn xao khi công bố quyết định sẽ thu phí truy cập vào các bài viết trên báo điện tử vào tháng 3 năm nay. Theo đó, độc giả chỉ được đọc miễn phí 20 bài báo mỗi tháng, quá hạn mức này sẽ được yêu cầu đăng ký trả tiền để được đọc tiếp. New York Times cho rằng tin tức của báo đủ sức thuyết phục mọi người trả tiền thay vì lướt hàng trăm website khác để đọc những tin mà có khi còn được lấy từ chính New York Times.

Trước New York Times, tờ Wall Street Journal và Financial Times đã quyết định thu phí khi đọc tin trên điện thoại di động và đọc báo trực tuyến. Sau đó là The Baltimore Sun và nhiều tờ báo khác tại Mỹ cũng quyết định đi theo xu hướng này.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, việc thu tiền báo trực tuyến còn phải căn cứ vào chất lượng, nếu không, đây sẽ là con dao 2 lưỡi cho những tờ báo chưa gây dựng được lòng tin của độc giả. Ken Doctor, nhà phân tích nghiên cứu kinh doanh báo chí cho biết, vấn đề là làm thế nào để thu hút một lượng lớn độc giả "hạt nhân" và khiến cho phần lớn trong số họ chịu trả tiền để truy cập. Đó chính là cốt lõi của ngành kinh doanh mới mẻ này.

Theo SGGP