Nhịp sống số

Mua theo nhóm tại Việt Nam còn nhiều vấn đề

Cạnh tranh không lành mạnh, khách hàng tố đẩy giá hay khuyến mãi vượt quy định khiến mô hình mua theo nhóm tại Việt Nam còn nhiều điều bất ổn.

Nhiều khuyến mãi cao ngất ngưởng, từ 60% đến 70% khiến người tiêu dùng phải đặt dấu hỏi. Mới nhất là giữa tháng 10, khách hàng "tố" trang Dealsoc ngấm ngầm đẩy giá trước khi đưa ra khuyến mãi. Cụ thể, khi mua một voucher 148.000 đồng của Dealsoc, họ có thể đến shop Ken Ken đổi lấy túi giữ nhiệt trị giá 280.000 đồng. Nhưng gọi điện đến Ken Ken, họ mới hay giá gốc của món hàng này tại cửa hàng chỉ có 170.000 đồng. "Chính cửa hàng và công ty trung gian đã ngầm liên kết với nhau để lừa người tiêu dùng", một khách hàng bức xúc cho biết.

 

Mô hình mua theo nhóm đang phát triển mạnh tại Việt Nam. Ảnh: Quốc Huy.

Mô hình mua theo nhóm đang phát triển mạnh tại Việt Nam. Ảnh: Quốc Huy.

Ngay sau đó, trang Hotdeal cũng bị tố là ém thông tin gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Một số người cho biết Hotdeal xóa thông tin xấu về nhà kinh doanh (như các ý kiến trái chiều, phản đối) trong khi các lời khen ngợi lại luôn được trưng lên đầu trang.

Không những bị người tiêu dùng nghi ngờ về tính xác thực thông tin trên các trang này, nhiều mô hình cũng xuất hiện những hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị kinh doanh. Trong tháng 10, công ty KunKun Group liên tục gửi thư phản ánh đến một trang mua theo nhóm sau khi họ đăng thông tin về bàn gỗ để laptop của công ty Ngọc Linh nhưng lại sử dụng hình ảnh của KunKun.

"Việc này gây ảnh hưởng và thiệt hại lớn đến uy tín cũng như việc kinh doanh của chúng tôi. Đây là cạnh tranh không lành mạnh và bản thân trang này khi được phản ánh thì đã hạ nội dung xuống, nhưng sau đó lại đưa lên", anh Đỗ Bá Huy, Giám đốc KunKun nói.

Trả lời VnExpress.net, đại diện trang web mua theo nhóm này thừa nhận "sơ sót trong việc kiểm tra nội dung bài giới thiệu sản phẩm cũng như hình ảnh đi kèm".

Mới đây, trong một chương trình bình chọn website thương mại điện tử, mô hình mua theo nhóm không được tham gia. Hiện mô hình này vẫn chưa được coi là hình thức thương mại điện tử với lý do "có rất nhiều công ty mua theo nhóm khuyến mãi vượt quá quy định, nhiều đơn vị đã bị cơ quan chức năng mời lên làm việc", ông Nguyễn Ngọc Dũng, Trưởng đại diện Hiệp hội thương mại điện tử, nhận định.

Theo ông Dũng, trong luật thương mại tại Việt Nam, nếu khuyến mãi trên 50% là bị "thổi còi". Hiệp hội thương mại điện tử cũng cho rằng nên có một kênh để mọi người phản hồi về những vấn đề như các đơn vị làm ăn không đàng hoàng, để giá ảo và không tuân thủ đầy đủ những điều kiện trong voucher...

Cùng ý kiến, ông Tăng Chí Uy, chủ website Khuyenmaiso, cho rằng song song với những lợi ích do mô hình "groupon" mang lại thì vẫn tồn tại nhiều bất cập. Điển hình như chất lượng phục vụ thực tế chưa được như cam kết, hoặc mới nhất là các site bán groupon và các chủ doanh nghiệp ngầm liên kết, đẩy giá trị thực tế của sản phẩm hoặc dịch vụ lên cao để tạo sự hấp dẫn.

"Theo tâm lý chung, khi các bạn có nhu cầu mua một dịch vụ hoặc một sản phẩm nào đó đang trong thời gian chạy 'deal' chắc chắn chúng ta sẽ tìm hiểu trước giá cả trên mạng, nhưng vấn đề tham khảo đó cũng chưa hẳn là chính xác 100%. Vì thật sự, tình trạng để giá ảo ở trên cộng đồng mua bán qua mạng vẫn diễn ra phổ biến, nhất là ở một số trang mua bán có quy định sắp xếp thứ tự hiển thị gian hàng theo giá, nghĩa là giá càng thấp thì vị trí bán hàng càng được ưu tiên", ông Uy phân tích.

Về điều này, ông Trần Vinh Nhung, Phó giám đốc Sở Công thương TP HCM, cho rằng: "Trong quản lý nhà nước sẽ có những biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chứ không thể doanh nghiệp không lành mạnh muốn làm gì thì làm. Tất nhiên, chúng ta vẫn xử lý nhưng trên cơ sở làm sao uốn nắn, điều chỉnh doanh nghiệp trong mô hình mới này. Những doanh nghiệp làm ăn gian dối sẽ không có kẽ để lách, để phát triển".

< designtimesp="2238">Mô hình "groupon" tại Việt Nam rất đa dạng với nhiều loại hình sản phẩm và phát triển ồ ạt. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, sẽ có rất ít site có khả năng trụ lại với "cuộc chơi" này.

"Groupon là một mô hình 'triệu đô' với khả năng tạo ra giá trị cao trong thời gian cực ngắn song cũng rất mạo hiểm và cần nhiều yếu tố để tồn tại lâu dài. Có nhiều cái tên đã xuất hiện nhưng không lâu sau thì biến mất", bà Vivian Võ, Tổng Giám đốc Nhóm Mua tại Hà Nội, cho biết.

Cụ thể, sự đỡ đầu của các “ông lớn” trong lĩnh vực đầu tư cũng là yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công của Nhóm Mua. Thương hiệu được thành lập ngày 10/10/2010 với sự đầu tư của tập đoàn Rebate Networks với vốn đầu tư ban đầu là 1 triệu USD, đầu tháng 9 năm nay, Nhóm Mua cũng được tiếp tục đầu tư hàng chục triệu USD.

Một đại diện khác của mô hình mua theo nhóm tại Việt Nam cho rằng, thị trường hiện nay đã có hơn 70 websites hoạt động theo mô hình mua theo nhóm. Dự báo với tốc độ phát triển hiện tại, mua hàng theo nhóm vẫn rộn ràng và nhộn nhịp đến hết năm nay và sẽ bắt đầu bão hoà từ đầu năm 2012.

Trong khi đó, một chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, mua theo nhóm ở Việt Nam hiện vẫn đang trong tình trạng lỗ, và còn khá lâu để các doanh nghiệp này mới lấy lại được vốn đầu tư.

Mô hình kinh doanh Groupon có tên ban đầu là ThePoint.com do một sinh viên tại Mỹ thành lập năm 2008. Sau một thời gian không thu được doanh thu từ quảng cáo, ThePoint.com đổi tên thành Groupon.com (Groupon = Group + Coupon) và hoạt động theo mô hình bán phiếu giảm giá theo nhóm.

Hiện Groupon.com rất thành công với mô hình kinh doanh này, đạt mức lợi nhuận lên đến 500 triệu USD và vừa được định giá khoảng 1,35 tỉ USD. Groupon cũng vừa từ chối thương vụ mua lại của Google lên đến 6 tỉ USD.