Sự sụp đổ của hàng loạt web mua theo nhóm trong và ngoài nước đang dấy lên những quan ngại về tính bền vững của loại hình truyền thông kiểu mới này cũng như những hệ luỵ mà nó tạo ra.
Facebook "bỏ chạy", Zing Deal "vỡ trận"
Năm 2010 đánh dấu sự nở rộ của dịch vụ mua theo nhóm tại Việt Nam nhưng cũng trong năm này là hàng loạt sự ra đi không kèn trống của các website dạng này mà khởi đầu của chuỗi đổ vỡ là từ gã khổng lồ Facebook với Deals chỉ sau 4 tháng vận hành.
Ra đời nhằm cạnh tranh với dịch vụ mua theo nhóm Groupon đình đám của Google, cái đầu có sạn của một CEO như Mark Zukerberg đã sớm nhận ra những rủi ro tiềm ẩn của hình thức thương mại điện tử này và sớm rút chân ra khỏi cuộc chơi đúng lúc.
Tại Việt Nam, sự hình thành của các website Muachung, Nhommua, Hotdeal... tạo nên một xu hướng cho người một khái niệm mua hàng mới đồng thời cũng tạo nên diện mạo khác lạ về cung cách truyền thông và bán hàng B2C.
Mặc dù vậy, phản hồi gần đây từ các khách hàng của các dịch vụ mua theo nhóm này chia làm 2 xu hướng, một thì "thề sẽ không bao giờ quay trở lại" và một phần khách hàng thì "sẽ chỉ mua nếu deal thực sự tốt".
Mới đây, việc Zing Deal ngừng hoạt động đã thực sự trở thành một cú shock đối với cộng đồng khách hàng ưa thích hình thức mua bán dạng này. Lí do mà nhà quản lí đưa ra là dịch vụ này lỗ ròng liên tục và khó có thể tiếp tục đầu tư nhằm cạnh tranh với các đối thủ khác khi mà thị phần ngày một thu hẹp, thị trường "lắm thầy nhiều ma".
Đứng ở góc độ khách quan, sự việc có thể nhìn nhận một cách dễ dàng khi mà các dịch vụ mua theo nhóm như "nấm mọc sau mưa" với những bất ổn tiềm ẩn mà ngay cả bản thân người quản lí cũng không lường trước được.
Một giám đốc công ty mua theo nhóm hàng đầu tại Việt Nam cho biết: "Nhân sự vào ra công ty tôi trong năm vừa qua nhiều không kể xiết, cứ mỗi nhân sự nghỉ là lại ra lập công ty riêng với những khách hàng mà mình đã nắm khi còn đương nhiệm tại vị trí cũ. Vì thế lượng khách hàng không tăng nhưng các công ty nhỏ lẻ chụp giật thì lại gia tăng liên tục về mặt số lượng, khiến thị trường bị xâu xé, nhiều đơn vị hoạt động chụp giật".
Để hiểu đúng nghĩa về mua theo nhóm, ta có thể tạm coi đây là một hình thức bán hàng và truyền thông kiểu mới. Theo đó, sẽ có 3 đối tượng được hưởng lợi từ hình thức này gồm công ty cung cấp sản phẩm/dịch vụ, công ty điều hành mua theo nhóm và cuối cùng là khách hàng.
Trong một kịch bản bán hàng hàng với giá trị 100% thì theo bài toán kinh doanh cơ bản, 40% con số đó sẽ dành cho chi phí truyền thông và marketing. Vậy khi bán hàng ra thị trường theo hình thức mua theo nhóm, công ty có sản phẩm/dịch vụ cung ứng cho hình thức này sẽ coi như bỏ chi phí truyền thông cho sản phẩm của mình cũng như chia sẻ một phần doanh thu cho khách hàng và đơn vị nhóm mua theo tỉ lệ khoảng 10-20-10% cho ba bên.
Tuy nhiên, thực tế thì không phải sản phẩm nào cũng đạt lượng bán ra đúng kì vọng cũng như đơn vị mua theo nhóm thu được đủ chi phí để sinh lãi. Nhiều sản phẩm/ dịch vụ không đủ cuốn hút người dùng sẽ "ế hàng", từ đó phát sinh những khoản lỗ to nhỏ cho cả bên cung ứng hàng lẫn bên quảng bá sản phẩm - là các đơn vị cung cấp dịch vụ nhóm mua.
Ngoài ra, việc thiếu minh bạch trong việc làm giá của các gói dịch vụ mua theo nhóm cũng là vấn đề nóng bỏng hiện nay, ảnh hưởng tới tâm lí người mua. Rõ ràng là chẳng ai muốn bỏ tiền ra mua theo hình thức này khi mà giá mua thẳng ngoài thị trường hoặc bằng, hoặc chỉ cao hơn chút ít nhưng đi kèm lại nhiều ưu đãi hơn.
Chị Thanh Hằng, một khách hàng của dịch vụ mua theo nhóm cho hay: "Trước Tết có deal mua hướng dương Nga, tưởng rẻ nhưng hoá ra chỉ rẻ hơn được 10 ngàn so với ngoài cửa hàng. Trong khi đó hạn sử dụng lại ít hơn, không để lâu được".
Không khó để tìm thấy hàng tá các phàn nàn dạng này qua các diễn đàn hay cộng đồng mạng và điều này làm ảnh hưởng ít nhiều đến uy tín vốn đã lung lay của các website bán hàng theo nhóm. Đó là còn chưa kể đến việc nhiều website thiếu tính minh bạch còn sẵn sàng xoá bỏ các comment phản hồi xấu để "bưng bít" thông tin phản hồi về chất lượng dịch vụ bán hàng.
Mua theo nhóm sớm tan rã trên diện rộng?
Theo một chuyên gia về thương mại điện tử thì hình thức mua theo nhóm tại Việt Nam sẽ sớm xuất hiện một làn sóng tan rã và tháo chạy khỏi thị phần này của các đơn vị tham gia.
Lí do mà vị này đưa ra là vì hầu hết các công ty nhỏ hiện nay đều mang tính chụp giật với lượng khách hàng cung ứng sản phẩm ít ỏi cũng như lượng khách mua theo nhóm trung thành hầu như không có.
Là đơn vị trung gian nhận hàng và phân phối tới người dùng cuối, rõ ràng đây không phải là việc đơn giản bởi muốn tạo ra những deal tốt với sản phẩm chất lượng cao không phải là dễ giữa thời khủng hoảng kinh tế này.
Anh Hoàng Hà, quản lí doanh nghiệp cho biết: "Dịch vụ mua bán deal thực tế chỉ tốt đối với những doanh nghiệp mạnh, làm thương hiệu cho các sản phẩm mới với chi phí chiết khấu khấu trừ vào chi phí truyền thông, tạo ra những deal tốt cho khách. Nhưng thời buổi này kinh phí truyền thông, marketing bị cắt giảm thì lấy đâu ra tài chính để trợ giá trực tiếp kiểu này?".
Trong một tương lai nhãn tiền, có thể thấy thị phần của hình thức bán hàng theo nhóm sẽ chỉ còn lại một vài tên tuổi lớn, trường vốn và có sẵn các mối quan hệ tốt với các đối tác cung ứng sản phẩm/dịch vụ. Việc vỡ trận trên diện rộng của các website bán hàng theo nhóm chỉ là vấn đề thời gian và những khách hàng của dịch vụ này cần "chọn mặt gửi vàng" để không mua phải những deal xấu hoặc voucher mất giá trị thanh toán khi công ty phá sản, giải thể.
Theo Vietnamnet