Điện thoại

Mua BlackBerry nào với 2 triệu đồng

Với tầm 2 triệu đồng, fan của dòng máy BlackBerry chỉ có thể chọn được hàng đã qua sử dụng. Tuy nhiên, nếu chọn khéo, những sản phẩm này vẫn đáp ứng rất tốt yêu cầu của người dùng.

Các dòng máy như 81xx, 8700, 88xx hay thậm chí cũ hơn như 7290 vẫn đang được nhiều người yêu smartphone "Chùm dâu" ưa chuộng và tin dùng. Thị trường máy đã qua sử dụng vẫn sôi động trong những năm gần đây, thậm chí còn náo nhiệt hơn phân khúc hàng xách tay hay phân phối chính hãng bởi ưu điểm về giá thành và đa dạng chủng loại.

Những dòng máy này vẫn chạy tốt nhiều loại ứng dụng, giá thành rẻ và thời lượng pin cao nếu đem so với smartphone của các thương hiệu nổi tiếng khác. Tuy nhiên, do cấu hình thấp, bộ nhớ flash bị giới hạn nên những chúng hay gặp lỗi không hiển thị đầy đủ font tiếng việt với bộ gõ Unicode.

Dưới đây là danh sách những máy BlackBerry đã qua sử dụng có mức giá từ 2 triệu đồng trở xuống vẫn được ưa thích tại Việt Nam.

BlackBerry 7290

BlackBerry 7290
Ra đời năm 2005, 7290 có thiết kế khá thô ráp với thân dày và rộng.

BlackBerry 7290 có kích thước 114 x 73 x 23 mm và nặng 139 gram, chạy 4 băng tần GSM, có kết nối Bluetooth và GPRS. Do bộ nhớ flash rất bé (32MB) nên 7290 không có các chức năng giải trí, tuy nhiên, người dùng vẫn có thể tải thêm ảnh hoặc các file nhạc ngắn về làm hình nền hoặc nhạc chuông. Màn hình của máy khá bé (240 x 160 pixel) và mờ. Hiện tại, một chiếc 7290 có giá chỉ dưới 500 nghìn đồng và ngày càng trở nên khan hiếm do đã khá "cao tuổi", trong khi một số dòng máy khác có cấu hình cao hơn giá cũng khá dễ chịu. Máy được đánh giá hỗ trợ tốt cho việc nhắn tin, có thể cài thêm từ điển và một vài phần mềm. Bản ROM cao nhất chỉ đến 4.2.

BlackBerry 8700 và 8707

BlackBerry 8700 (trái) và BlackBerry 8707.
BlackBerry 8700 (trái) và BlackBerry 8707.

Ra mắt muộn hơn 7290 vào năm 2005, BlackBerry 87xx thực sự đã tạo thành cơn sốt mới cho những người đam mê điện thoại của RIM. Tại Việt Nam, 87xx vẫn được rất nhiều người ưa chuộng. BlackBerry 87xx có thiết kế đậm nam tính, khỏe khoắn, các phím bấm to rõ ràng, cấu hình cao gấp đôi so với 7920, chất lượng sóng ổn định, pin cho thời lượng 2 đến 3 ngày tùy mức sử dụng, không hỗ trợ thẻ nhớ. Giá một chiếc 8700 giao động từ 500 nghìn đồng đến 800 nghìn đồng, tùy thuộc chất lượng vỏ và nhà phân phối (các máy của nhà mạng Rogers vẫn đắt nhất với giá khoảng 800 nghìn đồng).

Rẻ hơn 8700 một chút, "người anh em" 8707 tuy sở hữu cả 3G (đây là chiếc smartphone giá rẻ duy nhất có 3G) nhưng giá lại rơi vào khoảng 500 nghìn đồng do những than phiền của người dùng về chất lượng sóng và đôi khi gặp sự cố, đồng thời không có khả năng up ROM lên phiên bản 4.5 như 8700 nên gây không ít bất tiện. Máy hỗ trợ GPS, GPRS/EDGE, tin nhắn đa phương tiện và Bluetooth.

BlackBerry Pearl 81xx

Tại thời điểm ra mắt, 81xx là dòng máy...thon gọn nhất của BlackBerry. Ảnh: Quốc Huy
Tại thời điểm ra mắt, 81xx là dòng máy...thon gọn nhất của BlackBerry. Ảnh: Quốc Huy

Năm 2006 đánh dấu sự ra đời của dòng smartphone BlackBerry đầu tiên của có tích hợp camera và hướng tới người dùng có bàn tay bé, đặc biệt là nữ giới. Cấu hình của 81xx không có sự thay đổi so với 87xx và bắt đầu sử dụng trackball (bi lăn) thay cho trackwheel (con lăn) truyền thống. Thiết kế bi lăn đã theo BlackBerry từ lúc này đến khi dòng 8520 ra đời, đánh dấu bước thay đổi mới sang trackpad (bàn lăn cảm ứng). Pearl không sử dụng bàn phím QWERTY đầy đủ mà dùng phím SureType, hay còn gọi là phím nửa QWERTY. Nếu ai đã quen với phím QWERTY thì sẽ cảm thấy rất bất tiện trên bàn phím mới này.

BlackBerry Pearl được chia làm 3 dòng GSM là 8100, 8110 và 8120 (8120 có thêm chức năng Wi-Fi) và một dòng chạy CDMA tên Pearl 8130. Thiết kế của 4 máy này có đôi chút khác biệt ở vị trí camera và hình dáng bàn phím, nhưng cơ bản vẫn giống nhau. Hiện tại, các sản phẩm thuộc dòng Pearl 81xx ngày càng khan hiếm do chất lượng không bằng như trước đây, giá giao động từ 1,1 triệu đến 1,3 triệu tùy từng dòng, đặc biệt 8100 là mẫu khó tìm nhất.

Tuy có hỗ trợ thẻ nhớ dành cho media và lưu trữ nhưng với mà hình bé (240 x 260 pixel) thì Pearl 81xx không phải là lựa chọn tốt để xem video. Camera của 8100 có độ phân giải 1,3 Megapixel trong khi 3 máy còn lại lên tới 2 Megapixel, có quay phim. Pearl cũng không hỗ trợ GPS cho các máy nhưng bù lại có rất nhiều màu để lựa chọn. Pin của Pearl khá kém, cho thời gian sử dụng chỉ khoảng hơn một ngày.

BlackBerry 88xx

BlackBerry 88 series gồm 3 dòng là 8800, 8820 và 8800. Ảnh:
BlackBerry 88 series ra mắt năm 2007 gồm 3 dòng là 8800, 8820 và 8830, không có sự khác biệt về bên ngoài. Ảnh: Itechnews

Thiết kế của 88xx có những thay đổi lớn so với 87xx khi thân máy mỏng hơn và có cảm giác rộng hơn, hai bên sườn được ốp hai thanh nhựa mạ kim loại. Khác biệt lớn nhất là con lăn trên 87xx đã được thay thế bằng viên bi lăn ở giữa thân máy. Về mặt cấu hình, 88xx gần như không thay đổi nhiều so với dòng 87xx, tuy nhiên, máy đã hỗ trợ thêm thẻ nhớ, giúp người dùng có thể sử dụng các file media như xem ảnh, nghe nhạc hay xem clip. Màn hình của 88xx hiển thị khá sắc nét dù chỉ 65.000 màu. Có thể xem 88xx chính là 87xx gắn thêm thẻ nhớ.

BlackBerry 88xx được chia ra làm 3 dòng gồm 8800, 8820 và 8830, không có sự khác biệt về thiết kế bề ngoài, chỉ riêng 8830 có thêm hai màu bạc và đỏ bên cạnh màu đen vốn có. BlackBerry 8800 và 8820 chạy trên mạng GSM, trong khi 8830 chạy trên mạng CDMA. Khác biệt duy nhất giữa 8800 và 8820 là chức năng Wi-Fi, chỉ có trên 8820. Giá một chiếc 8800 đã qua sử dụng tại Việt Nam hiện nay rơi vào khoảng 900 nghìn đồng đến 1,1 triệu đồng, giá 8820 khoảng 1,2 đến 1,3 triệu đồng trong khi giá của 8830 thì thấp hơn hẳn, khoảng 600 hoặc 700 nghìn đồng.

Nguyên nhân của sự khác biệt này là lượng người dùng CDMA của Việt Nam rất ít (chỉ có mạng Sfone cung cấp dịch vụ này), trong khi nếu sử dụng chương trình đổi từ CDMA sang GSM trên 8830 thì chất lượng mạng sẽ không còn tốt như trước, hay xảy ra tình trạng rớt cuộc gọi hoặc mất sóng tại một số khu vực. Pin của 8830 sau khi chuyển đổi cũng cho thời gian sử dụng thấp hơn, trong khi 2 dòng máy còn lại có thời lượng pin lên tới 3 ngày. Cả 3 máy đều hỗ trợ GPS, GPRS/EDGE, tin nhắn đa phương tiện, bluetooth.

BlackBerry Curve 83xx

BlackBerry Curve. Ảnh: Cnet
BlackBerry Curve. Ảnh: Cnet

BlackBerry Curve ra đời cùng năm với BlackBerry 88 Series nhưng được chia thành 4 loại riêng biệt, tương tự với Pearl. Curve bao gồm 8300 (cơ bản, không GPS và wifi), 8310 (có GPS, không Wi-Fi), 8320 (không GPS, có Wi-Fi) và 8330 chạy trên nền mạng CDMA. Về mặt tổng thể, Curve có thể xem như bản nâng cấp thêm camera của BlackBerry 88 Series với thiết kế bề ngoài khác đôi chút.

Các phím bấm của Curve khá nhỏ và hơi cứng, kiểu dáng phù hợp với cả người dùng nam và nữ. Chất lượng ảnh ở trên dòng Curve vẫn chưa được cải thiện so với Pearl. Về cấu hình vẫn chưa có sự thay đổi nào ở Curve so với các dòng máy ra mắt trước đó. BlackBerry 83xx sử dụng tai nghe chân 3,5 mm, thuận tiện để sử dụng các loại tai nghe Stereo chuyên nghe nhạc bởi thực tế tai nghe kèm máy có chất lượng âm chỉ ở mức trung bình.

Máy 8330 trong số này không có khe cắm SIM như các máy thông thường. Mỗi máy bán ra được gán với một số điện thoại CDMA riêng. Người dùng tại Việt Nam cũng ko thể chuyển đổi 8330 sang GSM giống như 8830 mà bắt buộc phải thực hiện các biện pháp "ghép số" để sử dụng số Sfone với máy. Đây thực sự là điều đáng tiếc của 8330. Khác biệt lớn nhất của 8330 so với các dòng máy kể trên là bản ROM. Tuy cùng bộ nhớ flash 64MB nhưng 8330 lại chạy được ROM 5.0, đồng nghĩa với khả năng đọc font tiếng Việt không bị lỗi. Một số trường hợp người dùng cho biết máy không thể nhận được cuộc gọi đến sau khi up ROM lên 5.0, trong khi mọi chức năng khác vẫn hoạt động bình thường.

Máy 8300 và 8310 trên thị trường giờ khá hiếm do máy hay gặp lỗi nên ít người bán, nếu bán giá cũng từ 1,8 đến 2 triệu đồng tùy theo chất lượng máy. Giá 8330 thì chỉ khoảng 500 đến 700 nghìn đồng, mức giá phổ biến của các dòng CDMA cấp thấp. Đắt nhất trong số 4 máy Curve này là 8320, do có thêm chức năng Wi-Fi nên giá trên 2 triệu đồng. Thời lượng pin của BlackBerry Pearl cũng tương đương với BlackBerry 88xx.

BlackBerry Pearl Flip

Pearl Flip là chiếc máy gập đầu tiên của BlackBerry. Ảnh: CrackBerry.
Pearl Flip là chiếc máy gập đầu tiên của BlackBerry. Ảnh: CrackBerry.

BlackBerry Pearl Flip lại là một chiếc điện thoại khác dành riêng cho phái đẹp của RIM. Pearl Flip sử dụng bàn phím SureType tương tự Pearl, cùng với thân hình nhỏ gọn. Flip cũng tương tự như các dòng khác, bao gồm 4 bản là 8200, 8210, 8220 và 8330 với cách chia chức năng giống Curve 83xx và Pearl 81xx. Bản Pearl Flip thông dụng nhất tại Việt Nam la 8220 với chức năng Wi-Fi và chạy trên mạng GSM. Giá sản phẩm đã qua sử dụng vào khoảng 1,8 đến 2 triệu đồng.

Pearl Flip dùng chung loại pin với Pearl nên cho thời lượng pin khá kém, chỉ chưa đến 2 ngày hoặc một ngày nếu dùng nhiều. Dòng Flip đã được BlackBerry nâng cấp với bộ nhớ flash lên tới 128 MB và mặc định chạy ROM 4.6 ngay khi xuất xưởng. Người dùng tại Việt Nam chỉ cần cài thêm một gói font Unicode cho tiếng Việt là máy có thể hiển thị tốt như trên các máy chạy ROM 5.0 trở lên.

Mặc dù có bề ngoài được đánh giá tốt nhưng Pearl Flip lại gặp phải lỗi hỏng Bluetooth khi người dùng thay thế bản ROM xuất xưởng bằng bản ROM khác, gây bất tiện cho người dùng nên sản phẩm này ngày càng ít được chào đón. Mặt khác, do thiết kế gập úp màn hình vào bàn phím nên sau một thời gian sử dụng, màn hình của Pearl Flip sẽ bị bẩn do các vết bụi bám trên bàn phím, có hình dạng như các đường kẻ caro. Đây cũng là "bệnh" chung của nhiều dòng máy gập khác như Motorola V3 hay các máy Samsung đời trước.

<>Anh Quân