Với những chiêu thức từ đơn giản đến tinh vi, những "nhà lừa đảo" luôn có cách để "móc túi" khách hàng một cách "ngọt xớt".
<>Nhiều chiêu lừa đảo đơn giản
Thực tế, nhiều vụ lừa đảo đã xảy ra. Kẻ lừa đảo đã áp dụng nhiều thủ đoạn khiến người mua hàng dễ dàng lâm nạn. Có khi chỉ với vài mánh lới lừa đảo đơn giản, rất nhiều người đã mất tiền oan vì mua hàng qua mạng. Có khi là những chiêu thức tinh vi khiến người mua hàng dù có khôn ngoan, tỉnh táo cũng có thể bị mắc bẫy.
Gây sốc nhất trong giới mua bán, đấu giá qua mạng là trường hợp Hoàng Thế Anh (SN 1987, ở Thái Nguyên). Vốn có kiến thức về tin học, Thế Anh thường xuyên lên hai trang mạng chodientu.vn và nganluong.vn và phát hiện thấy nhiều sơ hở của việc giao dịch mua bán đấu giá trên mạng.
Thế Anh đã lập một hòm thư điện tử riêng, làm trung gian giữa người mua và người bán để "hớt" tay trên của khách hàng khi giao dịch. Với thủ đoạn trên, từ tháng 8/2009 - 10/2010, Thế Anh đã thực hiện trót lọt 7 vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 101 triệu đồng của nạn nhân sau khi bỏ tiền ra mua máy tính xách tay, điện thoại Iphone...
Trước đó, giới kinh doanh qua mạng cũng hỗn loạn vì trường hợp lừa đảo của Thạch Sĩ Châu (sinh viên năm 3, Trường Cao đẳng xây dựng số 2 (Thủ Đức - TP HCM). Châu đã lập trang web camerajapan123.110mb.com để bán các loại máy ảnh qua mạng, sau đó đăng quảng cáo về website của mình tại nhiều trang mua bán trên mạng...
Trên thực tế, Châu chẳng có cửa hàng cũng như không hề có chiếc máy ảnh nào. Song khi ai có nhu cầu mua máy thì đối tượng yêu cầu phải đặt trước 20% giá trị và chuyển khoản vào tài khoản của Châu dưới một cái tên giả. Khi mọi người đã chuyển tiền, Châu liền rút hết số tiền đặt cọc đó, còn người mua thì chờ máy trong vô vọng.
Không chỉ tự lập trang web riêng, nhiều người còn sử dụng chiêu bài "phát triển thương mại điện tử" để biến tướng thành bán hàng đa cấp. Những trang web này được lập ra để bán hàng hóa nhưng thực tế, các lệnh mua bán rất ít, thậm chí không có sự đầu tư cho các công cụ hỗ trợ mua bán. Thay vào đó là việc bán gian hàng ảo cho mọi người muốn tham gia thành cộng tác viên của trang web.
<>Khách hàng tự lo thân mình
Thông tư số 46 năm 2010 của Bộ Công thương có những quy định về trách nhiệm của các thương nhân tham gia cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử, tham gia cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Trong đó, đã có quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp giữa thương nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người mua hàng thông qua hợp đồng thỏa thuận. Song, khi có tranh chấp xảy ra, thông tư này lại bỏ ngỏ trách nhiệm của chủ website mua bán, rao vặt miễn phí.
Dù trong nội quy của các diễn đàn, website này đều có quy định dành cho người rao, đăng tin không được bán hàng giả, hàng trái phép, hàng kém chất lượng... tuy nhiên, thực tế, các quản trị diễn đàn không kiểm soát được thông tin thật sự về chất lượng hàng hóa được đưa lên.
Họ chủ yếu chỉ kiểm soát những thành viên bán hàng cấm, hàng nhạy cảm, còn việc ai bán hàng giả, hàng không đúng chất lượng như quảng cáo thì chỉ khi xảy ra những vụ kiện cáo, tố cáo nhau thì họ mới biết. Các thông tin về người rao hàng thậm chí cũng không được kiểm định nên thường là thông tin ảo, và khách hàng dễ bị lừa.
Chiêu thức lừa đảo qua mạng của các đối tượng cũng ngày một tinh vi. Những đối tượng lừa đảo thường lợi dụng kẽ hở từ tâm lý của người dân khi tham gia mua bán trên mạng là thích thanh toán bằng chuyển khoản mà không qua các cổng thanh toán bảo đảm. Mà không phải sàn giao dịch hay các trang web mua bán trên mạng nào cũng có các biện pháp bảo vệ người mua hay chủ động, tích cực với các cơ quan chức năng nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia.
Nạn lừa đảo bán hàng qua mạng đang khiến nhiều người đau đầu. Những trường hợp mua hàng kém chất lượng, hàng rởm, hay mất tiền mà không có hàng vẫn liên tiếp xảy ra... Trong khi pháp luật quy định về lĩnh vực này còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ, người tiêu dùng hãy nên biết tự bảo vệ mình.
Theo một số doanh nghiệp kinh doanh qua mạng, khách hàng chỉ nên tham gia vào các sàn giao dịch uy tín, đảm bảo quyền lợi cho người mua, hỗ trợ người dùng khi có sự cố xảy ra. Nên tìm hiểu kỹ thông tin về mặt hàng; kiểm tra thông tin về công ty, người bán hàng trực tuyến; tìm hiểu chính sách mua bán, quy định, bảo hành. Khách hàng nên kiểm tra kỹ hàng hóa trước khi thanh toán và nên chọn chế độ thanh toán tạm giữ để đảm bảo được bồi hoàn tiền khi có sự cố xảy ra.
<>Theo Diễn Đàn Kinh Tế Việt Nam