Nhịp sống số

Microsoft và Windows Phone 8: Được và mất

Microsoft và Windows Phone 8: Được và mất

Windows Phone 7 là một hệ điều hành mới nhưng đã thu hút được nhiều sự quan tâm của người dùng, điều đó có thể thấy khi 7 trên 9 chiếc điện thoại bán chạy nhất ở Amazon Mỹ sử dụng WP7. 

Tuy nhiên, sau khi Microsoft giới thiệu Windows Phone 8 thì đã có khá nhiều ý kiến trái chiều nhau từ phía người dùng về hệ điều hành này. Nhìn ở góc độ khách hàng cũ, WP8 là một thất bại về mặt hình ảnh của Microsoft và đặc biệt là Nokia nhưng nếu đứng ở góc nhìn bên thứ 3, có lẽ đây là một sự thay đổi thật sự cần thiết nhằm tăng tính cạnh tranh cho toàn bộ nền tảng. Vấn đề đặt ra ở đây là liệu WP8 có làm được những gì mà WP7 đã làm hay không hay nó lại là bước đi sai lầm của Microsoft như Windows Vista. Trên mặt trận hệ điều hành máy tính, Microsoft quá mạnh và có thể làm lại với Windows 7, Windows 8 nhưng nếu Windows Phone 8 thất bại, có lẽ hãng phần mềm khổng lồ buộc phải chia tay mặt trận di động khi mà iOS và Android đang chiếm ưu thế quá lớn.

Lưu ý:

Bài viết này không đề cập đến những tính năng mới của WP8 mà chủ yếu nói về phần quan trọng hơn là nhân hệ điều hành cũng như phân tích sơ qua về mối quan hệ giữa Microsoft và các nhà sản xuất điện thoại khác.

Thay đổi lớn nhất và đáng suy nghĩ nhất: nhân Windows NT

 

Có thể những thay đổi về giao diện, về việc bổ sung thêm những tính năng như Wallet làm người dùng thích thú nhưng thay đổi cần ngẫm nghĩ nhất chính là nhân Windows NT. Nếu bạn nào chưa biết thì Windows NT là nhân hệ điều hành cho máy tính của hầu hết chúng ta, từ Windows 2000, Windows XP, Windows Vista, Windows 7, Windows 8 và giờ là Windows Phone 8. Windows NT được tạo ra với mục tiêu thay thế cho MS-DOS trước đó, bảo mật hơn, mạnh mẽ hơn và hiện đại hơn.

Trong khi đó, Windows Phone 7 được xây dựng dựa trên nhân Windows CE (Windows Embedded Compact), một nhân đươc xây dựng cho các hệ thống nhúng (embedded system). Microsoft cũng có một nền tảng Windows nhúng nữa mà có thể bạn sẽ lẫn lộn là Windows Embedded Standard dựa trên nhân Windows NT và nó hoàn toàn không liên quan gì tới Windows CE cả. Windows CE được sử dụng trên rất nhiều các nền tảng khác nhau, đặc biệt là các nền tảng Windows Mobile ngày xưa, từ thời PocketPC 2000 cho tới Windows Mobile 6.5 và mới đây là Windows Phone 7, hệ điều hành mà rất nhiều người có quan nhiệm sai lầm là Microsoft đã xây dựng lại nó từ đầu. WP7 được dựa trên nhân Windows CE6 (giới thiệu tháng 12/2006) và Windows CE7 (tháng 3/2011).

Từ đây, chúng ta lại tiếp tục có một suy nghĩ sai lầm khác: Windows Phone 7 không hỗ trợ vi xử lý đa nhân. Do dựa trên Windows CE7 nên Windows Phone 7 cũng hỗ trợ xử lý đa nhân và bộ nhớ RAM tối đa 3GB nhưng vì một lý do nào đó mà Microsoft chưa cho phép điều này xảy ra. Do vậy, việc hỗ trợ đa nhân không phải là lý do làm cho Microsoft thay Windows CE bằng Windows NT.

Vậy đâu là nguyên nhân?

Hợp nhất tất cả các nền tảng, mang lại trải nghiệm chung cho người dùng

Tuy không nói rõ nhưng có lẽ đây là lý do chính dể Microsoft từ bỏ Windows CE mà dùng chung Windows NT trên tất cả các hệ điều hành lớn của họ. Microsoft không hề công bố nhưng chúng ta có thể dễ dàng suy đoán Windows Phone 8 sử dụng nhân Windows NT 6.2 mới nhất được sử dụng chung với Windows 8 và đặc biệt là Windows 8 RT, hệ điều hành cho thiết bị sử dụng chip ARM.

 

Hãy nhìn sang Apple do đây là công ty có chiến lược giống với Microsoft nhất, họ xây dựng iOS và Mac OS cùng trên nhân Unix ngay từ đầu chứ không chia làm 2 bản Windows CE và Windows NT như Microsoft. Tuy nhiên, Apple lại chỉ lấy một số rất ít các tính năng của MacOS trong nhân Unix và chuyển sang iOS xây dựng mới. Trong khi đó, Microsoft có khởi điểm hoàn toàn trái ngược, họ tách ra Windows CE, Windows NT và đang trong quá trình hợp nhất 2 nền tảng. Thực tế cho thấy Apple đang hoàn toàn đi đúng hướng, họ vẫn giao thoa 2 hệ điều hành với những tính năng giống nhau (Back to the Mac) nhưng cả 2 đều có sức sống riêng rất mãnh liệt. Trừ khi Apple hủy bỏ Mac OS hoặc iOS và thay vào đó là 1 nền tảng mới chung nhất thì người dùng của hãng vẫn có một trải nghiệm chung, không hề bị ngắt quãng như Windows Phone 7 và Windows Phone 8. Microsoft lại muốn dựa vào Windows 8 trên máy tính để thúc đẩy Windows Phone 8, nhưng liệu họ có thành công hay không?

Thực tế với các lựa chọn hiện nay của Microsoft, người dùng sẽ hơi bị rối, đặc biệt là Windows RT. Tại sao lại bổ sung thêm 1 bản RT làm gì khi họ đã có Windows Phone 8 đủ sức chạy trên máy tính bảng, nếu biện luận đó là vì Windows RT cho máy tính thì cũng khá vô lý vì tất cả các ứng dụng cho Windows cũ đều không chạy trên RT và phải viết lại từ đầu. Hệ quả là chúng ta có Windows RT riêng cho tablet, Windows Pro cho cả máy tính thường và tablet và Windows Phone 8 cho điện thoại. Dù Microsoft cho biết tất cả đều chia sẽ chung một nhân Windows nhưng nó vẫn gây khúc mắc cho người dùng.

Nhân Windows NT đã cho Windows Phone 8 những gì?

Phát triển game tốt hơn, nhiều ứng dụng hơn:

Các ứng dụng Windows Phone 7 cũ được viết trên .NET Compact Framework có khá nhiều giới hạn, không tận dụng được toàn bộ phần cứng của máy nên Microsoft đã bổ sung vào nhiều bộ công cụ lập trình hơn, ra mắt Visual Studio 2012 hỗ trợ lập trình cho cả Windows 8 và Windows Phone 8 giúp các lập trình viên xây dựng ứng dụng và game cho cả 2 nền tảng này cùng một lúc. Từ Windows Phone 8 thì các phần mềm được viết trên nền .NET Compact Framework nhưng bổ sung thêm thư viện C/C++, cơ sở dữ liệu SQLite và tập lệnh DirectX.

Ảnh đã được thu nhỏ. Vui lòng nhấn vào đây để xem kích thước thật 800x532.

Đa nhiệm thật sự:

 

Đa nhiệm thật sự trên máy tính giúp cho việc chuyển đổi các ứng dụng nhanh hơn, bạn sẽ không bị lỡ mất một cảnh báo nào hay phải khởi chạy lại nếu lâu ngày không dùng tới ứng dụng đó như iOS. Nhưng ưu điểm này cũng có những mặt trái của nó.

Thay đổi muộn thì tốt hơn là quá trễ:

Tuy mình rất khó chịu với sự thay đổi chậm chạp của Microsoft nhưng dù sao thì muộn vẫn tốt hơn là quá muộn, khi mà mọi thứ đã đi vào quy trình và khó lòng thay đổi được. Một khi Windows Phone 9 ra mắt, có lẽ sự nâng cấp đó sẽ nối tiếp Windows Phone 8 chứ không bị ngắt quãng như Windows Phone 6.5 lên 7 và 7 lên 8 như hiện tại.

Windows NT đã lấy mất gì của Windows Phone 8:

Đa nhiệm có thật sự tốt?

Không thể nói khả năng đa nhiệm như hiện tại của Windows Phone 7 là hoàn hảo nhưng ít ra nó cũng giúp cho hệ điều hành mượt mà và ổn định. Windows Phone 8 mang theo khả năng đa nhiệm thật sự của máy tính đòi hỏi rất nhiều năng lực xử lý và chắc chắn sẽ tiêu thụ nhiều năng lượng hơn. Có lẽ một giải pháp đa nhiệm như Apple với push notification hoặc quản lý theo kiểu ngủ đông của Android sẽ an toàn hơn là cách đa nhiệm thật sự của máy tính, vừa tốn pin lại vừa tiếp sức cho cuộc đua cấu hình mà mình sẽ nói ở dưới. Hơn thế nữa, một khi cho phép chạy đa nhiệm hoàn toàn, Microsoft phải đưa ra các chương trình quản lý tiến trình gây khó chịu cho người dùng di động, chất lượng các ứng dụng bên thứ 3 cũng cần kiểm định thật kỹ vì nó có thể chiếm dụng tài nguyên hệ thống mà không nhường lại cho các ứng dụng khác, xin hãy nhớ rằng năng lực xử lý của máy tính cao hơn điện thoại rất nhiều.

Tính ổn định và tốc độ phản hồi là một câu hỏi lớn

Windows RT trên máy tính bảng thử nghiệm khá mượt nhưng những gì mà nó thể hiện trên điện thoại di động là một câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp. Windows Phone 7 mượt mà trên những máy điện thoại cấu hình của 3 năm trước nhưng đó là vì nó đã được tối ưu hóa trên nền tảng Windows CE cho di động. Còn Windows Phone 8 lại dựa trên Windows NT trên máy tính, liệu bạn nghĩ nó có còn mượt mà nữa hay không? Ngoài ra, hệ điều hành máy tính chưa bao giờ gây ấn tượng cho người dùng bằng tốc độ phản hồi, một bài học toán khó đang đợi Microsoft giải quyết. Hãy chờ xem.

Ứng dụng không tương thích:

Do các ứng dụng Windows Phone 7 chỉ được phát triển .NET Compact Framework nên tất cả các ứng dụng viết cho Windows 8 về sau này nếu không viết trên .NET Compact Framework thì không thể hoạt động với Windows Phone 7. Trên WP8, Microsoft đã bổ sung thêm CoreCLR, thư viện C/C++, cơ sở dữ liệu SQLite và tập lệnh DirectX nhằm tăng cường sức mạnh cho hệ điều hành nhưng lại làm mất đi tính tương thích với máy Windows Phone 7. Điều này cho thấy WP7 giống như là một bản thử nghiệm hơn là hệ điều hành chính thức mà Microsoft trình làng, thật đáng thất vọng. Hiện tại Windows Phone 7 đã có 100.000 ứng dụng. Mình không chắc chắn số ứng dụng đó sẽ hoàn toàn chạy tốt trên Windows Phone 8 mà không cần cập nhật nhưng chắc chắn ít nhất 50% ứng dụng WP8 (các ứng dụng không viết bằng .NET Compact Framework thuần mà bổ sung thêm các công cụ trên) sẽ không chạy trên WP7, phân mảnh còn tệ hơn cả Android.

 

Nào mình cũng đua thôi!

Đua cấu hình:

Từ trước đến nay, Windows Phone 7 vẫn đứng ngoài cuộc đua cấu hình với Android. Và giờ đây, khi Android đã giảm tốc cuộc đua này lại thì Microsoft lại tiếp tục thúc đẩy nó ........ dù cho họ đang tụt rất xa phía sau. Hãy cứ tưởng tượng nếu một ngày nào đó bạn sẽ thấy quảng cáo WP nào cũng điện thoại 20 nhân, 8GB RAM thì lúc đó WP sẽ đánh mất những bản sắc chân thật nhất của mình. Các hãng sản xuất có muốn dừng cuộc đua cũng khó vì lý do chính của việc đòi hỏi cấu hình cao hơn để chạy Windows Phone 8 là nó đòi hỏi đa nhiệm 100%.

Đánh mất niềm tin từ người dùng

Microsoft có truyền thống hỗ trợ ngược khá tốt, bạn có thể thấy rất nhiều máy vẫn cho lựa chọn cài Windows XP dù nó đã ra mắt được 10 năm nhưng lần này thì hãng đã tạo ra một cái dớp không tốt. Ai mà biết được liệu sau này Microsoft có hy sinh Windows Phone 8 cho một Windows Phone 9 nào đó hay không? Cả người dùng và lập trình viên cũng đều lo ngại về vấn đề này. Người dùng mới làm quen với việc chuyển từ Windows Phone 6.5 lên 7 và giờ lại phải làm quen với 7 lên 8.

Hiệu ứng Osbone:

 

Trong giới kinh doanh có một bài học xương máu với tên gọi hiệu ứng Osbone (Osbone effect) mà ta có thể tóm tắt như sau: Ngày xửa ngày xưa, có một hãng máy tính tên là Osbone Computer sản xuất ra được một chiếc máy tính rất tốt, bán rất nhiều. Quá hào hứng, chủ công ty này liên tục quảng bá chiếc máy đời sau sẽ tốt hơn, xịn hơn nhiều lần. Khi biết thông tin đó, hầu hết người dùng đều ngừng mua sắm và chờ đợi họ cho ra mắt máy mới. Hệ quả là công ty không có đủ tiền để duy trì hoạt động sản xuất trong khi chờ máy mới ra đời và nhanh chóng phá sản chỉ 2 năm sau đó. Nếu bạn muốn dễ hiểu hơn thì cứ liên tưởng đến chuyện gì sẽ xảy ra nếu Google công bố tất cả các máy Android hiện tại sẽ không được nâng cấp lên hệ điều hành Android 5.0 hoặc Apple công bố chỉ iPhone 5 mới được nâng cấp lên iOS 6, liệu bạn có còn mua HTC One X, Samsung Galaxy S3 hay iPhone 4S nữa không hay là ngồi chờ các sản phẩm sau này? Sony Ericsson là minh chứng gần đây nhất cho việc này khi doanh số tụt giảm vì chậm nâng cấp lên Android 4.0 và Microsoft lại tiếp tục dẫm lên bước chân đó, gây thiệt hại nặng nề cho các đối tác.

Công bố trước việc nâng cấp phần mềm là không sai vì nó sẽ giúp cho các nhà phát triển có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị, nhưng chính cái cách Microsoft công bố ở thời điểm này, khi họ mới bỏ ra rất nhiều tiền quảng bá cho Windows Phone 7 và đối tác chính Nokia đang cố gắng vật lộn với khủng hoảng thì thật đáng trách. Apple và Google đều đưa ra những lộ trình rõ ràng cho hệ điều hành nhưng họ luôn nâng cấp cho các máy cũ còn Microsoft lại từ bỏ nó một cách quá nhanh chóng. Phải chi Microsoft có chính sách dài hạn hơn, chuyển sang nhân NT ngay từ khi phát triển Windows Phone 7 hoặc chỉ công bố WP8 ngay khi bán ra thì có lẽ các hãng khác sẽ không phải chịu nhiều áp lực như vậy.

Các đối tác khác sẽ ra sao?

 

Khi Microsoft công bố tất cả các thiết bị hiện tại sẽ không được nâng cấp lên Windows Phone 8, tất cả các nhà sản xuất đều bị thiệt hại về mặt danh tiếng cũng như kết quả kinh doanh nhưng có lẽ Nokia là nặng nề nhất khi họ dựa quá nhiều vào nền tảng này. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ các mốc thời gian thì Nokia cũng chỉ là một nạn nhân của Microsoft hoặc chính xác hơn là họ không đủ mạnh để làm Microsoft thay đổi các chiến lược. Thời điểm Nokia chính thức hợp tác với Microsoft là tháng 2 năm 2011, khi đó Microsoft vẫn chưa cho ra mắt Windows CE 7 mà phải 1 tháng sau nó mới thành hiện thực, tức là khi đó Microsoft vẫn định hướng Windows Phone theo con đường CE chứ không phải NT như hiện tại.

Vì một số lý do như đã nói ở trên, Microsoft đã quay 180 độ chuyển sang Windows NT, không cho phép người dùng nâng cấp lên Windows Phone 8. Có thể Nokia đã biết điều này từ vài tháng trước nhưng họ không thể làm được bất cứ điều gì để thay đổi mà cố gắng lắm cũng chỉ đưa ra một bản nâng cấp mang tính chữa cháy Windows Phone 7.8. Có lẽ Nokia đã bắt đầu nhận ra những trái đắng của việc không có một nền tảng riêng cho mình.

Trong buổi lễ giới thiệu Windows Phone 8, chúng ta thấy chỉ có 4 nhà sản xuất hỗ trợ hệ điều hành này. Trừ trường hợp Microsoft muốn giới hạn số nhà sản xuất lại để quản lý cho dễ (khó xảy ra vì họ muốn bán càng nhiều phần mềm càng tốt), có lẽ đây là 4 công ty duy nhất muốn hỗ trợ Windows Phone 8 sau khi Microsoft bỏ rơi Windows Phone 7. 4 đối tác này có thể kể đến là Nokia tự trói buộc vào Microsoft và không thể bỏ, Samsung tham gia tất cả các nền tảng, HTC là đối tác thân thiết ngay từ Windows Mobile và Huawei đang cố gắng chen chân vào mặt trận di động. Ngoài ra, ta không hề thấy LG, Dell, Toshiba, Fujitsu… những công ty đã theo Microsoft từ Windows Phone 7, tất cả còn đang chờ đợi xem Windows Phone 8 có thật sự thành công hay không.

Kết luận:

Ngay khi thông tin Windows Phone 8 được công bố, không có gì ngạc nhiên khi giá cổ phiếu Microsoft tăng còn Nokia lại giảm. Windows Phone 8 rất có tiềm năng và tương lai nhưng hành động từ bỏ WP7 không khác gì việc nhận một cú đấm sau lưng từ chính người bạn thân. Đây là một khoảng thời gian rất khó khăn của Nokia, nếu họ có thể vượt qua được 6 tháng - 1 năm tới thì Nokia sẽ sống sót, thậm chí sẽ phát triển tốt vì suy cho cùng, Windows Phone 8 là một nền tảng rất tốt nếu nó mượt mà như Windows 7/ Windows 8 mà không nặng nề như Windows Vista.

Về phần Microsoft, những thay đổi trên Windows Phone 8 là rất đáng ghi nhận nhưng nó lại là một thất bại về mặt hình ảnh của hãng với các đối tác thân thiết cũng như người dùng cũ. Thật sự mà nói, trừ khi Microsoft muốn tiếp tục hạ giá cổ phiếu Nokia (còn khoảng 9 tỷ đô) dể dễ bề thâu tóm thì mình vẫn không thể hiểu nổi tại sao họ lại tổ chức 2 buổi họp báo liên tiếp kiểu thế này. Microsoft còn 3 tháng nữa để hoàn thiện sản phẩm và chúng ta hãy cùng chờ xem, nếu tốt, họ sẽ tồn tại trên mặt trận di động, còn không thì có lẽ Microsoft cũng chẳng còn cơ hội làm lại nữa rồi.