Nhịp sống số

Microsoft đã có những biến chuyển gì từ thời Steve Ballmer?

Kể từ khi lên thay Bill Gates làm CEO của Microsoft vào năm 2008, Ballmer chịu không ít những chỉ trích trước những kết quả yếu kém của công ty. Tuy nhiên, những chỉ trích đó chưa hẳn đã là công bằng nếu nhìn những thay đổi tại công ty này dưới thời ông. Ballmer từng phát biểu rằng ông "có một công việc mới" tại công ty và có lẽ Ballmer muốn ám chỉ đến những thay đổi tại Microsoft dưới thời mình.

 
Áp dụng cách thức quản lý mới
 
Đây có lẽ là thay đổi rõ ràng nhất. Sau khi Bill Gates rút lui, Microsoft đã không còn 1 "thư kí" đích thực, người có thể đưa ra những lời khuyên về các chiến lược phát triển của công ty. Lúc này, Ballmer đã áp dụng cách thức quản lý mới bằng cách giao trách nhiệm cho từng người đứng đầu các nhóm sản phẩm cụ thể. 
 
Trước đây, các lãnh đạo nhóm sản phẩm thường đến từ tổ chức bán hàng. Kevin Johnson (người điều hành Windows & Online từ 2005 đến 2008) và Jeff Raikes (người điều hành Office và các phần mềm doanh nghiệp trong gần 1 thập kỉ) là những ví dụ. Những lãnh đạo này thường được Gates và các chuyên gia công nghệ như Ray Ozzie cố vấn về chuyên môn. Từ năm 2009, chính sách này đã được thay đổi hoàn toàn. Mỗi nhóm sản phẩm đều được Ballmer giao phó cho 1 người điều hành có chuyên môn. Ballmer đã mang Qi Lu - một kĩ sư từ Yahoo về điều hành nhóm sản phẩm Online group. Steven Sinofsky được giao phó mảng Windows, Kurt DelBene mảng Office... Tháng 12 năm ngoái, Ballmer đã quyết định đưa Terry Myerson - một người có chuyên môn về HĐH di động lên thay Giám đốc Windows Phone lúc đó là Andy Lees - một người chuyên hơn về mảng marketing.
 
Giảm bớt đấu đá nội bộ
 
Nội bộ công ty rất hay có sự "đấu đá" giữa các nhóm sản phẩm. Tuy nhiên, kể từ khi nhậm chức, Ballmer đã khuyến khích sự hợp tác giữa các nhóm này hơn. Một ví dụ là giao diện Metro vốn gốc được thiết kế cho Windows Phone đã được áp dụng cho nhóm Windows, Office và Xbox Live.
 
Nhanh chóng khai tử những sản phẩm kém cỏi
 
Ballmer tỏ ra nhạy bén trong việc giữ lại những sản phẩm tiềm năng và khai tử các sản phẩm kém cỏi. Bing mặc dù vẫn đang thua Google Search quá nhiều nhưng vẫn được đầu tư để phục vụ các mục đích chiến lược tương lai của hãng. Ngược lại, những sản phẩm kém cỏi như điện thoại Kin, nhanh chóng bị Microsoft khai tử để tập trung vào 1 nền tảng tốt hơn là Windows Phone. Ballmer cũng khai tử máy nghe nhạc Zune và 1 vài sản phẩm khác. Đây là chính sách khá ngược với Bill Gates khi còn làm CEO. Gates từng cố níu kéo những sản phẩm như đồng hồ công nghệ SPOT hay tablet chạy Windows XP mặc dù công ty không bán được chúng.
 
Chỉnh đốn lịch trình ra mắt sản phẩm
 
Windows Longhorn - tên mã ban đầu của Windows Vista gần như đã nhấn chìm Microsoft. Công ty mất 2 năm phát triển và 5 năm để đưa sản phẩm ra thị trường. Không chỉ bị kêu ca về vấn đề chất lượng sản phẩm, việc trì hoãn ra mắt Vista còn khiến vấn đề với công ty trầm trọng hơn. Hầu hết các công ty lớn mua phần mềm của Microsoft kèm hợp đồng 3 năm với yêu cầu nâng cấp. Khi mà Microsoft không thể đáp ứng yêu cầu đó, chắc chắn uy tín của công ty đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 
 
Trong 5 năm gần đây, lộ trình ra mắt sản phẩm của Microsoft đã đều đặn hơn. Windows, Office và hầu hết các sản phẩm máy chủ đều được nâng cấp bản mới trong vòng 2 hoặc 3 năm. 
 
Hợp tác với Yahoo và Nokia
 
Trước kia, khi quyết định tham gia 1 thị trường mới, Microsoft sẽ đem ra 1 lựa chọn: xây dựng từ đầu hoặc mua lại. Với thị trường tìm kiếm, Microsoft quyết định xây dựng Bing từ đống tro tàn. Ở mảng phần mềm doanh nghiệp, công ty mua lại hãng Great Plains & Navision. Tuy nhiên, dưới thời Ballmer, 1 khái niệm nữa xuất hiện: hợp tác. Sau khi bị Yahoo từ chối mong muốn mua lại năm 2008, 1 năm sau đó, Ballmer đã ngồi xuống bàn đàm phán với CEO Yahoo lúc đó là Carol Bartz để hợp tác trong mảng tìm kiếm, trao đổi bản quyền với công ty này. Năm ngoái, Microsoft hợp tác với Nokia để thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của Windows Phone.
 
Phát triển Xbox
 
Kể từ khi ra mắt Xbox 360 năm 2005, Microsoft luôn coi đây không chỉ là 1 thiết bị chơi game mà sẽ mang lại một trải nghiệm giải trí toàn diện trong phòng khách của người dùng. Tuy nhiên, trong vòng 3 năm đầu tiên, đây dường như chỉ là 1 lời hứa suông. Ballmer chỉ định Don Mattrick lên làm lãnh đạo đội Xbox vào đầu 2010. Kể từ thời điểm đó, Microsoft đã hợp tác với hàng loạt hãng cung cấp dịch vụ TV như ESPN, Comcast, ra mắt Kinect để bổ sung tính năng điều khiển bằng giọng nói và chuyển động. Kể từ đó, Xbox trở thành 1 thiết bị giải trí toàn diện đúng nghĩa hơn như Microsoft từng hứa hẹn.
 
Đầu tư nghiêm túc vào điện toán đám mây
 
Microsoft bàn đến điện toán đám mây từ cả thập kỉ trước nhưng phải đến năm 2008, khi Ballmer nhậm chức, các dịch vụ có thể coi là điện toán đám mây thực sự của công ty mới chính thức ra mắt: BPOS (Business Productivity Online Service - một phiên bản liên kết Exchange và các sản phẩm khác) và Windows Azure (cạnh tranh với dịch vụ Web của Amazon).
 
Ballmer luôn nói tới tầm quan trọng của điện toán đám mây trong các bài thuyết trình. Năm ngoái, Ballmer là người giới thiệu Office 365 - dịch vụ đám mây dành cho doanh nghiệp mới nhất của công ty, trong buổi ra mắt và nhường phần giới thiệu Windows 8 bản Preview cho giám đốc phụ trách Windows là Steven Sinofsky. Ông cũng thay thế Bob Muglia - lãnh đạo lâu năm của mảng Máy chủ và các công cụ (Server & Tools) bằng Satya Nadella, một kĩ sư chuyên về kinh doanh trực tuyến.
 
Bằng sáng chế là 1 vũ khí
 
Quay lại những năm 2000, Microsoft quyết định "gây chiến" với Linux, 1 HĐH mã nguồn mở. Microsoft đã tìm ra các bằng sáng chế mà Linux vi phạm, sau đó tiếp cận các hãng bán lẻ, nhà phân phối các sản phẩm dùng HĐH này để đòi phí bản quyền. Sau khi các hãng này đồng ý trả tiền để tránh bị kiện, Microsoft công bố thỏa thuận mà họ vừa đạt được để tiếp tục đe dọa các công ty khác sử dụng Linux. 
 
Ballmer đã áp dụng chính sách đó trong 2 năm qua đối với Android và kiếm về được không ít tiền. Một báo cáo cho thấy Microsoft kiếm tiền từ Android còn nhiều hơn cả tiền họ thu về từ chính HĐH Windows Phone của mình. Có lẽ đây là 1 trong những nguyên nhân chính mà Google đã phải bỏ ra tới 12,5 tỷ USD để mua lại Motorola nhằm củng cố kho bằng sáng chế, bảo vệ Android và các đối tác.
 
Ít tiết lộ hơn về kế hoạch tương lai
 
Sau khi làm ăn thua lỗ với 1 bản báo cáo tài chính không đạt kì vọng của chuyên gia vào năm 2008, công ty ít tiết lộ hơn về kế hoạch phát triển cho tương lai. Liệu đây có phải là bước đi chiến lược của Ballmer?.