Nhịp sống số

Microsoft Courier: Chết không đúng tội

Quyết định “khai tử” máy tính bảng Courier của Microsoft là đúng đắn, nhưng nguyên nhân đằng sau có hợp lí hay không?

Bí mật vụ Microsoft “khai tử” máy tính bảng Courier xấu số vừa được trang web công nghệ Cnet công bố. Courier, mẫu máy tính bảng hai màn hình gập được xem như “cuốn sổ tay Moleskine điện tử” cao cấp – phiên bản số hóa cho cuốn sổ bọc da chuyên dùng cho ghi chép và phác thảo. Cái chết của Courier khiến nhiều người thất vọng và đặt ra vô số nghi vấn. Bản thân việc hủy bỏ Courier cũng là điều kì quặng, khi sản phẩm chưa bao giờ được công bố chính thức, chỉ biết tới qua những tin tức và đoạn video demo rò rỉ trên trang web Gizmodo lại được Microsoft đích thân xác nhận “qua đời”.

Nhiều chi tiết không được công bố, bao gồm cả quy mô của dự án Courier. Hơn 130 người đã làm việc trong dự án, và mặc dù đội Courier còn xa mới đạt tới sản phẩm phần mềm hay phần cứng cuối cùng, một nguyên mẫu cũng đã được tạo ra nhằm mang lại trải nghiệm Courier ban đầu cho người dùng. Đứng đầu đội phát triển Courier là J Allard, người giúp Microsoft nhận ra tầm quan trọng của Internet, và sau đó trở thành một trong số những nhân vật quan trọng của dự án máy trò chơi điện tử Xbox. Đối đầu với ông là Steven Sinofsky, Chủ tịch mảng Windows và Windows Live. Sinofsky muốn biến Windows thành hệ điều hành máy tính bảng “thần kì”.

Đứng giữa những mục tiêu xung đột, Tổng giám đốc Microsoft Steve Ballmer xin sự trợ giúp từ Bill Gates để đưa ra quyết định: liệu Microsoft có nên khuyến khích Courier khác biệt và cấp tiến hay nâng cấp nền tảng Windows? Gates bàn luận với đội Courier và quyết định: kết liễu Courier, đội phát triển tan vỡ, Windows 8 đại diện cho tương lai của Microsoft trong thị trường máy tính bảng.

Courier “chết” vì Windows và Office

Quyết định của Gates dường như chỉ xoay quanh chức năng e-mail. Allard cho biết Courier không có e-mail, và người dùng có thể dùng smartphone hoặc PC để kiểm tra thư nếu muốn. Courier đơn giản là thiết bị để sáng tạo nội dung, như bản vẽ hay ghi chép, không phải cho e-mail. Cnet hợp lí hóa phản ứng của Gates bằng việc giải thích Microsoft kiếm được hàng tỉ đô từ máy chủ e-mail Exchange, và sản phẩm thiếu vắng e-mail là có vấn đề - một cỗ máy không có e-mail không thể giúp thúc đẩy cấp phép Exchange. Nguồn tin của Cnet cho biết Courier còn không phù hợp với mảng Windows và Office của Microsoft.

Nếu quyết định này thuần túy để bảo vệ Windows và Office, dễ dàng nhận thấy sự không công bằng ở đây. Thiết bị sáng tạo nội dung bổ sung không thực sự cần phải bảo vệ Windows và Office mà chỉ cần hoạt động song song với chúng, và cũng có thể tạo ra thị trường ngách cho chính nó. Tuy nhiên, logic không dừng lại ở đó. Quyết định không bao gồm e-mail luôn gây nghi ngờ, chỉ bởi vì e-mail là thứ mà mọi người chia sẻ. Một thiết bị sáng tạo không thể gửi/nhận nội dung qua e-mail vô cùng đặc biệt, và khác hoàn toàn với phần còn lại của thế giới.

Courier “chết” vì chỉ là thiết bị cố định tính năng

Tuy nhiên, điều này hoàn toàn có thể được tha thứ nếu câu trả lời là “ai đó sẽ viết ứng dụng cho Courier”. Nếu Courier được định vị như nền tảng mở rộng, nơi Microsoft không cần làm mọi thứ và bên thứ ba được phép viết và phát triển ứng dụng, sự thiếu vắng e-mail không còn là vấn đề quá lớn (dù rằng vẫn là quyết định tồi, như máy tính bảng BlackBerry PlayBook không hỗ trợ e-mail). Courier có thể là một phần của hệ sinh thái rộng lớn hơn. Nó có thể là nền tảng. Nhưng với câu trả lời “không, bạn phải thử cái khác”, Courier không thể là nền tảng: nó chỉ là thiết bị với các chức năng cố định, làm chính xác những gì Microsoft lập trình. Không nhiều hơn, không ít hơn.

Ý tưởng đe dọa nền tảng Windows bằng cách thúc đẩy thiết bị giới hạn chức năng không bao giờ cất cánh được. Nền tảng sẽ được áp dụng trên thiết bị. Hãy tưởng tượng đặt Courier bên cạnh máy tính bảng Windows 8 giả định. Courier chắc chắn không thể rẻ hơn Windows 8 – nó vẫn chạy Windows, nhưng lại trang bị màn hình kép và bàn nhập số hóa (kích hoạt nhập bút cảm ứng), vì thế có khả năng còn đắt hơn cả máy tính bảng Windows. Máy tính bảng Windows với ứng dụng đúng đắn có thể làm mọi thứ Courier có thể, thậm chí cung cấp cả giao diện tương tự Courier. Windows còn làm được vô số thứ khác mà Courier không thể, như chạy ứng dụng e-mail, trò chơi, hay bất cứ thứ gì. So sánh với Apple iPad bớt phức tạp hơn: iPad không làm được mọi thứ Courier có thể, bởi iPad không có bàn nhập số hóa. Nhưng iPad làm được nhiều hơn, và rẻ hơn (do chỉ có màn hình đơn, không có bàn số hóa, dùng bộ xử lí ARM), và có mọi ứng dụng.

Nền tảng được sử dụng đa mục đích, trong khi Courier hẹp hơn. Ý niệm của Courier chỉ là thiết bị không khác gì OneNote (chương trình của Microsoft có thể thu thập ghi chép dưới dạng chữ viết tay, đánh máy, hình vẽ, dữ liệu âm thanh và hình ảnh) được tô điểm lại, và chắc chắn luôn chịu lép vế nếu so sánh với các nền tảng thực tế.

Điện thoại KIN cũng chung số phận với Courier

Điện thoại KIN của Microsoft

Courier không phải là ý tưởng thiết bị duy nhất của Allard. Điện thoại KIN cũng được Allard phát triển, và một lần nữa đối đầu với nền tảng khác – Windows Phone. Với trường hợp của KIN, tính năng cố định, không chạy ứng dụng có lẽ không phải là vấn đề, mà chính là ra mắt quá muộn với mức giá quá “chát”. Được xem là điện thoại phổ thông cao cấp thân thiện với mạng xã hội, KIN có thể hiệu quả. Nó có thể thu hút hàng tá người mua tiềm năng vì những gì nó cung cấp. Tuy nhiên, sau 18 tháng chậm trễ, smartphone đã chiếm vị thế vững vàng, và với điện thoại phổ thông có giá ngang smartphone, KIN cầm chắc thất bại.

Pioneer Studios

Bi kịch của KIN và Courier không phải ở sự hủy bỏ, mà là ở cách chúng bị hủy bỏ. Cả hai đội đều bị phá vỡ và tan rã. Pioneer Studios, nhóm làm việc tập trung vào khách hàng bên trong Microsoft đảm nhận hai dự án kể trên đóng cửa. Phản ứng lẽ ra nên tích cực hơn. Với một chút điều chỉnh, Courier có thể nhận được nhiều ngưỡng mộ như ứng dụng Windows thông thường. Vứt bỏ ý tưởng màn hình kép, hoặc bán đi, hoặc đưa vào lại Windows 8. Đó có thể là tính năng ít thu hút, khó trở thành “ứng dụng hủy diệt” của máy tính bảng Windows nhưng Courier bắt mắt, thông minh, và chắc chắn, ít nhất người ta sẽ phải sử dụng nó trong hoàn cảnh nào đó.

Tương tự, KIN cũng có những thành phần trực tuyến thông minh cho phép quản lí, mô phỏng, chia sẻ hình ảnh và video (KIN Studio), và nếu tích hợp chúng vào Windows Live và Windows Phone có thể tăng cường sức mạnh cho sản phẩm và mang lại tính năng độc đáo mà các nền tảng khác không hề có. Tuy nhiên, thay vì điều này, KIN Studio cũng bị dập vùi. Dịch vụ trực tuyến không còn tồn tại.

Khai tử Courier là điều đúng đắn. Microsoft là công ty phần mềm, và sức mạnh lớn nhất của iPhone chính là nền tảng iOS. Nền tảng thực sự có ý nghĩa, và làm tổn hại nền tảng bằng thiết bị chưa bao giờ là đề xuất hợp lí. Tuy nhiên, việc giải thế đội dự án, quyết định đóng cửa Pioneer Studios bất chấp đổi mới tập trung vào người dùng đã khiến thế giới trở thành nơi kém hấp dẫn hơn, và biến tham vọng máy tính bảng của Microsoft trở nên khó thực hiện hơn.