Sự ra đời của máy tính bảng
Đánh dấu bằng “năm của máy tính bảng” – năm 2010 với sự ra đời của một trong những máy tính bảng đầu tiên – JooJoo. Ngay sau đó, hàng loạt các máy tính bảng của hãng khác, như Streak (Dell), iPad (Apple),… cũng đã được tung ra thị trường. Cho đến nay, máy tính bảng đã và đang tạo nên một thị phần riêng và lớn mạnh dần, theo dự đoán có thể “giết chết” cả máy tính bàn, thậm chí là netbook.
Và gần đây nhất, đầu quý IV/2011, FPT cũng đã gia nhập thị trường máy tính bảng giá rẻ, tận dụng thế mạnh của kho ứng dụng Việt F-Store do các lập trình viên và đối tác tại Việt Nam xây dựng, cập nhật thường xuyên. Ngoài ra, nổi bật hơn, phải kể đến Kindle Fire của Amazon, một sản phẩm nhận được sự đánh giá cao của giới công nghệ.
Trên đó chỉ là vài máy tính bảng đã “làm mưa làm gió” ngay từ những ngày đầu ra mắt. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều các máy tính bảng giá rẻ, đáp ứng đủ cho nhu cầu đọc báo, tạp chí trực tuyến. Vì vậy, có thể nói đến lúc này, thị trường máy tính bảng đã phong phú hơn bao giờ hết, và mọi dự đoán về sự tăng trưởng thị phần mạnh mẽ của máy tính bảng là hoàn toàn có cơ sở.
Báo in đang “chết”?
Theo thời gian, máy tính bảng được người dùng đón nhận, và sức hút của nó thật sự là mối đe dọa của nhiều sản phẩm. Như đã nói ở trên, máy tính bản dự đoán “giết chết netbook”. Thật vậy, theo khảo sát của tạp chí iPhone, có đến khoảng 60% người (chưa có laptop) chọn mua máy tính bảng thay vì netbook, hơn 25% sử dụng laptop song song một chiếc máy tính bảng, số còn lại chọn netbook. Tuy nhiên, đối tượng đang thật sự “chết dở” vì sự xuất hiện của máy tính bảng, đó là báo in.
Báo in, sản phẩm đã quá quen thuộc với nhiều người, là kênh cập nhật tin tức mỗi sớm thức dậy. Với những tờ nhật báo (báo phát hành mỗi ngày), như báo Tuổi Trẻ, báo Thanh Niên; và những tờ tạp chí dành đối tượng ít có thời gian cho Internet, như tạp chí Tiếp Thị & Gia Đình, tạp chí Sức Khỏe thì vẫn đang “trụ” khá tốt. Tuy nhiên, đó chỉ là mặt nổi của thị trường báo in tại Việt Nam, thực tế có không ít các tờ báo, tạp chí đã và đang mất dần đọc giả, thậm chí có những tờ báo đã phải thông báo ngừng xuất bản. Đặc biệt là những tờ báo về công nghệ, bởi những người sành công nghệ cũng chính là người có điều kiện đọc tin tức trực tuyến nhất. Và thông tin công nghệ cũng là mảng tin cập nhật theo từng giờ, từng phút, từng giây nên báo in khó mà theo kịp được báo mạng. Đơn cử những tờ báo đã phải ngừng ấn bản là báo Thế Giới @ (phụ trương của báo Người Lao Động), báo Thủ Thuật Máy Tính – PC Tips (của Mediazone Group).
Xu hướng phát triển tạp chí online
Đứng trước nguy cơ này, nhiều báo, tạp chí đã có kế hoạch phát triển dưới hình thức khác, phù hợp với thời điểm hiện tại. Theo đó, thay vì in ra, với nhiều chi phí ở khâu in ấn, vận chuyển, phát hành,… thì mỗi số báo sẽ được số hóa, chẳng hạn đóng gói thành tập tin *.pdf. Sau đó, bán lên những trang trang web phát hành báo in số hóa, hay gửi e-mail tới hàng triệu đọc giả trong “tích tắc”. Với hình thức này, quảng cáo vẫn được đặt trong tờ báo, vẫn bảo đảm doanh thu, nhưng lại tiết kiệm chi phí. Song, hình thức phát hành này chưa phát triển mạnh, cũng như chưa được nhiều người đón nhận. Hiện tại, một trong những tạp chí đã tiên phong theo kiểu phát hành này là tạp chí Siêu Thị Số (DigiMart).
Bên cạnh đó, tạp chí Thế Giới Vi Tính - PC World Viet Nam lại lựa chọn một hướng đi khác. Vẫn duy trì việc phát hành bản in, song song đó, các bài viết sẽ được đồng thời cập nhật lên website của tạp chí để đọc giả xem trực tuyến. Tuy nhiên, muốn xem được tạp chí điện tử này, đọc giả phải đăng ký tài khoản và nhắn tin điện thoại để mua, với giá chỉ khoảng 5.000VNĐ/số báo, rẻ hơn nhiều lần giá của một tờ báo in. Với hai hình thức phát hành như vậy, đọc giả sẽ có thêm lựa chọn khi đọc tạp chí, mà số tiền bỏ ra có thể rẻ hơn, còn tạp chí thì đến được với nhiều đọc giả hơn.
Lời kết
Dù phát hành theo dạng tập tin số hóa, hay dưới dạng một tạp chí điện tử thì đọc giả cũng đều dễ dàng tiếp cận được với nội dung trên tạp chí. Đặc biệt, trong xu hướng thị trường máy tính bảng tăng mạnh như hiện tại, kèm theo tỉ lệ người truy cập Internet, đọc tin tức từ máy tính bảng tăng nhanh cũng là điều kiện rất thuận lợi để mang lại sự thành công cho những hình thức phát hành tạp chí trực tuyến.