-
[Cảm nhận] Máy ảnh Lytro: một trải nghiệm khác biệt
-
Tìm hiểu kỹ hơn về Lytro Camera - "Chụp trước lấy nét sau"
-
Máy ảnh “chụp trước, ngắm sau” Lytro lên kệ
Công nghệ lấy nét sau khi chụp của Lytro tạo nên những bất ngờ thú vị. Tuy nhiên, những chiếc máy đầu tiên xuất xưởng dường như vẫn còn nhiều hạn chế.
Những chiếc máy ảnh Lytro đầu tiên đã chính thức đến tay người dùng từ 29/2/2012. Máy được thiết kế hình chữ nhật có kích cỡ dài x rộng x cao là 4,41 x 1,61 x 1,61 và chỉ nặng 2,41g. Máy không trang bị đèn flash và có thể sử dụng bằng một tay.
Giá xuất xưởng của thiết bị này là 399 USD cho phiên bản màu xanh và xám với bộ nhớ 8 GB, tương đương với 350 bức ảnh. Trong khi đó, phiên bản màu đỏ có bộ nhớ lớn hơn, 16 GB, có khả năng lưu giữ 750 bức ảnh, có giá bán là 499 USD.
Điều khiến công nghệ máy ảnh của Lytro có sự độc đáo và đột phá chính là nhờ khả năng lấy nét sau khi chụp. Muốn ảnh nét ở điểm nào, người dùng chỉ cần thực hiện thao tác cực kì đơn giản là chạm vào điểm đó trên màn cảm ứng của máy ảnh, hoặc click vào các phần khác nhau của ảnh sau khi đã tải ảnh xuống máy tính và lưu trữ dưới dạng file .lpf. Tuy nhiên, hiện tại phần mềm quản lí hình ảnh của Lytro mới chỉ làm việc mới máy Mac.
Rộng hơn, điều thú vị không phải chỉ ở việc chọn 1 điểm lấy nét nào đó, mà là khả năng chọn lần lượt từng điểm lấy nét trên bức ảnh và từ từ khám phá toàn bộ hình ảnh trên bức ảnh đó, và tùy vào sự sáng tạo của người dùng mà họ sẽ có những góc nhìn rất khác nhau trên cùng 1 bức ảnh.
Tuy nhiên, dường như máy ảnh của Lytro vẫn còn khá nhiều hạn chế để trở thành thiết bị thực sự hấp dẫn và phải có với người dùng.
Và dưới đây là 6 điểm máy ảnh Lytro còn có thể cải tiến:
1. Giá thấp hơn, hoặc nhiều tính năng hơn
Thế hệ đầu tiên của máy ảnh Lytro có giá bán khoảng 500 USD với phiên bản 16 GB, và 400 USD với phiên bản 8 GB. Trong phân khúc giá này, người dùng có thể mua được một chiếc DSLR tầm thấp như Canon EOS Rebel T3 hay Nikon D3000 kèm ống kit, Apple iPad 2, hoặc có thể mua điện thoại Samsung Galaxy Nexus và iPhone 4S 16 GB. Nếu so sánh với công nghệ của Lytro, tất cả các sản phẩm nói trên đều đa năng hơn nhiều đối với người dùng.
Vì vậy, nếu chỉ giữ những tính năng như hiện tại, giá bán máy ảnh Lytro nên thấp hơn nữa. Hoặc tốt hơn, họ có thể trang bị thêm một số tính năng khác (sẽ đề cập đến ở phần dưới) thì mức giá bán 400 USD, 500 USD hay thậm chí 700 USD sẽ là hợp lí.
2. Thêm khả năng lấy nét
Máy ảnh Lytro chủ yếu tập trung vào độ sâu của trường ảnh, nhờ vào ống kính một khẩu độ F2.0. Máy ảnh ghi lại hình ảnh chân thực, và khi bạn lựa chọn điểm lấy nét trên hình ảnh, công nghệ của Lytro sẽ làm mờ toàn bộ hình ảnh phía trước hoặc phía sau điểm lấy nét.
Các máy ảnh thông thường cho phép bạn lấy nét toàn dải bằng cách lấy nét ở vô cực, sử dụng chế độ chụp cảnh, hay khép khẩu sâu. Lytro không có chức năng nào tương tự như vậy. Nói cách khác, bạn không có lựa chọn hiển thị hình ảnh nét từ đầu đến cuối tất cả đối tượng trong bức ảnh, trừ phi mọi thứ được chụp ở trong cùng một khoảng cách.
Việc trang bị thêm tính năng lấy nét nhiều điểm có thể sẽ tạo cách biệt lớn hơn giữa Lytro và các máy ảnh thông thường khác. Sẽ rất thú vị nếu có thể chọn nhiều điểm nét cùng lúc trên một bức ảnh, chẳng hạn để các vật thể ở tiền cảnh và hậu cảnh nằm trong vùng nét, còn những thứ khác thì mờ đi.
3. Ảnh JPEG hữu dụng hơn
Hiện tại, ảnh xuất ra của Lytro chỉ được thiết kế cho các tương tác kĩ thuật số. Sau khi lựa chọn điểm lấy nét trong file .lpf và lưu lại dưới định dạng .jpg, bạn sẽ có được hình ảnh với độ phân giải 1080 x 1080 pixel.
Tất nhiên, điều đó có nghĩa là file ảnh sẽ có hình vuông ở độ phân giải 1.17-mgp; trong khi hiện giờ, khả năng chụp ảnh của một chiếc camera tích hợp sẵn trên điện thoại có thể lên đến 41-mgp. Máy ảnh Lytro không cần nhiều “chấm” đến mức đó, tuy nhiên cũng cần phải đủ lớn để ảnh xuất ra (dạng .jpg) có thể sử dụng tốt như một tấm ảnh phẳng.
4. Trang bị màn hình lớn hơn, chất lượng tốt hơn
Với màn hình cảm ứng chỉ có kích cỡ 1,46 inch, máy ảnh Lytro có khung hiển thị quá bé so với bất kì một loại thiết bị nào khác, trong khi người dùng phải sử dụng chính màn hình đó để định vị lại điểm lấy nét cho bức ảnh. Kết quả là, màn hình hiển thị của Lytro không hữu dụng cho các thao tác khác và làm mất đi sự thú vị nếu người chụp muốn chia sẻ hình ngay trên màn hình.
Trong khi đó, dù được trang bị một chip hỗ trợ kết nối wifi, nhưng có vẻ như chức năng này chưa hoạt động. Rất có thể, thế hệ tiếp theo của máy ảnh Lytro sẽ khắc phục được điều này, giúp cho việc chia sẻ hình ảnh trực tiếp cho các thiết bị khác. Tuy nhiên, việc trang bị một màn hình hiển thị lớn hơn, có độ phân giải cao hơn vẫn là một điều rất cần thiết.
5. Các nút điều khiển ngoài tốt hơn
Những thao tác xử lí trên thiết bị của Lytro vô cùng đơn giản khi camera chỉ trang bị một nút bấm chụp, một thanh trượt cảm ứng để điều chỉnh ống kính zoom quang 8X, và một nút tắt nguồn ON/OFF. Thiết kế bên ngoài của Lytro mang đến một sự khác biệt so với những chiếc máy ảnh thông thường. Tuy nhiên, vẻ cổ điển theo kiểu “bắt chước” các mẫu truyền thống của Lytro lại không mang đến sự tiện dụng cần thiết. Điều này nên được thay đổi bằng việc trang bị các phím điều khiển tốt hơn nữa.
6. Khả năng chỉnh phơi sáng (hoặc thêm các hiệu ứng có sẵn)
Các chức năng tùy chỉnh trên Lytro rất đơn giản bởi nó được thiết kế cho những người dùng cần sự giản tiện trong thao tác: họ chỉ cần hướng ống kính về phía đối tượng, bấm nút chụp, và máy ảnh sẽ làm phần còn lại.
Tuy nhiên, Lytro cho ra các bức ảnh “sống” có định dạng file ảnh độc quyền và các file .jpg có độ phân giải thấp, chứ không phải là loại máy ảnh cho phép tạo thêm hiệu ứng trong suốt quá trình xử lí hậu kì. Và vì thế, người chụp cần có thêm các lựa chọn tùy chỉnh tốc độ, khẩu độ, thời gian phơi sáng, và các hiệu ứng sáng tạo có sẵn trong máy.
Từ đó, người dùng có thể tùy ý sáng tạo theo cách kết hợp giữa các hình ảnh có thể tương tác và các xử lí bằng tay theo kiểu truyền thống. Chẳng hạn, có thể thử kết hợp giữa tốc độ chậm và khả năng lấy nét sau, hay có thể thử với các điểm lấy nét khác nhau dựa theo hiệu ứng tia ánh sáng mà bạn thu được khi sử dụng đèn pha ô tô, hay thử ghi các chuyển động nhanh của con người khi lấy nét và không lấy nét để tạo các hình ảnh “ma” hết sức thú vị…
7. Và hơn thế nữa…
Một vài mẫu máy ảnh cho phép chạm vào màn hình cảm ứng để lấy nét sau khi đang quay video (chẳng hạn như Panasonic Lumix GH2), hay thậm chí iPhone 4S cũng có ứng dụng thực hiện điều này. Nhưng bạn chỉ có 1 lần bấm để chuyển vị trí lấy nét này, và nếu như hệ thống tự động lấy nét của máy ảnh tìm kiếm và cho kết quả khác với ý đồ của bạn, nó có thể làm hỏng đoạn video.
Hãy thử tưởng tượng về khả năng cho phép lấy điểm nét giữa các đối tượng ở tiền cảnh và hậu cảnh, lúc đó bạn có thể thử các độ nét sâu khác nhau trong video mà không làm ảnh hưởng đến cảnh gốc. Kích cỡ 1 file ảnh gốc của Lytro thường vào khoảng 15 MB, như vậy các file video cho phép lấy nét sau có thể sẽ rất nặng. Tuy nhiên, điều này cũng rất xứng đáng với những gì Lytro có thể làm được.
Công nghệ chụp ảnh theo trường ánh sáng của Lytro phụ thuộc vào cảm biến được thiết kế đặc biệt và quá trình xử lí ảnh. Đây là 2 yếu tố quan trọng nhất thường thấy trên mọi thân máy, từ máy DSLR, máy PnS, đến máy ảnh tích hợp trên điện thoại. Tuy nhiên, hệ thống Ricoh GXR sử dụng các module chuyển đổi bao gồm cả ống kính, cảm ứng, một bộ xử lí hình ảnh. Và nhờ đó bạn có thể thay đổi những thấu kính khác nhau bên trong máy ảnh. Máy ảnh Lytro hoàn toàn có thể sử dụng module này, và giúp người chụp có cơ hội thử công nghệ chụp ảnh theo trường ánh sáng nhưng dùng một giao diện camera truyền thống, giúp hạn chế bị bó buộc bởi thân máy chỉ có thể chụp ảnh theo trường ánh sáng.