TTO - Chiếc máy ảnh “chụp trước, lấy nét sau” ra đời đã làm sửng sốt cả giới công nghệ. Nhiều ý kiến cho rằng máy ảnh Lytro sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Thế nhưng, thực sự có bao nhiêu phần trăm cơ hội để Lytro tồn tại và thay đổi cục diện thị phần máy ảnh số hiện nay?
Công nghệ mới của Lytro có làm nên một cuộc cách mạng?. Ảnh: internet |
Lytro và công nghệ trường ánh sáng
Ý tưởng về trường ánh sáng đã có từ năm 1908 khi nhà vật lí học người Pháp Gabriel Lippmann sử dụng một dàn vi thấu kính để “thâu tóm” nguyên một trường ánh sáng mà ông gọi là “nhiếp ảnh tích hợp” (Integral Photographs), ghi nhận được hình ảnh ba chiều của bối cảnh. Từ đó, mở ra một hướng đi mới cho các nhà nghiên cứu về sau.
Đến năm 1992, với sự tiến bộ của kĩ thuật số, phiên bản “số hóa” vi thấu kính của Lippmann do Adelson chế tạo đã ra đời, tuy nhiên nó còn rất nhiều hạn chế về chất lượng ảnh. Phải mất 14 năm sau (2006), Ren Ng - một sinh viên của Đại học Stanford hoàn thành luận án tốt nghiệp của mình với đề tài về công nghệ trường ánh sáng. Ông đã tạo ra loại cảm biến mới khác với cảm biến truyền thống, có thể thu mọi hình ảnh rõ nét từ tiền cảnh đến hậu cảnh.
Nội thất bên trong Lytro |
Nhận thấy cơ hội đầu tư mới, các công ty như New Enterprise, Greylock Partners, Associates và K9 ventures đã rót vốn hơn 50 triệu USD để một công ty vỏn vẹn 45 nhân viên mang tên Lytro chào đời, và vị trí CEO không ai khác là Ren Ng. Nhận được sự trợ lực đủ mạnh, Lytro bắt đầu quá trình nghiên cứu, hoàn thiện và tung ra thị trường chiếc máy ảnh “chụp trước, lấy nét sau” như hiện nay.
Với những bức ảnh chụp bằng máy ảnh Lytro, người dùng toàn quyền quyết định điểm lấy nét trên màn hình (điểm nét chính là điểm có độ rõ nét cao hơn các phần còn lại của bức ảnh). Lytro có khẩu độ f 2.0, zoom quang 8x; cảm biến trường ánh sáng 11 triệu tia. Lytro sử dụng thẻ micro USB. Trên thị trường hiện có phiên bản 8GB (có thể chụp được hơn 300 bức) và 16GB.
Đi kèm máy ảnh Lytro là một phần mềm chỉnh sửa, cho phép bạn tự động chỉnh lại tiêu cự trên máy ảnh hoặc máy tính. Định dạng ảnh chụp của Lytro không phải là RAW hay JPEG như các máy ảnh thông thường. Bạn cũng có thể trích xuất ảnh ra dạng JPEG sau khi đã “lấy nét” xong để chia sẻ với mọi người.
Sẽ có một cuộc cách mạng mang tên Lytro?
Nhiều nhận định cho rằng Lytro sẽ tạo ra một “cuộc cách mạng trong lĩnh vực nhiếp ảnh”, giống như cuộc cách mạng điện thoại di động của iPhone. Có thể đấy! Nhưng bình tĩnh và sáng suốt trước một rừng thông tin mang tính chất quảng cáo, bạn nhận ra bao nhiêu phần trăm cơ hội cho Lytro? Quan điểm người viết cho rằng, Lytro chỉ thích hợp với những người hoài cổ hơn là những người yêu nhiếp ảnh hiện đại!
Video giới thiệu Lytro - Nguồn: YouTube |
Điều này nghe có vẻ khôi hài! Tại sao một công nghệ “mới ra lò” như Lytro lại hợp hơn với những người hoài cổ?
Thứ nhất, với một thiết kế khá lạ mắt (dạng ống) và không hỗ trợ nhiều phím chức năng, cũng như chưa hỗ trợ tinh chỉnh tay các thông số như tốc độ, khẩu độ,… liệu nhiếp ảnh gia đương đại hay những người đang dùng DSLR có thể hài lòng và dùng Lytro để sáng tác theo kiểu “ngẫu nhiên”: đưa tay lên chụp và không bận tâm đến việc canh nét. Phong cách chụp “hờ hững” này lại rất giống với trường phái Lomography – dùng những máy ảnh phim cổ đơn giản, chụp tùy hứng không cần quan tâm đến kỹ thuật và phó mặc chất lượng ảnh cho máy ảnh.
Bạn đọc Nhịp Sống Số có thể <>vào đây để trải nghiệm phong cách “chụp trước, lấy nét sau” của Lytro. |
Thứ hai, với khung hình vuông – một loại khung hình của máy ảnh phim cổ đã “tuyệt chủng” từ lâu, tất cả hình ảnh chụp từ Lytro đều … vuông. Người dùng chẳng thể chụp chân dung “đúng chất” với tỉ lệ 4:3 hay chụp phong cảnh với tỉ lệ 16:9, thậm chí là panorama như những máy ảnh hiện nay. Ảnh vuông cũng không phù hợp để hiển thị toàn màn hình trên máy tính và các thiết bị di động như smartphone hay tablet. Hãy tưởng tượng màn hình máy tính của bạn sẽ khó coi như thế nào nếu bạn dùng một bức ảnh vuông để làm hình nền desktop!
Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận mặt lợi của Lytro. Nhất là với nhu cầu “xóa phông” khi chụp ảnh chân dung. Những chi tiết ở tiền cảnh được làm nổi bật rõ ràng so với hậu cảnh đã được làm mờ đi nhiều bởi phần mềm bên trong Lytro – điều mà người dùng khó thể có được với những chiếc máy du lịch nhỏ. Và nỗi lo hình bị mất nét sẽ không còn khi bạn dùng lytro để chụp ảnh, vì lytro có thể tái tạo nét sau khi chụp và làm cho tấm hình trông nghệ thuật hơn.
Kiểm soát nét là tính năng đáng giá nhất làm nên tên tuổi Lytro |
Công bằng mà nói, với một công ty còn non trẻ với nhân lực vỏn vẹn 45 người như Lytro, việc tiên phong ra đời máy ảnh trường ánh sáng là một thành công lớn rất đáng hoan nghênh. Vẫn còn một chặng đường dài để Lytro tiếp tục hoàn thiện và viết nên câu chuyện của riêng mình. Xin dành một tràng vỗ tay dài cho Ren Ng và cho những người làm ra Lytro.
Tôi đặt niềm tin vào công nghệ trường ánh sáng, nhưng không nghĩ hiện tại Lytro sẽ khiến người ta từ bỏ những chiếc máy ảnh số, từ bỏ cả những cỡ ảnh ưa nhìn để làm quen với một cách chụp mới, chỉ để kiểm soát vùng nét tốt hơn.
DUY KỲ ANH