Nhịp sống số

Lộ diện cuộc chiến khốc liệt đằng sau cái chết của Zing deal

Các website mua theo nhóm có thể tự "đào hố chôn mình" nếu ồ ạt đánh chiếm thị phần bằng mọi giá mà hi sinh việc cân đối tài chính và đảm bảo chất lượng deal tốt.

Zing Deal từ bỏ thị trường mua theo nhóm, dù công ty VNG rất có tiềm lực. Vậy tình hình của các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành này hiện như thế nào? Và các bên tham gia mô hình đánh giá thế nào về sự ra đi của Zing Deal?

Những khoản chi chủ yếu của các trang mua theo nhóm

Chi phí của các trang mua theo nhóm chủ yếu tập trung ở các khoản sau: đội ngũ bán hàng và marketing, riêng ở Việt Nam phát sinh chi phí giao nhận và thu tiền tận nơi, do thanh toán điện tử chưa phát triển. Chính vì điều này khiến trang càng lớn thì càng phải tốn thêm tiền thuê đội ngũ giao hàng/thu tiền và đội chi phí tăng lên. Ngược lại với các mô hình bán lẻ hàng hóa trên mạng ở nước ngoài, càng lớn càng tiết kiệm được chi phí hay còn gọi là tính kinh tế của quy mô.

Chính sự cạnh tranh gay gắt giữa 4 trang lớn nói riêng và tổng thể hơn 100 trang của thị trường dẫn đến việc các đối thủ đều chi mạnh cho marketing. Ở hầu hết các trang, chi phí cho marketing chiếm khoảng 50% tổng chi. Cạnh tranh khốc liệt càng làm cho các trang không thể cắt giảm chi phí này, bởi nếu cắt, các deal sẽ tiếp cận được ít khách và khó đạt doanh số cao.

Thêm vào đó, trang nào cũng bắt người dùng khai báo email khi đăng kí và liên tục gửi email giới thiệu các deal mới. Nhưng khi thị trường bão hòa và người dùng có sự “tham” nhất định, nên hòm mail của những người thích mua hàng giảm giá trên mạng lúc nào cũng tràn ngập email từ rất nhiều trang. Tất cả khiến công cụ email của marketing mất đi tính hiệu quả vốn có.

Hàng loạt chiêu quảng cáo, banner trên các trang báo điện tử, diễn đàn cũng được áp dụng để lôi kéo khách hàng, nhiều trang còn tặng tiền cho người dùng nếu họ giới thiệu được khách mua hàng qua facebook, yahoo chat hoặc email.

Chưa hết, các website mua theo nhóm còn liên kết hợp tác với những trang mạng có cộng đồng lớn để phát hành deal trên hệ thống của họ, điển hình là hợp tác của Nhóm Mua với Yahoo Việt Nam, Yume. Một thị trường marketing mới được các trang này sử dụng là các trang tổng hợp deal. Các trang tổng hợp bằng cách gom tất cả các khuyến mại hời của hàng trăm website đã thu hút được một cộng đồng đông đảo. Những vị trí quảng cáo nổi bật trên các trang tổng hợp trở thành tâm điểm săn lùng của các trang mua theo nhóm.

Các trang này cũng phải chịu một khoản phí tổn cho đội ngũ của mình. Đội ngũ này ở các trang top 4 là khá lớn, Cùng Mua khoảng 300 người, Hotdeal và Nhóm Mua theo thông tin không chính thức thì mỗi trang có khoảng trên 500 nhân sự, Mua Chung có khoảng 180 nhân viên.

Nhân sự phụ trách bán hàng đảm nhận việc tìm nhà cung cấp mới, tư vấn và kí hợp đồng với nhà cung cấp, phụ trách kiểm tra chất lượng dịch vụ/sản phẩm, thu xếp việc quảng bá cho deal mình phụ trách. Áp lực cạnh tranh khiến các trang đều phải tăng đội bán hàng lên để mở rộng thị trường, trước khi bị đối thủ chiếm mất.

Nếu như chi phí cho đội ngũ bán hàng là để giành giật các nhà cung cấp, thì chi phí marketing nhằm tác động tới quyết định mua hàng của người tiêu dùng, chi phí giao nhận tăng dần theo quy mô của trang và để đảm bảo người mua nhận được hàng sớm nhất.

Thế mạnh của các trang lớn

Để trở thành một trong tứ đại gia của thị trường trước những chi phí khổng lồ phải bỏ ra, 4 trang đứng đầu đều sở hữu những thế mạnh nhất định.

Nhóm Mua có lợi thế về truyền thông qua trang web nổi tiếng DiaDiem, hơn nữa, công ty mẹ của trang này là MJ Group từng được tuyên bố đầu tư 60 triệu USD, thương vụ từng gây xôn xao làng công nghệ nước nhà. Có lợi thế về vốn và marketing, Nhóm Mua liên tục đánh vào phân khúc giá rẻ để thu hút khách hàng, cộng với chiến lược đẩy mạnh marketing quảng cáo trên rất nhiều báo điện tử và trang mạng nổi tiếng. Vì thế, so sánh trong một số trang dẫn đầu thị trường thì Nhóm Mua có giá hàng hoá bình quân thấp nhất (465.000đ); cùng giá mua deal thấp nhất (154.810đ) (theo nghiên cứu của Đỗ Quang Tú). Trong thời gian tới dự đoán Nhóm Mua sẽ tiếp tục đánh mạnh vào thị trường để giữ vị trí dẫn đầu hiện tại, dù cách này ẩn chứa nhiều nguy hiểm.

Cùng Mua và Hotdeal vốn không được đầu tư mạnh như Nhóm Mua và không có lợi thế truyền thông, vì thế khi đẩy mạnh chi phí marketing, họ có rủi ro cao hơn Nhóm Mua. Nhưng Cùng Mua có quy mô nhỏ và thu phí cao, cho nên ổn định hơn và giảm được những rủi ro khi tăng trưởng. Đại diện trang này cho biết “Cùng Mua có lợi thế về mặt tổ chức hoạt động, đội ngũ nhân sự trẻ và năng động. Hơn nữa, chúng tôi luôn đối diện với sự thay đổi và sẵn sàng thay đổi nên luôn đưa ra được các “offer” hoặc dịch vụ phù hợp với mong muốn của khách hàng vào đúng thời điểm.” Đội ngũ làm Hotdeal có ưu điểm là kinh nghiệm xây dựng trang thương mại điện tử thông qua website Vinabook nổi tiếng.

MuaChung là một đối thủ chiếm thị phần vượt trội ở thị trường Hà Nội và mảng du lịch. Nhưng bà Nguyễn Thu Hiền - Giám đốc điều hành MuaChung cho hay, trang có lợi thế là thu mức phí đủ trang trải, có hệ thống thanh toán điện tử phát triển, giảm được đáng kể chi phí nhân lực giao hàng theo hình thức COD. Hơn nữa, hệ thống quảng cáo của Admicro thuộc VC Corp. – sở hữu mạng lưới quảng cáo các website phủ tới 30 triệu độc giả. Nên VC Corp. có thể tận dụng không gian quảng cáo chưa có người mua để quảng bá cho MuaChung, vì thế chi phí marketing là 0. Bà Hiền khẳng định quan điểm kinh doanh của trang được quán triệt từ trước tới nay là lâu bền, chắc chắn, sử dụng nền tảng chi phí thấp để tồn tại lâu dài và đảm bảo chất lượng cao để khách hàng quay trở lại. Bộ máy không chạy đua với sản lượng nếu không đảm bảo 2 tiêu chí trên.

Người trong cuộc nói gì về sự ra đi của Zing Deal

Đại diện Cùng Mua đánh giá: “Mỗi công ty có định hướng hoạt động và mục tiêu khác nhau. Việc Zing Deal dừng hoạt động có thể do họ có hướng đi mới trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử. Zing Deal dừng hoạt động không ảnh hưởng đến hoạt động của Cùng Mua. Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất tiếc 1 đối tác lớn và có tiềm năng rời bỏ thị trường. Nó cho thấy chúng tôi phải nỗ lực hơn nữa để luôn giữ vững định hướng và các mục tiêu của mình”.

Trong khi đó bà Hiền - Giám đốc điều hành MuaChung cho rằng: Tuy có tiềm lực lớn về truyền thông, có vốn lớn và nhân sự trên toàn quốc mà Zing vẫn phải đóng cửa Zing Deal, rút khỏi cuộc chơi "nổi tiếng" này. Điều đó chứng tỏ là kinh doanh trong lĩnh vực này không dễ, thậm chí có thể nói là rất khó. Hơn nữa, các trang tham gia thị trường rất dễ bị lỗ, mà một khi đã lỗ thì sản lượng càng lớn thì lỗ càng lớn. Nhà đầu tư cần gây áp lực các nhà quản lí cân nhắc kĩ lưỡng giữa mục tiêu sản lượng, thị phần với mục tiêu lợi nhuận. Các nhà đầu tư cho website mới hoặc đầu tư tiếp vào công ty cũ cần coi chỉ số lợi nhuận là chỉ số quan trọng để tồn tại lâu dài thay vì nhìn vào doanh số, sản lượng.

Ngoài ra theo nhận định riêng của bà Hiền, nhiều trang lớn đang chơi lỗ, thậm chí lỗ nặng để giành thị phần.

Bà Trương Tố Linh, đại diện Hotdeal nhận định sự ra đi của Zing Deal chưa ảnh hưởng tới thị trường, vì trang này chỉ nắm giữ 1% thị phần. Tuy nhiên, bà nhìn nhận "Đây cũng là một tín hiệu tốt cho mọi người thấy rằng, thị trường kinh doanh theo nhóm là một cuộc chơi đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc và quyết tâm lớn, có quan điểm đúng đắn chứ không phải ai cũng làm được".

Một chuyên gia trong ngành cho rằng cuộc chơi này cần sáng suốt, chiếm thị phần bằng mọi giá như kiểu chơi lỗ mà Nhóm mua, Hotdeal đang làm một mặt có thể giúp phát triển rất nhanh, nhưng không cẩn thận thì chẳng khác gì "tự đào hố chôn mình" có thể khiến công ty phá sản.

Ở phía các nhà cung cấp, anh Dương Toàn Thắng, quản lí cửa hàng Le Tokyo Baum từng hợp tác bán sản phẩm trên Zing Deal và nhiều website mua theo nhóm khác cho biết “Mình hài lòng về dịch vụ của Zing Deal vì thanh toán nhanh. Tuy Zing Deal đóng cửa nhưng mình vẫn yên tâm về mô hình và sẽ tiếp tục hợp tác với các trang mua theo nhóm vì lượng khách hàng của các bạn ấy rất lớn và mỗi trang đều có lượng khách hàng riêng. Mình sẽ sử dụng hết các trang để có được đủ lượng khách hàng cần thiết cho cửa hàng.”

Anh Thắng cũng bày tỏ mong muốn rằng các trang mua theo nhóm khi làm việc nên có bản quy trình chi tiết để nhà cung cấp có thể biết những việc cần chuẩn bị và hẹn thời gian làm việc cụ thể. Anh cũng cho biết tiêu chí chọn đơn vị hợp tác của anh là những trang lấy hoa hồng thấp và có lượng người dùng nhất định, đảm bảo tiêu chí cửa hàng.

Như vậy, sự ra đi của Zing Deal chưa ảnh hưởng nhiều tới thị trường, nhưng là dấu hiệu của sự không lành mạnh về tài chính, là tiếng chuông cảnh tỉnh cho các tay chơi đang tham gia cuộc đua mua hàng theo nhóm khốc liệt. Các nhà đầu tư khi rót vốn vào mô hình này sẽ cẩn thận hơn và riết ráo với các trang để cân bằng bài toán lợi nhuận và doanh số. Hơn nữa, Zing Deal ngừng hoạt động cũng không gây giảm sút niềm tin của các nhà cung cấp vào mô hình này, nhưng họ sẽ thận trọng và hợp tác với những trang có lượng người dùng và uy tín.

Theo TTVN