Nhịp sống số

Liệu 17.000 bằng sáng chế có thể giúp Android chiến thắng?

Liệu 17.000 bằng sáng chế có thể giúp Android chiến thắng?
Có thể nói hệ thống bằng sáng chế ngày nay hoàn toàn không còn phù hợp nữa. Các công ty lớn liên tục đâm đơn kiện nhau. Thậm chí Google đã phải lên tiếng về “một chiến dịch to lớn nhằm chống lại Android từ Microsoft, Oracle, Apple và các công ty khác qua những bằng sáng chế giả mạo”. Hiện Android đang lâm vào 1 tình cảnh khó khăn trên thị trường pháp lý khi mà hơn 50% thiết bị phải trả phí bản quyền cho Microsoft, Apple thì đang đâm đơn kiện nhằm cấm bán các thiết bị HTC và Samsung còn chính Google cũng vướng vào các vụ kiện với Oracle và BT.
 

 

 

Tích trữ vũ khí

 

Việc sửa đổi hệ thống bằng sáng chế không thể là chuyện 1 sớm 1 chiều được, vì vậy các công ty chỉ còn 1 cách là tự bảo vệ mình mà thôi. Thực tế thì không thể nào sản xuất ra 1 mẫu điện thoại mà không vi phạm bằng sáng chế của công ty khác cả - dù vô tình hay cố ý. Và điều mà 1 công ty cần làm là đừng vi phạm “quá rõ ràng” và phải có sẵn trong tay 1 số lượng lớn bằng sáng chế để nếu có bị kiện thì còn có thứ mà đáp lại. 1 cách đơn giản thì đó là 1 cuộc chiến pháp lý mà bằng sáng chế chính là “vũ khí sống còn”.

 

Google cũng hiểu rõ điều đó và đó chính là lý do họ bỏ tận 12,5 tỉ USD để mua lại Motorola Mobility và 17.000 bằng sáng chế của hãng. Hiện vụ mua lại này vẫn đang chờ được Mĩ và Châu Âu thông qua. Nếu được thông qua thì có lẽ cục diện của cuộc chiến pháp lý sẽ có sự thay đổi lớn với 18 bằng sáng chế “đắt giá” về dịch vụ vị trí, thiết kế ăng ten, thao tác cảm ứng, quản lý ứng dụng, trao đổi email, 3G của Motorola mà Google mua được.

 

Apple và Microsoft vẫn đang đẩy mạnh các vụ kiện với Android và các nhà sản xuất trên khắp thế giới. Kết quả giờ đây là 1 số sản phẩm HTC đã bị cấm bán, Galaxy Tab của Samsung cũng phải thay đổi thiết kế, hơn 50% số sản phẩm Android phải trả từ 5 – 15 USD phí bản quyền cho Microsoft… Có lẽ hơn ai hết, Google là người mong ngóng vụ mua lại Motorola được thông qua càng sớm càng tốt để có thể “trợ chiến” với các đối tác chiến lược của mình. Rõ ràng chỉ khi Google có trong tay bằng sáng chế thì Apple và Microsoft mới kiêng dè mà rút lại đơn kiện bởi cả 2 công ty này có trong tay rất nhiều các bằng sáng chế có giá trị.
 

 

Các phán quyết bất lợi

 

Từ khi cuộc chiến pháp lý bắt đầu, Android luôn là phía gặp phải nhiều phán quyết bất lợi nhất. Mới đây lại thêm Motorola bị phán vi phạm bằng sáng chế của Microsoft và rất có thể Motorola sẽ phải trả phí bản quyền cho Microsoft nếu không có thay đổi gì đáng chú ý trong phiên xử tiếp theo. Trước đó, cả Samsung và HTC đều thua kiện Apple và bị buộc phải thay đổi thiết kế (với Galaxy Tab) và loại bỏ tính năng (với HTC) nếu muốn tiếp tục được bán sản phẩm.

 

Thực tế thì điều này cũng không hoàn toàn là tiêu cực. Từ thất bại của Samsung và HTC, các nhà sản xuất khác có thể rút ra kinh nghiệm và tránh vi phạm bằng sáng chế này của Apple. Tuy nhiên Android vẫn còn đó những mối đe dọa khác. Vụ kiện của Oracle với Google về Java vẫn chưa đến hồi kết nhưng phần thắng rất có thể sẽ thuộc về Oracle. Rồi gần đây nhất là vụ kiện của British Telecom – 1 nhà mạng lớn của Mĩ – buộc tội Android vi phạm 6 bằng sáng chế của hãng. 1 công ty chuyên kiện cáo bằng sáng chế nữa là Digitude Innovations có vẻ như đã nhận bằng sáng chế từ Apple và kiện cả Android lẫn RIM. Dường như Android đang lâm vào cảnh “4 mặt là thù”.
 

 

Đáp trả như thế nào?

 

Bị dồn vào thế bị động, Google buộc phải hành động. Hãng đã chuyển giao 1 số bằng sáng chế cho HTC để nhằm giúp công ty này thắng được vụ kiện với Apple. Nhưng như thế vẫn là chưa đủ, nếu Android thua 1 trong các vụ kiện trên thì họ sẽ phải làm thế nào? Liệu có có thể thiết kế lại mà vẫn không vi phạm hay không?

 

Trái với cách nghĩ chặt chẽ của Apple và Microsoft khi mà mỗi sản phẩm đều trang bị đầy đủ bằng sáng chế, Google chưa thực sự hiểu được tầm quan trọng của các bằng sáng chế này mà đã vội vàng bước vào làng smartphone và giờ đây hãng đã phải trả giá. Có lẽ Google sẽ phải học hỏi Red Hat – 1 công ty mã nguồn mở nhưng vẫn tập hợp đầy đủ các bằng sáng chế, biết phải dàn xếp khi cần thiết thay vì tiếp tục châm ngòi cho cuộc chiến và cũng biết cách tấn công mạnh mẽ khi những điều quan trọng bị đe dọa.

 

17.000 bằng sáng chế của Motorola có lẽ sẽ đủ để cứu được Google và đưa hãng thoát khỏi cuộc chiến này, nhưng dù sao thì những thiệt hại cũng đã xảy ra. Thực tế thì có lẽ trong 17.000 bằng sáng chế này có những bằng sáng chế lớn có thể khiến Apple và Microsoft phải “lao đao”, nhưng nếu sáng suốt thì thay vì sử dụng chúng để “trả đũa”, Google nên dùng chúng để thương lượng với Apple và Microsoft. Sẽ chẳng có nghĩa lý gì khi mà các sản phẩm Android tiếp tục phải trả phí bản quyền cho Microsoft trong khi Google đâm đơn kiện 2 hãng lớn này. Rõ ràng người thua thiệt sẽ chính là Google bởi mục tiêu của Microsoft và Apple chính là đẩy giá bán Android lên nhằm giảm thị phần của hệ điều hành này. Hơn nữa, nếu tiếp tục kiện thì cả 2 bên sẽ lại đều vi phạm bằng sáng chế của nhau, lại sửa đổi và kết quả là những sản phẩm của chúng ta sẽ chẳng thể nào tân tiến nổi.

 

Hi vọng rằng Google sẽ có lựa chọn hợp lý một khi vụ mua lại Motorola được thông qua để cuộc chiến tranh pháp lý này sẽ đi đến hồi kết thay vì lại nóng lên từng ngày.