Các cơ quan tình báo tại Anh, Úc và Mỹ không cho phép sử dụng máy tính Lenovo trong nội bộ tổ chức do lo ngại lỗ hổng trong thiết bị có thể bị lợi dụng.
Lenovo hiện là hãng sản xuất máy tính hàng đầu thế giới. Ảnh: Bloomberg
Các doanh nghiệp Trung Quốc từ lâu đã bị các cơ quan chính phủ quốc tế nghi ngờ, gần đây nhất là Huawei, ZTE bị điều tra cả ở Mỹ và Anh. Lenovo đang từng bước phát triển, trở thành hãng sản xuất máy tính hàng đầu thế giới, tuy nhiên, sự ưa chuộng của người tiêu dùng không đồng nghĩa với việc Lenovo thoát khỏi sự “săm soi” của chính phủ.
Lệnh cấm nội bộ máy tính Lenovo kể trên dự kiến có thể mở rộng ra nhóm 5 quốc gia: Úc, Canada, New Zealand, Anh và Mỹ do các cơ quan tình báo của họ đều có liên kết mạng lưới với nhau.
|
Theo tờ báo Australian Financial Review (AFR), nguồn tin từ tình báo và quốc phòng khẳng định lệnh cấm được tiến hành từ giữa những năm 2000 “sau khi thử nghiệm tại các phòng thí nghiệm chuyên sâu cáo buộc lỗ hổng phần cứng và phần mềm trong thiết bị Lenovo”. Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Úc cũng xác nhận từ trước đến nay, máy tính Lenovo chưa bao giờ được phép sử dụng trong mạng lưới tuyệt mật của tổ chức.
Lệnh cấm nhấn mạnh tới nỗi lo về nguy cơ bảo mật gây ra bởi mạch độc hại và firmware không an toàn trong chip do các công ty Trung Quốc sản xuất (firmware là là phần mềm nhớ trong bộ nhớ chỉ đọc (ROM-Read Only Memory) chứa các thủ tục khởi động, lệnh vào/ra ở mức thấp). Chi tiết những khám phá vẫn đang được giữ bí mật song các lỗ hổng này có thể bị lợi dụng để điều khiển máy tính từ xa.
Ngoài ra, một mối lo ngại khác là Lenovo có liên quan tới chính phủ Trung Quốc. Học viện Khoa học Trung Quốc nắm giữ cổ phần đáng kể trong Legend Holdings, một cổ đông lớn của Lenovo. Trả lời AFR, Lenovo cho biết không nắm được thông tin gì về lệnh cấm.
Đọc thêm: Huawei: "Sặc mùi" Trung Quốc