Sony, Asus, Dell và nhiều tên tuổi khác hàng trình làng hàng chục laptop mới. Tuy nhiên, thị trường vẫn trầm, các nhà bán lẻ đang đợi đến mùa khai trường để tăng doanh số.
Dòng Vaio trong tuần này vừa đổ bộ 3 nhóm laptop mới gồm S, E và T với nhiều cấu hình khác nhau. Tổng cộng trên 10 sản phẩm từ Sony có mức giá từ 13 đến 36 triệu đồng. Ngoài nhóm cao cấp, năm nay, hãng điện tử Nhật Bản có nhiều laptop giá "mềm" hơn. Mẫu ultrabook Vaio T với giá từ 19 triệu của hãng cũng bắt đầu xuất hiện.
Các nhà sản xuất rầm rộ mang laptop mới ra thị trường. Ảnh: Quốc Huy. |
Laptop mới tập trung mạnh ở nhóm trung cấp, nơi hàng loạt các thiết bị từ Asus, HP, Dell, Acer... rộn ràng có mặt trên các kệ hàng từ cuối tháng 6. Đây là thời điểm máy tính xách tay mới về nhiều nhất từ đầu năm. Theo số liệu của hệ thống Thế Giới Di Động, trên dưới 50 thiết bị mới vừa có mặt trong một tháng qua.
Máy tính sử dụng vi xử lý Ivy Bridge của Sony, Asus đã xuất hiện sau khi được giới thiệu. Nền tảng Intel Core i thế hệ ba được quảng bá cho hiệu năng mạnh hơn. Một số đại lý lớn tại TP HCM cho biết, laptop mới nên chưa đo được hiệu ứng người dùng. So với các nền tảng trước, Ivy Bridge có mặt trên nhiều laptop giá tốt hơn.
Xu hướng laptop giá rẻ đang phổ biến. Nếu như netbook hiếm gặp, thì các sản phẩm có màn hình 14 inch, chạy chip Intel Core i3 cũ với mức giá 8 đến gần 10 triệu khá nhiều. Một nhân viên bán hàng tại Hoàn Long (đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP HCM) cho biết, so với năm ngoái, người dùng có thể sở hữu nhiều thiết bị có chip Intel Core i mà trước đây chỉ mua được Celeron hay Pentium với mức dưới 10 triệu.
Tuy nhiên, laptop mới xuất hiện nhiều nhất ở nhóm 10 đến 15 triệu. Đây là mức giá được các nhà bán lẻ công bố là chiếm thị phần cao nhất, đặc biệt tầm 13 triệu cấu hình tốt và không cài hệ điều hành. Từ Acer, HP, Dell đến Asus, Sony, Samsung người dùng có thể bắt gặp nhiều model có kiểu dáng mỏng thời trang, màn hình từ 12 đến 15 inch và hỗ trợ đồ họa.
Tuy nhiên, trái với khung cảnh rực rỡ trên các kệ hàng với banner, tờ rơi thiết bị mới, doanh số laptop vẫn đứng im từ đầu mùa hè. Tương tự điện thoại, máy tính bảng, laptop không phải là thiết bị được mua nhiều trong nửa đầu năm nay.
Anh Quang Thịnh, quản lý nhóm laptop tại một siêu thị trên đường Cách Mạng Tháng 8, quận 3 cho biết, doanh số máy bán ra chậm hơn các năm trước: "Đây chưa phải là thời điểm máy tính xách tay tiêu thụ tốt, thị trường có thể khởi sắc hơn từ tháng 8, khi mùa tựu trường bắt đầu".
Laptop bán chậm khiến nhiều cửa hàng phải bán thêm các mặt hàng khác. Khu vực Bùi Thị Xuân, Tôn Thất Tùng, quận 1, TP HCM, trước đây là nơi chuyên bán máy tính thì hiện nhiều cửa hàng đã trả mặt bằng hoặc chuyển sang kinh doanh phụ kiện cho di động, loa máy tính. Ngay cả các siêu thị lớn tại TP HCM cũng đang gặp khó khăn do mặt hàng máy tính bán ra chậm.
Theo các nhà bán lẻ, máy tính xách tay đang bị tablet, smartphone cạnh tranh. Người dùng đang có xu hướng chọn thiết bị di động để lướt web, chơi game. Các nhà sản xuất đang thay đổi khi giới thiệu các sản phẩm mỏng, nhẹ hơn như ultrabook, MacBook Air. Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm này có mức giá cao, trong khi máy tính xách tay bán được ở Việt Nam thường dưới 15 triệu đồng.