Lỗi double click là lỗi khá phổ biến đối với chuột máy tính, đồng thời nó cũng khiến người dùng vô cùng tức tối và đôi lần bạn ước rằng nó hỏng luôn cho rảnh nợ.
<>
Dù bạn đang sử dụng một con chuột cao cấp của các hãng nổi tiếng hay sử dụng 1 con chuột bình dân thì sau một thời gian sử dụng, con chuột của bạn sẽ mắc phải 1 lỗi vô cùng khó chịu là double click hay có thể hiểu là lỗi nháy đúp chuột.
Những chuột bị lỗi này vẫn có thể sử dụng hoàn toàn bình thường, không hỏng hóc để buộc bạn phải rút hầu bao ra tậu con chuột mới. Nhưng nếu cứ sử dụng như vậy, bạn sẽ cảm nhận được thảm họa khi bạn mở nhiều cửa sổ chương trình 1 lúc. Khi muốn đóng 1 cửa sổ bạn click 1 lầm vào nút close trên góc màn hình nhưng do lỗi chuột bạn đã đóng luôn cả cửa sổ nằm bên dưới. Nếu cửa sổ bên dưới là 1 chương trình gì đó quan trọng mà bạn đang sử dụng thì hậu quả có lẽ ai cũng tự hiểu được.
Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn các bạn cách để có thể xử lý loại lỗi cực kì khó chịu này với giá thành không đáng kể, chỉ cần bạn khéo tay 1 chút.
Đối với chuột bị double click nhẹ
Những loại chuột bị double click nhẹ là loại mà nút chuột chỉ bị bám bụi bẩn lâu ngày và bạn vẫn có thể nghe thấy được tiếng lách tách của chuột khi bấm. Những loại chuột chưa bị nặng thì bạn không cần thiết phải thay thế gì mà chỉ cần 1 loại nước có áp lực mạnh, để loại bỏ bụi bẩn và đặc biệt là dung dịch này không được dẫn điện. Và đó là loại dung dịch tẩy gỉ sắt RP7 có bán rất nhiều trên thị trường.
Đối với các loại chuột bình dân như Mitsumi thì hầu như chuột chỉ được cố định bằng 1 con ốc duy nhất, con ốc này thường nằm bên dưới các loại tem bảo hành nên dù sao các bạn cũng chỉ nên làm việc này khi con chuột của bạn đã hết hạn bảo hành. Khi mở được con vít này các bạn sẽ dễ dàng mở được nắp chuột và thấy ngay những công tắc hình chữ nhật chính là các nút bấm của chuột.
Đối với các loại chuột cao cấp thì việc mở nắp chuột phức tạp hơn 1 chút. Vì các loại chuột này đều được thiết kế rất cẩn thận và có rất nhiều vít giữ vỏ, đồng thời những con vít này cũng không hề lộ ra ngoài để bạn mở. Mà nó được giấu rất kĩ bên dưới các mảnh feet của chuột. Feet chuột chỉ được quan tâm ở các loại chuột cao cấp, đây là phần đế sẽ tiếp xúc với bề mặt di của chuột, nhờ đó phần vỏ dưới của chuột sẽ không bị ăn mòn trong quá trình sử dụng. Feet chuột thường được chế tạo bằng loại nhựa Teflon có độ trơn bề mặt cực cao nên có thể làm giảm ma sát giữa chuột và bề mặt di).
Nếu để ý kĩ thì các loại chuột cao cấp đều để chừa ra 1 vị trí khuyết trên chỗ đặt feet để bạn có thể dễ dàng luồn những vật nhọn vào để gỡ feet tránh làm rách hay xước feet.
Vị trí tháo feet chuột.
Hãy sử dụng 1 vật nhọn và mỏng để bóc lớp feet này lên, chú ý khi bóc bạn phải luôn kéo về phía đang bóc và nhấc dần lên, nếu cầm 1 đầu của feet rồi kéo ngược lại thì đoạn feet đó sẽ bị cong và mất rất nhiều thời gian để làm phẳng lại sau khi sửa.
Sau khi tách được hoàn toàn feet lên tốt nhất là nó vẫn giữ được hình dạng phẳng và không bị cong vênh. Nếu đã có biến dạng trên feet thì bạn nên tìm 1 bề mặt phẳng đặt feet lên rồi đè vật nặng lên trên trong thời gian sửa chữa để không mất thời gian khi lắp lại.
Làm tương tự với các mảnh feet còn lại trên chuột để lộ hết các vị trí bắt vít cần tháo.
Lần lượt mở tất cả các vít có trên mặt đáy của chuột.
Đặt nghiêng chuột và nhẹ nhàng tách phần nắp trên của chuột ra. Đoạn này các bạn cần lưu ý 1 chút đó là các loại chuột chơi game cao cấp thường có đèn led và các nút phụ nằm trên phần nắp của chuột, nên thường sẽ có 1 đoạn cáp mỏng để nối giữa nắp và phần đế. Vì vậy các bạn chú ý không giựt mạnh nắp ở đoạn này vì có khả năng làm hỏng dây nối.
Nhẹ nhành mở nghiêng nắp trên và bạn sẽ thấy đoạn cáp nối giữa phần đế và phần nắp chuột.
Dùng nhíp nhẹ nhàng nhấc cáp khỏi mặt dưới của chuột, chú ý nhấc đều trên toàn bộ diện tích của đoạn cáp, không nên cặp tại 1 vị trí sẽ dễ làm cáp bị rách.
Cuối cùng thì bạn cũng tháo thành công phần nắp của 1 loại chuột chơi game, và thấy được vị trí nút chuột để xử lý lỗi double click.
Dùng thuốc đặc trị bệnh double click loại nhẹ là dung dịch RP7 với giá khoảng vài chục nghìn đồng cho bình loại nhỏ.
Đặt ống xịt vào vị trí nút bấm màu trắng trên chuột và xịt 1 chút. Áp lực của bình sẽ khiến bụi bẩn bị cuốn ra theo các khe bên dưới nút chuột đồng thời dung dịch này cũng có thành phần là dầu nên nó bôi trơn luôn các vị trí di động của nút chuột. Mặc dù các phím còn lại không bị lỗi nhưng nhân tiện bạn cũng nên xịt luôn để phòng bệnh sau này.
Dùng 1 mảnh vải mềm vừa lau vừa nháy nút chuột để dung dịch thấm vào bên trong. Vì dung dịch này rất nhanh bay hơi và cũng không dẫn điện nên bạn có thể yên tâm sử dụng ngay sau khi xịt mà không sợ vấn đề chập cháy gì xảy ra cả.
Vậy là hoàn thành phần xử lý lỗi double click nhẹ, các bạn cắm lại đoạn cáp mỏng nối với nắp rồi vặn vít và dán feet lại như cũ, sau đó cắm lại vào máy và xem kết quả sau khi khắc phục sự cố.
Đối với chuột hỏng nặng (cần thay nút bấm)
Các loại chuột hỏng nặng là những con chuột phím bấm đã không còn phát ra tiếng kêu lách tách vốn có nữa (có thể do người sử dụng bấm quá mạnh tay khiến lò xo siêu nhỏ bên trong nút chuột bị mất đàn hồi hoặc rời khỏi vị trí ban đầu và luôn ở trạng thái đóng mạch, vì vậy bạn chỉ cần đặt nhẹ ngón tay lên chuột là chuột đã nhận 1 click. Những nút chuột thế này chỉ còn cách duy nhất là thay thế bằng nút chuột khác.
Với những loại chuột bình dân, các bạn có thể lấy nút ở 1 con chuột hỏng mạch. Còn với các loại chuột cao cấp bạn có thể mua riêng nút tại 1 số cửa hàng chuyên bán game gear cho game thủ ví dụ như ở ICY Shop mặc dù giá cả ở đây không mấy hấp dẫn. Một nút bấm dùng cho chuột chơi game có giá khoảng 20 nghìn đồng.
Để thay được nút chuột bạn cần chuẩn bị 1 chiếc mỏ hàn nhiệt và thiếc hàn, đồng thời đây cũng là phần yêu cầu tới 1 chút kỹ thuật nên tốt nhất bạn nên tập làm trên các loại chuột rẻ tiền trước khi có ý định tiến hành trên các loại chuột đắt tiền khác. Đầu tiên các bạn cần tháo bỏ toàn bộ phần vỏ của chuột chỉ để lại phần mạch điện.
Bạn cần cố định bảng mạch này trên 1 giá kẹp hoặc nhờ người khác giữ để xử lý vì khi làm bạn sẽ cần sử dụng đến 2 tay.
Bạn dùng 1 vật mảnh đặt xuống phần giữa đáy nút và bảng mạch với xu hướng đẩy nhẹ tay để bẩy nút lên khỏi bảng mạch. Tay còn lại các bạn dùng mỏ hàn di chảy đều 3 chân của nút chuột vừa làm chảy thiếc trên chân chuột vừa đẩy nút lên bằng tay còn lại.
Khi nút chuột đã gần tách khỏi bảng mạch bạn có thể dùng tay để kéo thay vì dùng que sắt để bẩy.
Và đây là kết quả sau khi tách xong nút chuột bị hỏng trên chuột.
Tiếp theo bạn lấy nút chuột mới lắp vào vị trí của nút vừa được tháo, chú ý là bạn cần tẩy sạch phần thiếc bám trên bảng mạch để hở ra 3 lỗ của nút rồi mới lắp nút mới vào. Để đẩy sạch phần thiếc thừa này các bạn có thể nung nóng phần thiếc ở đây rồi gõ mạnh cả bảng mạch xuống bàn, phần thiếc bị nung nóng sẽ văng ra hết, hoặc an toàn hơn bạn có thể sử dụng súng hút thiếc có thể mua ở những địa điểm bán đồ linh kiện điện tử hoặc khu điện tử của "chợ giời".
Cuối cùng là dùng thiếc hàn di lại vào vị trí chân của chuột để nối chân chuột lại như cũ.
Một điểm cần lưu ý khi lắp nút mới vào bảng mạch của chuột đó là đôi lúc bạn xử lý phần thiếc trên lỗ chân chuột chưa kĩ nên khi cố ấn nút mới vào, 1 số chân sẽ kéo đứt cả phần mạch đồng trên bảng mạch. Vấn đề này thường chỉ xảy ra với các bảng mạch của chuột thấp cấp, nhưng khi gặp phải vấn đề này các bạn cũng không cần thiết phải hoảng hốt. Bạn có thể nhìn trên bảng mạch đường đi của mạch và nhận thấy rằng có rất nhiều chân cắm có thể trùng với vị trí của chân bị đứt, hãy dùng 1 sợi dây đồng nhỏ và hàn tắt từ chân chuột xuống vị trí trùng đó.
Nếu chân chuột bị đứt nằm ở 1 trong các vị trí tô đỏ thì bạn có thể nối dây từ chân chuột đến chân của bất cứ linh kiện nào trong các điểm khoanh đỏ.
Ví dụ như 1 bảng mạch in như trên thì các vị trí khoanh đỏ đều dính liền với nhau, nên bạn có thể đấu thẳng vào các chân của linh kiện tại vị trí như thế.
Sau khi xong việc bạn lại lắp đặt lại như cũ và cùng trải nghiệm cảm giác dễ chịu sau bao tháng ngày gần như phát điên vì lỗi click đúp của chuột.
Chúc các bạn thành công!