Chúng ta vẫn biết thể loại yêu thích của các tay máy nghiệp dư mới chơi dSLR vẫn là chân dung ngoài trời. Thường thì ban đầu, hầu hết đều rất hứng khởi chụp cho đã tay mà không để ý nhiều tới ánh sáng có phù hợp không; mà đó mới là vấn đề chính. Hình chụp nếu không chăm chút về ánh sáng, hướng sáng … trông rất lỳ, khó gây được ấn tượng.
Sử dụng ánh sáng tốt sẽ giúp:
- Khuôn mặt sáng một cách tự nhiên, ánh sáng có hướng chứ không bị bẹt. - Các đường viền cơ thể nổi bật trên nền hậu cảnh sẫm, nhất là mái tóc, thường hay gọi là lên ven (edge light) - Mắt có điểm bắt sáng (catch light) tạo cảm giác mắt tròn, long lanh và ướt
Hắt sáng ở vị trí 10h cho bóng đổ và điểm sáng trong mắt tự nhiên
Bài viết này tập trung vào việc sử dụng tấm phản quang (hắt sáng), một giải pháp rẻ tiền mà hiệu quả. Đây là một trong những biện pháp khá lý thú trong cuộc chơi ánh sáng. Ngoài ánh sáng tự nhiên, một cách khác là dùng đèn rời (strobist) giúp chủ động hơn, nhưng là giải pháp tốn kém và đòi hỏi am hiểu kỹ thuật, sẽ bàn trong một bài khác. Nhược điểm của việc sử dụng tấm phản quang là phải có người cầm, dĩ nhiên đi theo nhóm thì đây không phải vấn đề lớn, mà nếu có tiền mua thêm chân chuyên đỡ hắt sáng thì cũng khá chuyên nghiệp rồi.
Để có hiệu quả ven tốt và tránh nheo mắt khi bị mặt trời chiếu thẳng, ta thường xếp mẫu xoay lưng về phía ánh sáng, và như vậy khuôn mặt sẽ bị tối tương đối. Nhiệm vụ của tấm phản quang là bù sáng cho phần sấp bóng.
Hướng hắt sáng:
Nếu chỉ để làm sáng khuôn mặt thì hắt từ hướng nào cũng được, tuy nhiên để giả lập nguồn sáng tự nhiên tốt nhất thì hắt sáng nên chếch từ trên cao xuống một góc khoảng 45 độ, sao cho tạo ra điểm sáng trong mắt ở vị trí 10h hoặc 2h. Hướng sáng quá mạnh từ dưới lên sẽ gây cảm giác bất thường, trừ khi ý đồ của người chụp muốn đem lại một sự kịch tính nào đó. Thực tế chúng ta hay bắt gặp các nhóm chụp, kể cả chụp hình cưới rất hay hắt từ dưới lên, đơn giản vì làm vậy đỡ mỏi tay. Nguồn sáng đã bị lệch thì hậu kỳ cũng khó cứu vãn.
Hắt sáng từ dưới lên hơi mạnh do người cầm hắt sáng không thể đứng cao hơn mẫu, đổ bóng không tự nhiên tuy cũng có thể gây ấn tượng.
Không hắt sáng, và hắt sáng hơi mạnh quá gây dư sáng ở gò má.
Vậy khi nào hắt từ dưới lên: nếu cần chụp xuôi sáng, nắng khá gắt, bóng đổ cứng, có sự chênh khá gắt giữa khu vực được chiếu sáng và khu vực bóng đổ, lúc này cần lưu ý hắt sáng theo phía ngược lại (đối diện từ dưới lên) để bù sáng vào phần tối. Ngoài ra khi có nhiều hơn một hắt sáng, thì 1 chiếc sẽ có nhiệm vụ tạo nguồn sáng chính từ trên xuống và 1 phản quang phụ từ dưới lên để phủ (fill) nhẹ một chút bóng ở cằm và khu vực khuất.
nắng ở vị trí 10h, hắt sáng để ở vị trí 5h để bù khoảng tối dưới cằm
Hắt sáng tốt tạo chấm sáng trong mắt ở vị trí tự nhiên.
Cường độ sáng:
Tùy nhu cầu mạnh yếu mà ta có thể để tấm hắt sáng gần hoặc xa mẫu, nếu trời u ám nên để rất gần (cách khoảng trên dưới 1m). Điều này không chỉ giúp mặt sáng hơn mà còn giúp tạo catch light trong mắt, đừng nghĩ trời không nắng là không cần hắt sáng. Nếu trời nắng quá, có thể lợi dụng bóng cây để che bớt 1 phần ánh sáng rơi vào tấm phản quang, hoặc chấp nhận lùi ra xa mẫu, thậm chí có thể tới 7-10m.
Trời nắng khá mạnh, hắt sáng đứng xa khoảng 7-10m
Tính chất sáng:
Nắng vàng đương nhiên sẽ dùng mặt phản quang màu trắng, khi bầu trời rất xanh, hoặc cần hắt sáng vào tóc cho ánh kim thì sử dụng màu vàng. Nếu không có tấm phản quang thì cũng có thể Tận dụng “địa hình địa vật” như nền hoặc 1 bức tường sáng, thậm chí là 1 cuốn sách để làm rạng rỡ khuôn mặt mẫu.
Hắt sáng tự nhiên bằng trang sách trắng
Mua tấm phản quang:
Có nhiều loại hắt sáng tròn, tam giác, vuông với các kích thước to nhỏ nhưng phổ thông tại việt nam là loại 2 mặt vàng trắng và loại nhiều lớp. Với nhu cầu phổ thông thì tấm hắt sáng tròn hai mặt là đủ và sử dụng thuận tiện.
Giá trị gia tăng của tấm phản quang
Chỉ cần chưa tới 200 ngàn cho một tấm phản quang và sự hỗ trợ nhau trong khi chụp là cả nhóm offline đều có thể “vẽ bằng ánh sáng” như những người chuyên nghiệp.