Nếu 2 nội dung miễn trừ trong Đạo luật quyền tác giả Thiên niên kỉ số (Digital Millennium Copyright Act-DMCA) hết hạn, việc bẻ khóa (jailbreak) điện thoại có thể trở thành bất hợp pháp lần nữa tại Mỹ.
Jailbreak thiết bị di động có thể giúp người dùng tiếp cận nhiều ứng dụng phong phú và “thử nghiệm” nhiều tính năng hữu ích, nhưng song song đó cũng phải chịu rủi ro về bảo mật.
Jailbreak đang là một hành vi phổ biến. Nhưng tại Mỹ, 2 nội dung miễn trừ trong Đạo luật quyền tác giả Thiên niên kỉ số (Digital Millennium Copyright Act) cho phép người dùng bẻ khóa và mở khóa điện thoại, sẽ hết hạn trong năm nay.
Tổ chức Electronic Frontier Foundation (EFF) là một nhóm bảo vệ quyền nội dung số, hi vọng rằng 2 nội dung miễn trừ nói trên sẽ được gia hạn. Đồng thời, EFF hi vọng việc bẻ khóa dành cho máy tính bảng (tablet) và các thiết bị chơi game như PlayStation 3 và Xbox 360 cũng được hợp pháp hóa.
Nếu jailbreak không được gia hạn thêm thì điều này sẽ mang đến nhiều “rắc rối” cho những ai khoái “vọc”, vì họ sẽ gặp nhiều phiền toái với những mức phạt nặng kèm theo. Để ủng hộ, duy trì và mở rộng việc jailbreak, EFF đã kêu gọi tất cả những người ủng hộ jailbreak điện thoại đệ trình kiến nghị lên Cơ quan quản lí quyền tác giả của Mỹ.
Việc thâm nhập vào điện thoại thông minh (smartphone) để chạy phần mềm không bản quyền hay chỉnh sửa đã được chấp thuận trong một số smartphone sử dụng hệ điều hành iOS và Android. Những người dùng thiết bị Apple ưa thích bẻ khóa trong trường hợp họ muốn chạy các ứng dụng không bản quyền hay có thể thêm một số tinh chỉnh đối với hệ thống.
Những người sử dụng Android sẽ chọn việc root máy để nhận quyền admin, từ đó có thể chạy các phiên hệ điều hành Android chỉnh sửa, chẳng hạn như CyanogenMod.
Một số chuyên gia bảo mật cho rằng, việc jailbreak có thể gây ra mối đe dọa lớn đến từ phần mềm độc hại (malware). Nhưng lo lắng đó không ngăn nổi hàng triệu người muốn có quyền kiểm soát hoàn toàn các thiết bị di động của mình nhờ vào jailbreak và root. Nhóm hacker Dev-Team gần đây đã cho biết có gần 1 triệu người dùng iPhone 4S và iPad 2 đã bẻ khóa thiết bị của họ trong 3 ngày đầu tiên sau khi có công cụ bẻ khóa mới vừa trình làng.
Quay trở lại năm 2010, bẻ khóa trên smartphone đã được hợp pháp hóa tại Mỹ sau khi tổ chức EFF đạt được nội dung miễn trừ trong các quy định chống gian lận của DMCA. Nội dung miễn trừ đề cập việc jailbreak điện thoại cho phép người dùng có thể chạy bất cứ phần mềm nào họ chọn. Nội dung này cũng phù hợp với luật về bản quyền tác giả tại Mỹ.
Vào thời điểm đó, Apple đã phản đối việc hợp pháp hóa jailbreak vì cho rằng jailbreak có thể ảnh hưởng đến bảo mật và độ tin cậy của thiết bị và điều này cũng khuyến khích người dùng sao chép phần mềm “lậu”. Theo một số chuyên gia, không rõ vào thời điểm đó các công ty có tích cực phản đối jailbreak hay không, nhưng trong vài tháng gần đây các nhà sản xuất thiết bị đang rất vất vả để ngăn chặn việc bẻ khóa.
Các hacker đã mất khoảng 10 tháng “mày mò” để cho ra công cụ bẻ khóa dành cho hệ điều hành iOS gắn với các thiết bị được trang bị bộ xử lí lõi kép A5 của Apple, đó là iPad 2 và iPhone 4S. Theo một số hacker, máy tính bảng gần đây của Asus là Transformer Prime dùng Android khóa bootloader (là một đoạn code có nhiệm vụ chọn và kích chạy hệ điều hành), cu gây khó khăn cho hacker khi muốn root thiết bị.
Tuy nhiên, do nhu cầu của người dùng, cuối cùng Asus cho biết sẽ cung cấp công cụ mở khóa bootloader vào tháng 2 này, nhưng với điều kiện ai mở khóa bootloader sẽ không còn chế độ bảo hành. Trong lúc đó, Sony đang tiếp tục chặn việc thâm nhập vào PlayStation 3 (PS3). Vào đầu năm 2011, George Hotz cùng một số hacker khác đã gửi công cụ bẻ khóa trực tuyến PS3 cho phép bất cứ ai cũng có thể cài phần mềm không bản quyền vào thiết bị chơi game này. Sau đó Sony đã yêu cầu các hacker xóa phần mềm đó và kiện Hotz với tội danh bẻ khóa. Vào tháng 12 năm ngoái, tổ chức EFF đã kêu gọi Apple, Sony và các nhà sản xuất khác đừng phản đối việc bẻ khóa.