Máy tính bảng

iPad bắt đầu bị cấm bán tại Trung Quốc

Tuy vậy, lệnh cấm ban hành từ Toà án Trung Cấp thuộc thành phố Huệ Châu (Quảng Đông) lại không có hiệu lực rộng rãi.

 

iPad bắt đầu bị cấm bán tại Trung Quốc. Ảnh: Relevant.
iPad bắt đầu bị cấm bán tại Trung Quốc. Ảnh: Relevant.

Theo Xie Xianghu, luật sư của Proview Technology (Thâm Quyến), Toà án Nhân dân Trung cấp thuộc thành phố Huệ Châu (Quảng Đông) đã ra lệnh cấm các cửa hàng bán lẻ tại Trung Quốc lưu hành iPad. Tuy vậy, lệnh cấm này không có hiệu lực rộng rãi bởi Proview chỉ yêu cầu chính quyền cấm bán iPad tại 40 thành phố tại quốc gia này.

Apple không đưa ra bất cứ bình luận nào về sự kiện trên. Hãng này cho biết mình đã mua lại thương hiệu iPad từ tay Proview tại 10 quốc gia một vài năm trước. Tuy vậy, Proview đã phủ nhận những gì đã thoả thuận với Apple tại Trung Quốc. Do đó, toà án Hong Kong đã đứng về phía nhà sản xuất iPad trong vụ tranh chấp này. Proview lại cho rằng việc Appe mua lại thương hiệu từ một công ty con của mình trước đó không có hiệu lực. Nguyên nhân là bởi nhánh này không có thẩm quyền để chuyển nhượng tên iPad.

Mẫu sản phẩm cũng mang tên
Mẫu sản phẩm cũng mang tên "iPad" của Proview ra mắt năm 1998 có thiết kế giống với iMac của Apple. Ảnh: Engadget.

Trong khi đó, đại diện của Proview đã đe doạ đòi Apple bồi thường với khoản tiền lên tới 2 tỷ USD trước toà án Mỹ. Động thái này của Proview được đánh giá là giống với cách hãng này kiện Apple tại Trung Quốc. Luật sư của Proview tuyên bố rằng sẽ tiếp tục kiện tại những nơi mà Apple có bản quyền thương hiệu iPad. Nếu không muốn rơi vào tình thế như trên, Apple phải chấp thuận điều kiện rằng không tạo ra được những sản phẩm cạnh tranh với Proview. Nhiều nguồn tin trước đây cho biết Proview cũng đã cố dàn xếp với Apple ngoài toà án nhưng đều thất bại bởi hãng sản xuất iPad không đáp ứng được yêu cầu.

Apple cũng đã gửi một bức thư tới Yang Rongshan, nhà sáng lập Proview. Hãng đe doạ rằng sẽ kiện người này với lý do đưa ra cáo buộc sai trái và gây hiểu lầm nhằm chống lại Apple. Bức thư có viết rằng "Viêc đưa ra các thông tin sai lệch đến các phương tiện truyền thông là không phù hợp, đặc biệt là khi những điều này gây tổn hại đến danh dự của Apple."