Hộ gia đình đã có thể sử dụng Internet và Truyền hình cáp chỉ bằng 1 kết nối. Ảnh: do CMC TI cung cấp |
ADSL đang nhường thị phần cho các dịch vụ Internet tốc độ cao được tích hợp nhiều tiện ích giá trị gia tăng song hành với ưu thế giá thành rẻ.
"Tốc độ cao, lắp đặt cũng nhanh"
Đây là nhận định của chị Lê Thanh Hằng, khu vực quận Đống Đa, Hà Nội nhận xét sau khi lắp đặt dịch vụ Internet qua đường truyền hình cáp. Chị cho biết: "Tôi sử dụng dịch vụ ADSL được hơn 3 năm nhưng thấy tốc độ ngày càng chậm trong khi nhu cầu download và upload thì tăng dần. Cho nên, khi thấy công ty truyền hình cáp có gói lắp đặt kèm Internet là tôi đăng ký ngay và lập tức có mạng để dùng".
Một thực tế hiện nay là mặc dù các ISP rất chú trọng phát triển khách hàng sử dụng Internet nhưng có một thực trạng là việc triển khai lắp đặt rất chậm, đến mức nhiều khách hàng phải than thở: "Ký hợp đồng, thu tiền thì nhanh nhưng chờ lắp được net dài cả cổ". Đại diện một ISP giấu tên cho biết: "Việc lắp đặt đường truyền mới của dịch vụ Internet khá phức tạp bởi phải lắp đặt và hàn đầu cáp tại các trạm. Nếu bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết sẽ không thể thi công và như vậy người dùng phải chờ đợi".
Anh Nguyễn Hồng Quân, cán bộ Viện CNTT (thuộc Bộ Tài nguyên - Môi trường) chia sẻ: "Từ hôm tôi đăng ký, nộp tiền để lắp Internet tới nay đã gần 10 ngày mà chưa thấy nhân viên nào đến lắp đặt. Gọi lên tổng đài thì viện cớ là thời tiết đang ẩm ướt, máy hàn cáp khó hoạt động. Trong khi đó, việc đang cần gấp, vì thế khi nghe tới dịch vụ Internet trên truyền hình cáp, gia đình cũng đang dùng dịch vụ truyền hình cáp nên tôi gọi luôn và thời gian triển khai chưa tới 3 ngày".
Bằng cách tận dụng đường truyền và hạ tầng sẵn có của truyền hình cáp, cách làm của CMC TI rất khôn khéo trong việc thu hút đối tượng khách hàng sử dụng bởi cáp truyền hình gần như là dịch vụ cơ bản trong mỗi gia đình.
Theo ông Phó Đức Kiên - Giám đốc Kỹ thuật miền Bắc của CMC TI: "Với việc triển khai truyền dẫn trên hạ tầng cáp truyền hình, việc lắp đặt tương đối thuận tiện và nhanh chóng cũng như hạn chế tối đa thời gian chờ đợi cho khách hàng".
CMC TI chính thức cho ra mắt dịch vụ Internet trên hệ thống Truyền hình cáp thương hiệu GigaNet Home từ tháng 4/2012. Ảnh: CMC TI cung cấp |
Với các tốc độ Internet từ 2Mbps, 4Mbps, 6Mbps, 10Mbps, dịch vụ của CMC TI xem ra khá "chiều" khách bởi mỗi gói tốc độ đi kèm với những phương án giá khá linh hoạt, thích hợp với mọi đối tượng người dùng.
Thế Anh, sinh viên năm thứ 2 Đại học Tài chính Kế toán cho biết: "Xóm em nhiều sinh viên có nhu cầu truy cập Internet nhưng để trả 30.000 - 40.000 đồng/tháng tiền net cũng là vấn đề không nhỏ với dân tỉnh lẻ như bọn em. Hồi đầu năm ngoái, nhiều gói cước ADSL đột ngột tăng giá làm chúng em lao đao, năm nay đang muốn chuyển chưa biết nên dùng dịch vụ của nhà cung cấp nào thì thấy các gói cước của CMC TI khá hợp lý".
Với chi phí trung bình gần 150.000 đồng/tháng, các khách hàng đang sử dụng truyền hình cáp có thể lắp đặt ngay gói cước Internet GigaNet Home của CMC TI. Nhà cung cấp dịch vụ Internet này cũng cho biết sẽ áp dụng những phương án giá linh hoạt cho các khách hàng lắp đặt bằng việc chiết khấu giá cước, cho mượn bộ thu phát WiFi hay thậm chí là miễn phí lắp đặt tuỳ theo lựa chọn của khách hàng.
Ông Nguyễn Đức Thành, Tổng giám đốc CMC TI cho hay: "Không phải là nhà cung cấp dịch vụ tiên phong nhưng cách làm của CMC TI là hướng tới đa dạng tập khách hàng với những khung giá linh hoạt từ cước lắp đặt cho tới cước sử dụng. Vì vậy, ngoài việc nâng cao chất lượng đường truyền và hạ tầng ổn định thì việc tiên quyết CMC TI xác định trong cuộc đua cạnh tranh Internet chính là chính sách về giá tốt nhất có thể".
Mở đường cho các dịch vụ gia tăng
Theo ông Trịnh Anh Tuấn, một chuyên gia về CNTT: "Việt Nam đang là quốc gia có độ tiếp thu công nghệ nhanh nhất trong khu vực. Với việc các ISP triển khai hệ thống hạ tầng một cách nhanh và mạnh như hiện nay, cũng như việc bình dân hoá các gói cước sẽ giúp người tiêu dùng Việt có thể tiếp cận các dịch vụ mới, công nghệ mới nhanh hơn, đẩy mạnh việc phổ cập tri thức, nâng cao trình độ CNTT".
Bên cạnh dịch vụ kết nối Internet truyền thống, hiện nay các ISP cũng đang đẩy mạnh việc tối ưu hoá các dịch vụ giá trị gia tăng thông qua kết nối tốc độ cao.
Bà Lưu Thủy Trâm, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh miền Bắc CMC TI cho biết: "Với tốc độ truy cập nhanh, công ty đang hướng tới việc triển khai nhiều dịch vụ giá trị gia tăng trên hạ tầng này bao gồm các chương trình giải trí trực tuyến hay là dịch vụ IP Camera, cho phép khách hàng kiểm tra, quan sát ngôi nhà của mình từ xa".
Theo các chuyên gia viễn thông, nhu cầu sử dụng Internet trong các năm tới sẽ tăng từ 30% đến 40% và cùng với đó là lượng khách hàng cá nhân sẽ tăng lên đáng kể.
Nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới trên hệ thống hạ tầng sẵn có là một hướng đi đúng hướng trong xu thế mới của thời hội nhập công nghệ. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng đường truyền trong nước và quốc tế, việc tăng cường thêm nhiều dịch vụ giá trị gia tăng cũng là yếu tố cạnh tranh hàng đầu của các ISP.
Tuy nhiên, với sự cạnh tranh quyết liệt thì người được lợi luôn là khách hàng với nhiều chọn lựa dịch vụ cũng như được hưởng những chính sách ưu đãi về cước hay các dịch vụ hấp dẫn chưa từng có trên nền ADSL.
Nguyên Hồng/Ictnews