Nhịp sống số

Hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại Việt Nam

Hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại Việt Nam

Theo ông Nguyễn Đức Hiền, giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), với hệ thống giáo dục hiện tại, VN không thể đạt được con số một triệu nhân lực công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) vào năm 2020.

Cử nhân công nghệ thông tin được đào tạo theo chương trình cử nhân tiên tiến tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP. HCM) vừa tốt nghiệp năm 2011- Ảnh: NHƯ HÙNG.

 

Một triệu nhân lực ICT vào năm 2020 là mục tiêu đề án của Chính phủ nhằm đưa VN thành một nước phát triển mạnh về công nghệ thông tin (CNTT). Ông Nguyễn Trọng Đường, vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ Thông tin truyền thông, cho biết đội ngũ nhân lực ICT VN hiện có khoảng 250.000 kĩ sư CNTT đang làm việc trong các lĩnh vực ICT, tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm từ 25-35%.

“Nếu giữ được mức tăng trưởng 32% mỗi năm thì đến năm 2015 VN sẽ có 1 triệu nhân lực, tuy nhiên còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác...”, ông Đường nói.

Theo ông Đường, VN có thuận lợi ở chỗ “đội ngũ nhân lực trẻ, ham học hỏi, thông minh, sáng tạo, thích nghi nhanh với công nghệ mới, được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ. .. ”. Tuy nhiên ông Đường cũng cho biết giá thành lao động rẻ vừa có mặt lợi nhưng cũng có mặt hại. Chẳng hạn lương kĩ sư CNTT VN ra trường hiện nay còn rất thấp, chỉ khoảng 4-5 triệu đồng, trong khi lương khởi điểm ngành ngân hàng đã 8-10 triệu đồng/tháng. Chính điều đó đã khiến “sức hút của ngành CNTT đang giảm xuống”, ông Đường nói. Ông Nguyễn Đức Hiền nhận định: “Hiện nay đang có một khoảng cách lớn giữa cung và cầu. Với hệ thống giáo dục hiện tại, VN chỉ có thể tạo ra khoảng 600.000 nhân lực ICT vào năm 2020 mà thôi”.

Vấn đề lương thấp cũng làm xảy ra một thực trạng là nhiều kĩ sư CNTT VN chuyển ra nước ngoài để làm việc. Việc này được ông Lâm Nguyễn, giám đốc khu vực IDC VN, đánh giá: “Tình trạng chảy máu chất xám trong lĩnh vực CNTT cũng là một thách thức VN đang đối đầu. Việc này sẽ có nhiều ảnh hưởng đến đội ngũ nhân lực trong nước”.

Ông Hiền cho biết hiện nay QTSC đang phải nâng cấp nhiều kĩ năng cho sinh viên các trường ĐH để đáp ứng yêu cầu làm việc của doanh nghiệp. Ông Hiền giới thiệu bốn mô hình đào tạo QTSC đang triển khai gồm: đào tạo lại nguồn nhân lực CNTT mới ra trường; xuất khẩu nhân lực CNTT đến các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc; trao đổi nhân lực với các đối tác nước ngoài trong việc đào tạo kĩ sư công nghệ, đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp trong nước, đối tác; hợp tác với các trường đại học, các tổ chức đào tạo quốc tế có uy tín trên thế giới.

“Hiện tại QTSC đang đẩy mạnh triển khai mô hình thứ ba bằng việc tuyển các kĩ sư giỏi và cử đi đào tạo tại Nhật khoảng 3-5 năm… sau đó trở về dạy lại cho các kĩ sư khác để cung cấp nhân lực cho chính các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam”, ông Hiền nói.