Thủ thuật công nghệ

Hướng dẫn lắp ráp máy tính từ A đến Z

Hướng dẫn lắp ráp máy tính từ A đến Z
Là người sử dụng máy tính, rất có thể một lúc nào đó bạn sẽ phải tự tay thay linh kiện hoặc tự ráp cho mình một hệ thống. Đây thực sự là một công việc thú vị và đơn giản, có điều nếu không nắm rõ trình tự lắp đặt, bạn sẽ mất rất nhiều thời gian, thậm chí là làm hỏng hóc linh kiện.
<>
Sau đây là 11 bước lắp ráp một bộ máy tính theo trình tự hợp lý và thuận tiện nhất.
 
Hệ thống sử dụng:
 
Bo mạch chủ: AsRock Z68 Pro3
Bộ xử lý: Intel Core i5-2500K
Tản nhiệt: Zalman CNPS 5X
Bộ nhớ trong: 3x2GB Gskill RIPJAWS
Card đồ họa: MSI GTX 560 Ti Twin Frozr II OC
Ổ cứng: WD Caviar Black 500GB
Nguồn: Seasonic JS750
Thùng máy: Fractal Design Core 3000
 
Bước 1: Bắt ốc đệm và lắp chặn main
 
Bắt ốc đệm là bước đầu tiên và cực kì quan trọng trong việc lắp ráp máy tính. Nếu thiếu những chiếc ốc này, bo mạch chủ bị tiếp xúc với thành case và rất có khả năng sẽ “ra đi” do chạm mát ngay trong lần đầu bật máy. Một lưu ý nữa là không được bắt thừa ốc đệm sai vị trí các lỗ bắt ốc trên bo mạch chủ. Điều này cũng sẽ gây chạm mát khi bật máy.
 


Ngay sau khi bắt ốc đệm, việc tiếp theo cần làm ngay là lắp chặn main. Đây là bước người dùng rất hay quên và chỉ sực nhớ ra khi đã gắn linh kiện xong xuôi. Hậu quả là phải… tháo ra lắp lại toàn bộ.
 


Bước 2: Gắn chip xử lý và bôi keo tản nhiệt
 
Công đoạn tiếp theo là gắn chip xử lý. Bề mặt giữa chip xử lý và tản nhiệt không bao giờ tiếp xúc 100% với nhau, vì vậy chúng ta phải hỗ trợ bằng cách trét một lớp keo tản nhiệt để chúng tiếp xúc và truyền nhiệt tốt hơn. Cách làm: bơm một ít keo tản nhiệt lên rồi thoa đều khắp bề mặt chip xử lý. Lưu ý rằng lớp keo này chỉ cần thật mỏng, nếu quá dày sẽ phản tác dụng.
 


Mỗi lần tháo tản nhiệt để vệ sinh hay thay chip xử lý, bạn đều cần thực hiện bước trét keo này.
Nếu vừa mua chip xử lý mới coong từ cửa hàng, bạn không cần trét keo vì nhà sản xuất đã bôi sẵn một lớp trên tản nhiệt đi kèm chip.
Thao tác tuyệt đối cẩn thận đối với phần socket trên bo mạch. Đây là các chân lệnh tiếp xúc giữa bo mạch chủ và bộ xử lý. Nếu chẳng may làm cong hoặc gãy chân socket, hệ thống của bạn sẽ mất ổn định hoặc tệ hơn là không thể hoạt động. Đặc biệt nhà sản xuất sẽ từ chối bảo hành sản phẩm trong trường hợp socket bị tổn thương. Vì thế các hành động như lau chùi chip xử lý phải được phải thực hiện cách xa socket, không vệ sinh linh kiện khi socket không được che đậy (tránh bị vải mắc vào).
Bước 3: Lắp tản nhiệt cho chip xử lý
 
Quên lắp tản nhiệt cũng là một sơ sót thường gặp khi ráp máy tính. Các thùng máy giá rẻ đều không khoét lỗ ở phần bắt clip cho tản nhiệt ở phía sau bo mạch chủ, nên nếu trót quên lắp tản nhiệt trước khi gắn bo mạch chủ vào case, bạn cũng sẽ phải… tháo ra lắp lại.
 
Nhớ kiểm tra xem chốt phía sau main đã đóng hay chưa.
 
Bước 4: Lắp bo mạch chủ vào thùng máy và bắt ốc
 
Phần việc này khá đơn giản và không có gì cần lưu ý. Tôi chỉ xin nhắc lại: đừng bắt thừa ốc đệm sai vị trí lỗ bắt ốc trên bo mạch chủ.
 


Bước 5: Nối các dây tín hiệu ngoại vi của thùng máy vào bo mạch chủ
Các dây này bao gồm dây USB, dây audio (phone + mic) và chùm dây tín hiệu power + reset + power led + HDD led. Trong khi chân cắm audio và USB có thể nhận biết và nối rất dễ dàng, thì chùm dây tín hiệu lại phức tạp hơn một chút. Có tổng cộng 8 chấu cắm xếp thành 2 hàng được bố trí như sau:
 
 
Chùm dây tín hiệu

Các dây audio và USB
 
Bước 6: Cắm dây cấp điện cho quạt case vào bo mạch chủ
Trong trường hợp bo mạch chủ không đủ chấu cấp điện cho quạt case, bạn sẽ phải dùng đến cái chuyển như thế này để lấy điện từ bộ nguồn (thường đi kèm khi mua quạt):
 
 

Bước 7: Lắp đặt nguồn và đi dây trong khoang giấu dây (nếu có)
Nếu đang sở hữu một thùng máy có khoang giấu dây, hãy tận dụng nó để cho không gian bên trong được thông thoáng. Và nhớ bắt ốc cho bộ nguồn nữa nhé.
 
Fractal Design Core 3000 – một thùng máy có khoang đi dây
 
Bước 8: Lắp ổ cứng
 
Chỉ có 2 dây: 1 dây tín hiệu nối vào bo mạch chủ, và 1 dây cấp điện của nguồn.
 


Bước 9: Cắm RAM và card đồ họa
 
Bước này được đặt ở áp chót để tránh vướng víu gây sứt vẻ khi thao tác.
 


Bước 10: Cắm các dây cấp từ nguồn vào linh kiện
 
Khi đã lắp đặt hoàn chỉnh linh kiện, cắm dây cấp điện từ bộ nguồn là phần việc sau cùng. Nếu thực hiện thao tác này trước, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc lắp ráp do bị vướng dây. Các dây cần cắm là: 4 pin (hoặc 4+4 pin hoặc 8 pin) cho CPU, 24 (hoặc 20+4 pin) cho bo mạch chủ và 6 pin (hoặc 8 pin) cho card đồ họa (nếu có).
 


Bước 11: Bó gọn các đoạn dây còn thừa
 
Bạn có thể bỏ qua nếu… lười, nhưng thao tác này là rất cần thiết để thùng máy thông thoáng và lưu thông khí tốt. Do thùng máy người viết sử dụng để thực hiện bài viết có khoang đi dây nên tránh được khoản này.