Lần đầu tiên kể từ khi phát động cuộc chiến chống Android, Apple vấp phải những sự phản kháng quyết liệt và thực sự có hiệu quả từ phía Google cùng các đồng minh. Liệu cuộc chơi có đổi chiều?
<>
Chiến sự xoay quanh vấn đề bằng sáng chế lại nóng trở lại khi lần đầu tiên kể từ sau thương vụ Google mua lại Motorola, kho bằng sáng chế với số lượng lên tới gần 20 ngàn chiếc của Google được tung vào cuộc chiến giữa Apple và các hãng sản xuất Android.
Và chiến binh mà Google chọn để vũ trang sau đó đẩy ra đấu trường đối mặt với Táo Khuyết, không ai khác, chính là HTC. HTC mua lại 9 bằng sáng chế của Google, trong đó có 4 bằng sáng chế được mua lại từ Motorola, 3 được Google mua từ Openwave, 1 hãng chuyên viết phần mềm cho thiết bị di động, 2 bằng sáng chế cuối cùng có nguồn gốc từ Palm khi công ty này rao bán các bằng sáng chế của mình hồi 2009 trước khi sát nhập vào HP.
Ngay sau khi hợp đồng mua bán được ký ngày 1/9 còn chưa ráo mực, đến hôm nay HTC đã gấp rút tung ra thêm 2 đơn kiện khác nhắm vào Apple với những bằng sáng chế vừa "tậu" về. 4 bằng sáng chế có nguồn gốc từ Motorola được HTC sử dụng trong đơn kiện ở tòa án Liên Bang Delaware nhằm vào Apple và 5 bằng sáng chế còn lại được bổ sung vào vụ kiện mà HTC đang thất thế ở Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế (ITC).
Ngay từ khi Google mua lại Motorola, chúng ta đều đã thấy trước được rằng hãng này sẽ trao lại bằng sáng chế của Motorola cho các đồng minh sản xuất thiết bị chạy Android của mình để tiếp sức cho họ trong cuộc chiến pháp lý với Apple. Nói cho cùng, từ khi Apple phát động cuộc chiến chống Android thông qua các bằng sáng chế, Google chưa có 1 động thái cụ thể nào để bảo vệ HTC hay Samsung ngoại trừ 1 vài tuyên bố yếu ớt rằng sẽ ủng hộ các đồng minh hết mình.
Nếu Google cứ "tụ thủ bàng quan", đứng nhìn Apple "trị" HTC, Samsung và các hãng sản xuất khác thì mối quan hệ vốn đang rạn nứt từ sau thương vụ Motorola sẽ càng hằn sâu thêm. Nghiêm trọng hơn nữa, nếu Apple lại lấy được phán quyết cấm bán sản phẩm của các hãng kể trên ở thị trường Mỹ như đã từng làm được ở Đức thì những vụ kiện này sẽ đặt dấu chấm hết cho Android. Google đã bỏ ra nhiều tỉ USD ra để sắm sửa bằng sáng chế, đây chính là lúc chuyển hóa số tiền ấy thành công cụ chống Apple.
Như vậy, việc Google "bán vũ khí" cho HTC là điều đã được dự đoán từ trước và hoàn toàn "hợp tình hợp lý". Vấn đề là, hãng sản xuất đến từ Đài Loan sẽ ứng dụng những bằng sáng chế ấy như thế nào? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây.
HTC đã quá vội vàng?
Trong trận chiến bằng sáng chế với Apple, HTC đang ngồi ở chiếu dưới. Là 1 hãng chuyên gia công phần cứng và đặc biệt lại hoạt động lâu năm ở môi trường Á Đông (Đài Loan) vốn nhộm nhoạm về vấn đề sở hữu trí tuệ, HTC sở hữu 1 kho bằng sáng chế với số lượng rất nhỏ và phần lớn liên quan tới kiểu dáng công nghiệp và các công nghệ phần cứng. Khi phải sang sân chơi mới ở Mỹ và phải đối đầu với 1 kẻ thù "sừng sỏ" như Apple, HTC lập tức rơi vào thế yếu vì 3 lẽ.
Thứ nhất là vấn đề sở hữu trí tuệ ở các nước phương Tây nói chung và ở Mỹ nói riêng đã được chú trọng từ rất lâu, hầu hết những bằng sáng chế về các công nghệ chủ chốt được ứng dụng trên điện thoại di động đều đã có chủ, 1 hãng như HTC gần như không thể tìm được các sáng chế có giá trị để đăng ký.
Thứ 2 là việc Apple quá thông thạo lối làm ăn ở Mỹ, ngay từ những ngày đầu thành lập, Apple đã là 1 trong những hãng coi trọng quyền sáng chế nhất và liên tục đăng ký các bằng sáng chế mới. Thậm chí đội ngũ pháp chế của Apple đã từng trải trăm trận chắc chắn là kinh nghiệm đầy mình.
Và cuối cùng, trận chiến bằng sáng chế ở Mỹ không chỉ đơn giản là về kiểu dáng và thiết kế hay các yếu tố phần cứng mà còn là về cả phần mềm. Mà với những hãng chuyên gia công phần cứng như HTC, phần mềm chính là "tử huyệt".
Nói như vậy để thấy, việc HTC bị Apple áp đảo trước tòa là điều không có gì khó hiểu. Và lần này, đội ngũ pháp chế của HTC lại để lộ những yếu điểm chứng tỏ sự non nớt, thiếu kinh nghiệm của mình khi đâm 1 đơn kiện còn nhiều sơ hở.
Mặc dù lần này được vũ trang với những bằng sáng chế rất quan trọng, HTC vẫn tỏ ra quá vội vàng. Trước hết hãy nhìn lại dơn kiện mà HTC trình với Ủy ban Thương Mại Quốc Tế Hoa Kỳ (ITC). Khi quốc hội Mỹ trao quyền phán quyết các vấn đề liên quan tới sở hữu trí tuệ cho ITC, đồng nghĩa với việc ITC lúc đó nắm giữ 1 trọng trách: "Cấm cửa" những sản phẩm ngoại nhập vi phạm bằng sáng chế của các công ty nội địa. Hiểu một cách đơn giản, nhiệm vụ của ITC là bảo vệ nền kinh tế và sản xuất nội địa của Mỹ trước các sản phẩm nước ngoài.
Và khi đâm đơn kiện hãng khác vi phạm 1 sở hữu trí tuệ của mình lên ITC, tất cả các hãng sản xuất phải đảm bảo 1 yêu cầu: Chứng minh được rằng bằng sáng chế ấy liên quan tới 1 sản phẩm là đồ "nội địa" từng được sản xuất hoặc kinh doanh tại Mỹ của mình với dây chuyền sản xuất hoặc quá trình kinh doanh thực tế. Nói thì có vẻ khó hiểu nhưng lấy 1 ví dụ thế này: Nếu Apple muốn kiện HTC vi phạm bằng sáng chế X thì Apple phải chứng minh được rằng bằng sáng chế đó đang được sử dụng trên 1 sản phẩm, iPhone chẳng hạn, và sản phẩm đó có 1 quá trình kinh doanh hoặc sản xuất trên đất Mỹ.
Và đến đây chúng ta đã thấy điểm yếu trong đơn kiện của HTC lộ ra: HTC chỉ mới mua lại các bằng sáng chế từ Google có 1 tuần và dường như hoàn toàn chỉ với mục đích kiện cáo chứ chưa hề đưa chúng vào giai đoạn sản xuất. Nói cách khác, 4 bằng sáng chế kể trên rất có thể sẽ không liên quan gì tới tất cả các sản phẩm hiện có trên thị trường của HTC. Và nếu thực sự như vậy, đơn kiện của HTC sẽ trở thành vô giá trị vì không đạt được yêu cầu tối thiểu của ITC.
Tuy nhiên nếu như HTC có thể thuyết phục được ITC rằng các sản phẩm hiện có trên thị trường như Sensation, Desire cũng có dính dáng tới các bằng sáng chế trong đơn kiện thì mọi chuyện sẽ lại đâu vào đấy.
Thêm 1 điểm vội vã nữa của HTC khi tung các bằng sáng chế này vào cuộc là việc hãng đã không nêu rõ sản phẩm nào của Apple vi phạm 4 bằng sáng chế kể trên trong đơn kiện đệ trình lên tòa án Delaware mà chỉ nói chung chung: "Bao gồm máy tính cá nhân (ám chỉ MacBook, MacBook Pro, iMac, và Mac Mini), thiết bị liên lạc ( iPhone, iPhone 3G, iPhone 3GS, iPhone 4), và các thiết bị điện tử khác (có thể bao gồm iPod, iPod Nano, iPod Shuffle, iPod Touch, iPad, và iPad 2)".
Có thể thấy chỉ với 5 bằng sáng chế của mình, HTC muốn kiện toàn bộ các sản phẩm của Apple mà không "chỉ mặt gọi tên" 1 thiết bị nào cụ thể. Những đơn kiện chung chung như thế này thường có 1 kết cục giống nhau: Bị tòa án yêu cầu chỉnh sửa, chỉ rõ sản phẩm vi phạm hoặc tệ hơn là bác đơn kiện vì không đúng qui phạm.
Dù vậy, mặc dù HTC tỏ ra vội vàng hấp tấp khi tung ra các đơn kiện này, 2 yếu điểm kể trên không phải là những lỗ hổng chết người và chỉ qua một vài lần chỉnh sửa là có thể khắc phục được. Điều trọng yếu nhất và ai cũng quan tâm đó là, liệu những bằng sáng chế mà HTC đưa ra lần này có "bắt chết" được Apple?
Vũ khí chất lượng cao
Đã có những tin đồn trong thời gian qua rằng 12 tỉ USD mà Google chi ra để mua lại Motorola thực ra chỉ mua về cho gã khổng lồ Internet toàn bằng sáng chế "rác", không có giá trị. Và lần nhượng quyền sử dụng bằng sáng chế lần này của Google cho HTC sẽ làm sáng tỏ những tin đồn ấy là đúng hay sai.
Hãy khoan bàn đến 4 bằng sáng chế của Motorola mà HTC mua lại, vốn chỉ liên quan đến những công nghệ truyền dẫn không dây khá khó hiểu, chúng ta hãy xem 5 bằng sáng chế mới mà HTC dùng để chối chọi với Apple ở ITC lần này.
Trong 5 bằng sáng chế đó tôi cho rằng có 2 bằng sáng chế có triển vọng nhất. Đầu tiên là bằng sáng chế số 6,473,006, về cơ bản, bằng sáng chế này nói về bàn phím cảm ứng và phương thức hiển thị phím mà tay người sử dụng đang giữ vào trong 1 ô nằm phía ngoài và được phóng to để tiện quan sát. Bất kỳ ai sử dụng các thiết bị chạy iOS đều thấy rằng khi gõ bàn phím cảm ứng của iPhone, mỗi lần gõ 1 phím là ký tự được gõ sẽ được hiển thị lên mép trên của ngón tay giúp ta biết mình đang gõ phím nào. Giờ đây bằng sáng chế cho ý tưởng ấy lại đang nằm trong tay của HTC. Hầu như chắc chắn đây sẽ là 1 trong những sáng chế mà Apple vi phạm rõ ràng nhất.
Bàn phím cảm ứng mà Apple sử dụng bấy lâu nay trên iOS hóa ra không thuộc sở hữu của hãng này.
Bằng sáng chế thứ 2 mà tôi cho rằng có triển vọng đó là 6,868,283. Bằng sáng chế này cho phép người sử dụng tương tác với status bar của thiết bị di động. Và bằng sáng chế này rõ ràng là đang nhắm tới tính năng Notification Center của iOS 5. Khi iOS 5 giới thiệu Notification Center, chúng ta đều thấy rằng tính năng ấy lấy cảm hứng từ Android. Và giờ đây HTC mà gián tiếp là Google đã đưa Apple ra tòa về sự sao chép này.
Tính năng tương tác với status bar đã được đăng ký bản quyền.
Có vẻ Apple đã quá chủ quan khi đưa nó vào iOS 5.
Nhìn chung đối với HTC, chỉ cần thẩm phán kết luận Apple vi phạm 1 trong 5 bằng sáng chế vừa rồi là đã đủ điều kiện để ITC xem xét lệnh cấm đối với các sản phẩm của Apple, mở đường cho những thương thảo nhằm chấm dứt cuộc chiến bản quyền dai dẳng và giành được chỗ đứng cho các sản phẩm chạy Android của hãng này trên đất Mỹ.
Hiện tại có thể nói 2 bằng sáng chế mà tôi vừa nói ở trên chính là "lá bùa hộ mạng" của HTC và chúng có thể sẽ thay đổi hoàn toàn cục diện trận chiến này. Điều đáng mừng là nếu như HTC thành công trong việc bảo vệ các sản phẩm của mình thì điều đó chứng tỏ vẫn còn rất nhiều cửa cho các hãng khác như Samsung có thể "đập" lại được Apple và bảo toàn chỗ đứng cho Android. Khi không thể hạ gục được Android ở mặt trận pháp lý, Apple sẽ phải tìm những cách cạnh tranh minh bạch hơn thông qua chất lượng sản phẩm.
Kết
Nhìn chung tất cả mới chỉ là những nhận định ban đầu và mang tính chủ quan của cá nhân tôi, nhưng sự thực thì đây là lần đầu tiên kể từ khi trận chiến giữa Android với Apple nổ ra mà chúng ta thấy có 1 biến chuyển dường như có lợi đối với Android. 9 bằng sáng chế mới của HTC có lẽ là những vũ khí mạnh nhất mà phe Android đang sở hữu vào thời điểm hiện tại. Hiệu quả của chúng đến đâu thì còn phải xét, tuy nhiên ít nhất chúng ta cũng đã được quyền hi vọng vào 1 kết thúc sáng sủa hơn dành cho Android.
Việc Google bán lại bằng sáng chế cho HTC đã chứng minh 1 điều rằng các hãng sản xuất Android và Google sẵn sàng đứng về cùng 1 bè để chống trả Apple. Sẽ mất bao lâu nữa để các hãng đang khốn đốn với những đơn kiện của Apple như Samsung nhận ra lợi ích của việc gia nhập liên minh này? Trước đây Apple luôn có tư tưởng "chia để trị" thể hiện ở việc hãng này đâm đơn kiện các hãng sản xuất Android ở nhiều nội dung cũng như quốc gia khác nhau.
Nhưng giờ đây khi cuộc chiến giữa Apple với Samsung, HTC... không còn chỉ đơn thuần là 1 chọi 1 mà đã trở thành 2 đánh 1 thậm chí là 3, 4 "hội đồng" 1 , cục diện chiến trường chắc chắn sẽ khác. Liệu có phải Táo Khuyết đã quá vội vàng khi tuyên chiến với cả thế giới Android? Vì nói cho cùng, không 1 hãng sản xuất đơn lẻ nào đủ khả năng so sánh với Apple. Nhưng iOS vẫn chỉ chiếm 23% thị phần so với con số 42% của Android, vì vậy khi các hãng sản xuất Android tụ tập lại và có Google chống lưng, đó sẽ là 1 sức mạnh không dễ đối phó, ngay cả với Apple.