HP vừa đâm đơn kiện Oracle, đòi bồi thường 4 tỉ USD với cáo buộc “vi phạm hợp đồng” vì tuyên bố các thế hệ phần mềm tiếp theo do Oracle phát triển "sẽ không hỗ trợ" một số sản phẩm máy chủ HP.
Phiên tòa vừa diễn ra tại San Jose, California xoay quanh vấn đề Oracle sẽ ngừng hỗ trợ dòng máy chủ (server) sử dụng vi xử lí Itanium (Intel) của HP. Được biết, đơn kiện này đã được HP gửi đến nhà chức trách từ tháng 6 năm ngoái, lấy lí do "quyết định từ Oracle sẽ làm hại đến khách hàng của HP", cũng như "đã vi phạm một bản hợp đồng đã có trước đó giữa hai công ty".
Từ năm 2011, Oracle đã lên kế hoạch ngưng dần việc phát triển các phiên bản khác nhau cho bộ phần mềm quản lí cơ sở dữ liệu (database) dành riêng cho các máy chủ cao cấp dùng chip Itanium của HP.
Về phần mình, Oracle đánh giá dòng vi xử lí Itanium do Intel sản xuất sắp sửa “bị khai tử”, thông tin vốn bị chính hãng sản xuất vi xử lí lớn nhất hành tinh phủ nhận. Vì lí do này mà đích thân CEO Intel, ông Paul Otellini có khả năng sẽ tham gia các buổi làm chứng trong thời gian tới, bất chấp việc Intel không dính líu trực tiếp vào vụ tố tụng giữa HP và Oracle.
Như vậy, đây được xem như sự kiện chủ đạo tiếp theo của cuộc chiến pháp lí giữa các đại gia công nghệ trên khắp thế giới. Trước đó nhiều ngày, Oracle cũng đã thất bại trong vụ kiện tụng liên quan đến bản quyền ngôn ngữ Java trong hệ điều hành Android với Google.
Cuộc “hôn nhân” tan vỡ
Mối quan hệ giữa HP và Oracle đã xấu đi đáng kể trong những năm gần đây, bắt đầu từ sự kiện CEO HP Mark Hurd giữ ghế đồng giám đốc Oracle vào năm 2010 sau khi rời HP. Khi đó, HP đã đe dọa “trả đũa” bằng ngón đòn pháp lí, với cáo buộc “Oracle sẽ lợi dụng và khai thác những gì Mark Hurd biết về HP để làm tổn hại đến họ” thông qua việc tuyển dụng ông này.
Ngày 5/6, HP tố Oracle đã vi phạm các thỏa thuận và hợp đồng khi đơn phương ngừng hỗ trợ cho dòng máy chủ dùng chip Itanium, vốn là dòng sản phẩm máy chủ cao cấp chủ lực của HP.
Daniel Wall, đại diện pháp lí của Oracle từ hãng luật Latham & Watkins cho rằng thỏa thuận giữa Oracle và HP thiếu tiêu chí chuẩn mực của một hợp đồng ràng buộc hợp pháp, như phạm vi lĩnh vực, thời lượng pháp lí và chi tiết về các khoản đền bù trong trường hợp xảy ra tranh chấp, kiện tụng.
Theo Tuổi Trẻ Online