Nhịp sống số

Hanoi Telecom: “Nửa giấy phép sao làm nổi 3G?”

Hanoi Telecom cho rằng doanh nghiệp này sẽ ở thế “có giấy phép 3G cũng như không” nếu một nửa băng tần 3G của EVN Telecom đang sở hữu được chuyển sang cho mạng khác.

Vietnamobile muốn cung cấp 3G cho khách hàng của mình sau khi mua lại băng tần 3G của EVN Telecom.

Hanoi Telecom muốn mua lại băng tần 3G của EVN Telecom

Mới đây, Hanoi Telecom đã bất ngờ trình Thủ tướng Chính phủ phương án mua lại băng tần 3G của EVN Telecom. Theo bà Trịnh Minh Châu, Tổng giám đốc Hanoi Telecom, theo quy chế thi tuyển 3G, liên danh Hanoi Telecom và EVN Telecom đã trúng tuyển và được cấp phép. Theo đó, hai liên danh này sẽ giữ dải băng tần 2x15MHz trọn vẹn không chia cắt để đảm bảo hiệu quả tài nguyên quốc gia cũng như để doanh nghiệp có thể cung cấp đầy đủ các ứng dụng trên nền 3G. Vì vậy, nếu Chính phủ có chủ trương bán hoặc sáp nhập EVN Telecom trong chương trình cơ cấu và đổi mới doanh nghiệp thì Hanoi Telecom xin được ưu tiên mua lại băng tần của EVN Telecom mà Luật Tần số đã cho phép.

Riêng về phần thiết bị và hạ tầng mạng 3G mà EVN Telecom đã đầu tư, Hanoi Telecom cũng chấp nhận mua lại đúng giá trị đã đầu tư. “Toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng cáp quang chiến lược và hạ tầng viễn thông khác, Hanoi Telecom cho rằng cần giao lại cho các tập đoàn viễn thông lớn khác để sử dụng và khai thác hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nếu Chính phủ mong muốn, Hanoi Telecom có thể nhận mua lại theo đơn giá và các điều kiện giống như VTC và EVN Telecom đã kí hợp đồng chính thức”, bà Trịnh Minh Châu cho biết và khẳng định: “Quan điểm của chúng tôi là sẵn sàng bỏ tiền mặt ra mua, theo đó EVN Telecom sẽ có một khoản tiền đáng kể để thanh toán nợ”.

Trước đó, sau khi trúng tuyển 3G, EVN và Hanoi Telecom đã kí thoả thuận hợp tác chiến lược trong vòng 10 năm. Theo thoả thuận hợp tác này, EVN và Hanoi Telecom cam kết hợp tác nhằm tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng kĩ thuật của nhau. Trong 3 năm đầu tiên, liên danh EVN Telecom (đơn vị trực thuộc EVN) và Hanoi Telecom sẽ đầu tư khoảng 6.000 tỉ đồng cho triển khai 3G, đảm bảo phủ sóng tới 50% dân cư khi cung cấp dịch vụ. Liên danh EVN Telecom và Hanoi Telecom cũng đã dự kiến trong thời gian đầu sẽ xây dựng khoảng 8.000 BTS.

Theo nguồn tin riêng của Báo Bưu điện Việt Nam, theo thoả thuận chiến lược giữa EVN và Hanoi Telecom, hai bên sẽ hợp tác chặt chẽ để phát triển mạng di động cả 2G và 3G. Trong những năm đầu, EVN Telecom sẽ tập trung đầu tư mạnh vào 3G và Hanoi Telecom sẽ đầu tư mạnh vào mạng 2G. Việc chia sẻ đầu tư và dùng chung cơ sở hạ tầng sẽ giúp cho hai bên tiết kiệm được chi phí đầu tư và tận dụng được thế mạnh của nhau. Gần đây, hai bên đã đạt được thoả thuận roaming 2G và 3G để cho khách hàng 2 mạng có thể được sử dụng dịch vụ 2G và 3G tốt hơn.

Hanoi Telecom lại ở thế “cửa dưới”

Giới phân tích cho rằng, kịch bản bất ngờ “sang tên đổi chủ” của EVN Telecom có lẽ không nằm trong tính toán chiến lược của Hanoi Telecom. Trong khi đó, Hanoi Telecom lại quá kì vọng vào đối tác chiến lược của mình trong hành trình đến 3G.

Trước khi thi tuyển 3G, các chuyên gia viễn thông nước ngoài cho rằng: Với băng tần 3G mà Việt Nam quy hoạch, tối ưu nhất là cấp cho 3 nhà khai thác và tối đa là 4 nhà khai thác để cho họ sử dụng băng tần này hiệu quả. Vì vậy, nếu Hanoi Telecom chỉ có ½ dải băng tần 3G được cấp thì câu chuyện 3G trở thành giấc mơ xa cho khách hàng Vietnamobile. Trong khi đó, 3G được dự báo là xu thế và sẽ bắt đầu bùng nổ ở Việt Nam vào cuối năm 2012. Điều này cũng có nghĩa là Hanoi Telecom phải tìm con đường để có được ½ băng tần còn lại nếu muốn đi tiếp trên con đường cung cấp dịch vụ di động ở Việt Nam.

Có lẽ trong bối cảnh hiện nay, Hanoi Telecom đang ở thế “cửa dưới” khi EVN Telecom phải buộc “sang tên đổi chủ”. EVN Telecom đang được định hướng bàn giao nguyên trạng cho một nhà khai thác viễn thông khác. Nếu như băng tần 3G của EVN Telecom được bán cho Hanoi Telecom, có lẽ EVN sẽ phải ngồi thương thảo với đối tác sáp nhập để gia tăng lợi ích hạ tầng cho họ hoặc cắt giảm phần lỗ mà đối tác sẽ phải gánh vác. Việc mua bán sáp nhập tay ba này còn phụ thuộc vào một bên thứ ba là ý chí của cơ quan quản lí nhà nước.