Doanh nghiệp

Google né được hàng tỷ USD tiền thuế như thế nào?

Theo Bloomberg, chiến lược trốn thuế hàng tỷ USD của Google dựa trên một số khe hở trong luật thuế của một số quốc gia.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, hàng loạt công ty đa quốc gia đang cố tìm mọi cách để tiết giảm chi phí. Một trong những biện pháp phổ biến được xem xét là tìm cách trốn hoặc né thuế, bất chấp những tác hại nó gây ra cho nền kinh tế đất nước và toàn cầu. Dưới đây là môn chiêu né thuế mà "ông lớn" Google sử dụng.

Ở Hoa Kỳ, Google đã cố tìm cách giảm gánh nặng thuế xuống 21%. Dù thuế suất bình thường ở California (nơi Google đặt trụ sở) lên đến 41%. Theo báo cáo thường niên, Google đóng chưa tới 2,6 tỷ USD thuế cho thu nhập 12,3 tỷ USD năm 2011.

Các nhà chức trách Hoa Kỳ chỉ có thể đánh thuế những khoản thu nhập của Google khi chúng được phân phối trở lại cho công ty mẹ ở Hoa Kỳ, nhưng điều đó có vẻ chưa xảy ra.

Việc này hoàn toàn hợp pháp, nhưng thật ra "gã khổng lồ tìm kiếm" đã chuyển hầu hết doanh thu sang chi nhánh ở các nước có thuế suất thấp. Như tất cả doanh thu ở châu Âu của Google đều được chuyển cho Google Ireland Ltd., có trụ sở ở thủ đô Dublin của Ireland.

Google Ireland báo cáo doanh thu 10,1 tỷ EUR năm 2010, nhưng doanh thu này bị khấu trừ gần như hoàn toàn bởi chi phí quảng cáo và nhân sự. Chi phí lớn nhất, khoảng 7,2 tỷ EUR, bao gồm lệ phí cấp giấy phép Google Ireland trả cho một công ty con của Google tại Hà Lan. Bằng cách này, Google chỉ phải trả cho chính phủ Ireland 16,8 triệu EUR tiền thuế thu nhập.

Google Ireland Holdings trong thực tế có 2 trụ sở và trụ sở chính nằm ở Bermuda, nơi không có thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này cho phép Google di chuyển thu nhập của mình, chủ yếu là doanh thu quảng cáo, ra khỏi châu Âu, gửi chúng trong một thiên đường thuế nơi Bộ Tài chính Hoa Kỳ không có quyền truy cập.

Trong khi đó, Google Netherlands Holdings B.V. ở Amsterdam (Hà Lan), công ty thu lệ phí cấp giấy phép từ Dublin, chỉ phải trả 2,7 triệu EUR thuế thu nhập ở Hà Lan.

Theo Bloomberg, chiến lược trốn thuế hàng tỷ USD của Google dựa trên một số khe hở trong luật thuế của một số quốc gia. Trong đó cho phép công ty chuyển tiền bản quyền từ chi nhánh ở nước ngoài tới Bermuda.

Năm ngoái, thuế suất mà Google phải nộp tính trên lợi nhuận ở nước ngoài chỉ là 3,2%, trong khi thuế thu nhập doanh nghiệp tại các quốc gia châu Âu, khu vực đóng góp hầu hết doanh thu của công ty này ngoài thị trường Mỹ, dao động từ 26 - 34%.

Giới quan sát tin rằng Google đã tích lũy được 24,8 tỷ USD thu nhập hầu như không chịu thuế trong “kho báu” ở Bermuda. Theo hãng tin tài chính Bloomberg, mức chuyển doanh thu của Google tới Bermuda trong năm ngoái tăng gần gấp đôi so với 3 năm trước đó.

Dẫn một báo cáo hồi tháng 11 của chi nhánh Google tại Hà Lan, Bloomberg cho biết, bằng cách chuyển trái phép lợi nhuận từ các chi nhánh nước ngoài tới Bermuda, nơi thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 0, Google đã giảm số thuế phải đóng được khoảng một nửa.  Số doanh thu mà Google chuyển tới “thiên đường thuế này” tương đương với khoảng 80% lợi nhuận trước thuế của công ty trong năm 2011. Gã khổng lồ tìm kiếm đã trốn được 2 tỷ USD tiền thuế trên toàn cầu trong năm 2011 bằng cách chuyển 9,8 tỷ USD vào một công ty “rỗng ruột” ở “thiên đường thuế” Bermuda.

Trước đó, theo các cuộc điều tra từ năm 2007 của Bộ kinh tế Italy, Tập đoàn Google đã có hành vi trốn thuế và đưa ra các báo cáo kế toán giả mạo. Theo đó, Google không kê khai doanh thu 240 triệu euro (khoảng 310 triệu USD) và trốn thuế 96 triệu euro (khoảng 124 triệu USD). Tập đoàn này cũng bị nghi ngờ đã chuyển các doanh thu có được từ hoạt động quảng cáo tại Italy sang Ireland, nhờ đó họ có thể tránh được sự kiểm soát thuế của Italy.

Tờ Guardian đặt câu hỏi về việc Google Anh có doanh số bán hàng hơn 4 tỷ USD trong năm 2011, nhưng chỉ nộp thuế chưa tới 10 triệu USD (0,25%); hay như hãng bán hàng trực tuyến Amazon thu về tới 3,3 tỷ bảng ở Anh hồi năm ngoái, nhưng không đóng một xu tiền thuế nào.

Google thì một mực khẳng định mình tuân thủ mọi quy định về thuế, và các khoản đầu tư của mình đã giúp nhiều quốc gia châu Âu. Tại Anh, “chúng tôi sử dụng trên 2.000 lao động, giúp hàng trăm nghìn doanh nghiệp tăng trưởng trên mạng, và đầu tư nhiều triệu USD để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ mới ở London”, Google tuyên bố.

Anh là thị trường lớn thứ nhì của Google, đóng góp 11% doanh thu, tương đương 4,1 tỷ USD, của hãng này trong năm ngoái. Tuy nhiên, Google chỉ đóng thuế có 6 triệu bảng, tương đương 9,6 triệu USD, cho nhà chức trách của xứ sương mù. Số thuế mà Google đóng trên toàn cầu trong cả năm 2011 là 1,5 tỷ USD.

Một điều đáng lưu ý là đa phần các công ty hoạt động trực tuyến (như Google, Facebook) mặc dù kiếm doanh thu lớn ở các thị trường sở tại, nhưng không hề đăng ký kinh doanh tại đó.

Theo Sài Gòn đầu tư, đến nay Google chưa đăng ký kinh doanh và chưa có đại diện chính thức ở Việt Nam, dù doanh thu quảng cáo trực tuyến họ kiếm được ở thị trường này rất lớn. Thí dụ, điều tra cho biết Google đang chiếm 95% thị trường tìm kiếm trực tuyến và đem lại khoảng 70% lượng truy cập cho các website tại Việt Nam, thu về 40 triệu USD năm 2011.

Xem thêm trang về Google

Theo Báo Giáo dục Việt Nam