Nhịp sống số

Google có thể thành công khi sản xuất phần cứng?

Lời đồn lan truyền ngày càng rộng rãi trong giới công nghệ đó là gã khổng lồ Internet- Google - đang tìm đường bước vào lĩnh vực sản xuất phần cứng thay vì chỉ tập trung cung cấp dịch vụ trực tuyến như trước đây. Nếu chăm chỉ theo dõi tin tức trong 1 vài ngày gần đây có lẽ bạn sẽ dễ dàng nhận thấy thương vụ mua lại Motorola chưa đánh dấu chấm hết cho tham vọng của Google ở mảng sản xuất thiết bị. Cách đây vài ngày đã có những lời đồn đại về việc Google cho hàng trăm nhân viên của mình thử nghiệm những thiết bị bí mật tại nơi ở trên toàn nước Mỹ. Người đoán rằng đó là cặp kính mắt công nghệ cao, người lại đồn rằng đó là bộ set top dành cho TV của Google. Thực hư ra sao có lẽ chỉ người trong cuộc mới biết rõ, nhưng dù là gì đi chăng nữa, thì sản phẩm bí mật của Google chính là minh chứng hùng hồn cho những vọng tưởng của việc xâm nhập thị trường gia công phần cứng vốn rất lạ lẫm với người khổng lồ Internet.

 
Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là, liệu 1 công ty với mô hình kinh doanh chuyên cung cấp những dịch vụ "chùa" trực tuyến như Google có thể thành công khi bước vào mảng kinh doanh phần cứng? 
 
"Thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào"
 
Cá nhân tôi tin rằng một trong những lý do chính khiến Google thèm thuồng việc gia nhập vào khâu sản xuất phần cứng đến vậy là vì thấy anh bạn Apple "chén" miếng bánh phần cứng quá ngon lành. Người ta cho rằng Apple đạt tới lợi nhuận đến 40% trên mỗi sản phẩm mà Táo Khuyết xuất xưởng. Đây là 1 con số đáng mơ ước với bất kỳ hãng công nghệ nào. Sản xuất phần cứng cũng chính là con đường đưa Apple đến với ngôi vị công ty số 1 thế giới. Google chắc chắn luôn lấy Apple làm tấm gương sáng khi hớn hở bước vào lĩnh vực sản xuất phần cứng.
 
Có phải vì Apple kiếm quá nhiều tiền từ sản xuất phần cứng khiến Google "đỏ mắt"?
Tuy nhiên vấn đề ở đây là trong các hãng sản xuất phần cứng, ngoài Apple thì hầu hết tất cả các đại gia khác đều đang chật vật để có thể vắt được từ 7-10% lợi nhuận. Năm ngoái HP đã phải cân nhắc đến việc "bỏ của chạy lấy người" bỏ hẳn mảng sản xuất PC vì lợi nhuận quá thấp, chỉ có 6%. IBM, 1 đại gia khác cũng đã bỏ cuộc từ năm 2005 để tập trung vào cung cấp giải pháp phần mềm. Sản xuất phần cứng là một ngành đầy rủi ro với muôn vàn nguy cơ rình rập như việc ế hàng, bảo hành và những khoản chi phí khổng lồ cho việc nghiên cứu phát triển, tiếp thị và phân phối sản phẩm. Apple thắng lớn vì công ty này đã biết quản lý 1 cách khéo léo để tối giản chi phí sản xuất trong khi định giá sản phẩm cao để tăng lợi nhuận. Nhưng Apple làm được như vậy không có nghĩa là công ty nào cũng có thể đi theo con đường đó. Từ trước tới nay Google luôn đạt tỉ suất lợi nhuận trên 70% với dịch vụ quảng cáo của mình, giờ đây mở rộng kinh doanh vào 1 ngành nghề mạo hiểm như sản xuất phần cứng, Google phải tự nhận thức được rằng rất có thể mình đang bước vào 1 con đường "xương xẩu" với thu nhập chỉ bằng 1/10 ngành kinh doanh truyền thống. Nếu không làm tốt công tác tư tưởng, Google sẽ dễ dàng đối mặt với cảm giác "vỡ mộng" khi sự thật phũ phàng về việc sản xuất thiết bị được phơi bày.
 
Nhưng dĩ nhiên là với vị trí thống trị ở mảng quảng cáo trực tuyến như hiện nay, rõ ràng việc mở rộng sang 1 thị trường mới để thúc đẩy sự phát triển của công ty là điều mà ban lãnh đạo Google bắt buộc phải nghĩ tới khi mà hiện giờ đã có những ánh mắt lo ngại nhìn vào tốc độ tăng trưởng chậm lại trong những năm gần đây của gã khổng lồ Internet. Nếu không mở rộng kinh doanh, Google dễ dàng rơi vào tình huống dậm chân tại chỗ, và trong 1 thế giới công nghệ nơi mà các đối thủ đều đang tiến lên thì dậm chân tại chỗ đồng nghĩa với án tử hình.
 
Tương lai mù mịt
 
Apple đã là 1 ví dụ rất điển hình về việc để trở thành 1 công ty sản xuất thiết bị hàng đầu thế giới và thu về bộn tiền, điều đầu tiên bạn cần tới là thiết kế sản phẩm. Không chỉ là hình thức bề ngoài mà còn phải là cách sử dụng cũng như cách thức mà thiết bị hoạt động. Về khoản này Google gần như phải khởi đầu từ con số 0 khi mà hãng chưa từng có kinh nghiệm về việc nghiên cứu, phát triển 1 thiết bị hoàn chỉnh. Tất cả các smartphone đóng mác Google thuộc dòng Nexus thực chất chỉ là "hồn Trương Ba, da hàng thịt" do HTC, Samsung thiết kế, gia công từ A->Z. 
 
Tất cả những gì mà Google từng sản xuất ra trước đây đều là những sản phẩm phần mềm thuần túy, công việc phát triển 1 thiết bị phần cứng rất khác so với việc phát triển phần mềm. Thậm chí văn hóa ra đời sản phẩm của Google là tung ra những sản phẩm, dịch vụ chỉ được phát triển "tương đối" hoàn chỉnh, cộp mác Beta rồi dần dần hoàn thiện nó theo phản hồi của người sử dụng. Cách làm này rất hiệu quả trên môi trường Internet và các sản phẩm của Google đều miễn phí. Tuy nhiên chiến lược này sẽ không thể thành công được với mảng phần cứng, nhất là với những khách hàng cao cấp sẵn sàng móc ví nhưng có những đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm. Google không thể nào bán được 1 chiếc điện thoại có giá 14 triệu đồng cho người sử dụng rồi bảo "Có lỗi gì thì từ từ chúng tôi sẽ sửa sau".
 
Nếu muốn bán được hàng thì chữ Beta không được lấp ló trên vỏ hộp.
Apple không bao giờ đưa ra những sản phẩm trong trạng thái beta phần nào cũng vì vấn đề này (Ngoại lệ: Siri). Nếu Google muốn thành công thì trước hết hãng cần phải xem lại cách làm việc của mình để sản phẩm khi đến tay người sử dụng hoàn hảo hết mức có thể thay vì trạng thái phát triển dở dang như những dịch vụ trước đây. Thực sự hi vọng rằng chúng ta sẽ không phải nhìn thấy Google Phone beta hay Kính Google beta...
 
Tạo ra được 1 sản phẩm tốt không có nghĩa là sản phẩm đó sẽ bán chạy. 1 sản phẩm muốn bán chạy còn đòi hỏi chiến lược Marketing hợp lý. Từ trước tới nay Google có thói quen bán hàng mà không cần quảng cáo, tất cả khách hàng tìm đến Google vì 1 lý do đơn giản là không còn hãng nào khác có thể cạnh tranh được với dịch vụ quảng cáo của Google. Điều này sẽ không diễn ra ở mảng phần cứng, dù sản phẩm mới của Google là hộp giải mã cho TV, kính kỹ thuật số hay điện thoại, tablet thì đều đã có vô số đối thủ đang chờ đón. Và để có thể bán được hàng, Google cần khiến sản phẩm của mình nổi bật trong mắt người tiêu dùng. Google trước giờ cũng có hệ thống hỗ trợ khách hàng rất yếu kém, thậm chí cả người sử dụng dịch vụ quảng cáo của Google hầu như cũng phải tự mình mò mẫm. Điều này sẽ không bao giờ được người mua thiết bị phần cứng chấp nhận.
 
Bên cạnh vấn đề sản xuất, tiếp thị sản phẩm thì phân phối cũng là những bài toán rất đau đầu và rất mới dành cho Google. Chưa từng sản xuất hay bán bất kỳ sản phẩm nào, cũng chưa có trong tay 1 hệ thống cửa hàng bán lẻ nào, Google sẽ phải xây dựng lại tất cả từ đầu và đây rõ ràng không phải là một công việc dễ dàng.
 
Thất bại hay thành công?
 
Câu hỏi thì đơn giản như thế nhưng câu trả lời không dừng ở 2 thái cực "thành hay bại" như 1 với 0. Đã có rất nhiều tấm gương tày liếp về việc hãng lớn thất bại khi tham gia ngành kinh doanh mới. HP thảm bại với các thiết bị chạy WebOS, Microsoft ngậm ngùi xuống tay phế Kin, BlackBerry suýt chết cùng PlayBook... Nhưng bên cạnh đó cũng có những ví dụ về sự thành công như Amazon thắng lớn cùng Kindle Fire, Microsoft "le lói" cùng Xbox.
 
Câu hỏi thất bại hay thành công không thể trả lời qua 1, 2 sản phẩm, càng không thể trả lời trong ngày 1 ngày 2, thậm chí còn rất mơ hồ. Một ví dụ điển hình cho vấn đề này là dự án Xbox của Microsoft. Sau 10 năm phát triển, Xbox đã có thể đứng vững và sinh lời (dù ít), thậm chí còn vượt mặt PlayStation. Tuy nhiên nếu xét về mặt tài chính, khi mà Microsoft đã đổ vào cả chục tỉ USD để phát triển, nâng đỡ Xbox thì có lẽ còn lâu lắm dự án Xbox mới "hòa vốn". Vậy thì XBox là thành công hay thất bại của Microsoft? Câu hỏi ấy đến nay, sau 10 năm vẫn chưa có câu trả lời.
 
Microsoft đã sẵn sàng bỏ ra 10 năm và cả núi tiền (theo nghĩa đen) để chen chân vào thị trường gaming, vậy thì không có lý do gì để tin rằng thành công sẽ đến với Google một cách chóng vánh và dễ dàng. Google cần phải chuẩn bị tinh thần cho 1 cuộc chạy đua thật dài hơi và tốn kém. Chúng ta có lẽ cũng hãy giữ những bình luận của mình ở mức trung lập nếu có thấy những sản phẩm đầu tiêu của Google quá... ẹ vì ít ra Google có 1 lợi thế mà công ty nào cũng mơ ước khi mở ra 1 ngành kinh doanh mới: cái ví rất dày.
 
Thành công chỉ đến với những ai biết chấp nhận (nhiều) thất bại.
Hầu bao dày cộng với ngành dịch vụ quảng cáo vẫn đang sinh lợi ồ ạt chắc chắn sẽ là 1 nền tảng rất vững chắc để Google tiến vào thị trường phần cứng. Cá nhân tôi cho rằng, không sớm thì muộn và có thể là sau 1 vài lần vấp ngã, cuối cùng Google cũng sẽ tìm được chỗ đứng của mình trong ngành sản xuất thiết bị.
 
Còn bạn, bạn nghĩ thế nào?