Android đã trải qua nhiều phiên bản nhưng sự thiếu đồng nhất về tiêu chuẩn phần cứng khiến hệ điều hành này phân mảnh.
Hôm thứ 5, điều hành viên của các nhà sản xuất thiết bị đã bày tỏ niềm tin rằng phiên bản Android vừa ra mắt - Ice Cream Sandwich sẽ giúp khắc phục tình trạng phân mảnh tồn tại lâu nay của hệ điều hành này.
Như đã biết thì trong tháng 10 vừa qua, Google đã chính thức giới thiệu Ice Cream Sandwich cùng chiếc smartphone chạy Android 4.0 đầu tiên là Galaxy Nexus. Tại một cuộc hội đàm trong khuôn khổ sự kiện Open Mobile Summit diễn ra ở San Francisco, các nhà phát ngôn cho rằng phiên bản Android mới sẽ mang lại những gì mà các nhà sản xuất thiết bị đang cố gắng đạt được bằng cách bổ sung đầy đủ các tính năng của các phiên bản trước. Đây cũng chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa các phiên bản Android và gián tiếp tạo nên sự phân mảnh. Theo các phát ngôn viên, các nhà mạng và nhà sản xuất thiết bị vẫn tùy biến Android theo mục đích riêng kể từ khi nó được giới thiệu vào năm 2007.
Kevin Packingham - giám đốc bộ phận cải tiến sản phẩm của Samsung cho rằng Android 4.0 là một "bước tiến đột ngột". So với các phiên bản Android khác, Android 4.0 không yêu cầu nút bấm vật lý và các nhà sản xuất sẽ có thêm nhiều ý tưởng thiết kế cho sản phẩm của mình hơn.
Packingham nói: "Android đang tồn tại sự phân mảnh nhưng với sự phát triển theo nhịp độ nhanh của hệ điều hành này thì giờ đây, tôi nghĩ tình trạng phân mảnh sẽ tiếp tục giảm theo thời gian."
Bên cạnh Samsung, một nhà sản xuất thiết bị Android khác cũng bày tỏ thái độ phấn khích với phiên bản OS mới.
"Họ đã hoàn toàn đổi mới trải nghiệm người dùng" - Jinsung Choi, giám đốc điều hành kì cựu của LG nói. "Có lẽ Ice Cream Sandwich sẽ giúp mảng kinh doanh của chúng tôi trở nên dễ dàng hơn ... chúng tôi không cần phải điều chỉnh gì thêm."
Cũng trong thứ 5, giám đốc điều hành của các nhà sản xuất thiết bị bao gồm Samsung, LG, ZTE và Sony Ericsson đã cùng ngồi vào bàn thảo luận và tất cả đều hy vọng sẽ không có "hiệu ứng ngược" từ động thái mua lại Motorola Mobility của Google. Thậm chí, một số còn cho rằng thương vụ của Google sẽ mang lại lợi ích cho hệ sinh thái Android.
Thương vụ được dự đoán sẽ hoàn tất vào đầu năm sau và với việc có được Motorola Mobility, Google sẽ nắm giữ quyền kiểm soát của một trong những đối thủ cạnh tranh quan trọng trong thị trường thiết bị Android. Tuy nhiên, khi được hỏi về quan điểm riêng đối với thương vụ Google - Motorola thì các điều hành viên đều từ chối trả lời.
Kevin Packingham của Samsung cho rằng: "Với bộ phận phát triển của riêng mình (Google) kèm Motorola, tôi nghĩ thương vụ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho tất cả chúng ta." Theo Packingham, việc có trong tay một nhà sản xuất thiết bị lớn, Google sẽ cho phép các đối tác phát triển thứ 3 tiếp cận nhiều đặc tính phần cứng khi họ phát triển cho các thế hệ điện thoại và máy tính bảng tiếp theo của Motorola. Các nhà phát triển đều muốn khai thác các thế mạnh phần cứng như camera và khả năng định vị. Tuy nhiên, "Việc tìm ra cách để phơi bày những công nghệ mới mang tính sáng tạo cho các nhà phát triển thật không đơn giản," bởi lẽ, làm như vậy sẽ để lộ đặc điểm kĩ thuật phần cứng của Samsung cho các đối thủ cạnh tranh, Packingham nói.
Google mua lại Motorola chỉ để có được các bằng sáng chế của hãng di động nhằm bảo vệ hệ sinh thái Android khỏi những rắc rối liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, theo Jan Uddenfeldt - giám đốc công nghệ của Sony Ericsson. Google sẽ không sáp nhập Motorola và các tổ chức phát triển Android đồng thời mang lại cho thị trường thiết bị một lợi thế, Uddenfeldt nói.
Khi được hỏi về tương lai của điện thoại phổ thông với những thiết bị ít tính năng và giá thành phấp, hầu hết các nhà điều hành đều cho rằng vẫn còn một thị trường dành cho chúng. Trong khi điện thoại thông minh đang nắm giữ 30 - 40% trong tổng số sản phẩm bán ra của ZTE nhưng điện thoại phổ thông vẫn chiếm 60% còn lại, Lixin Cheng - giám đốc điều hành ZTE tại Mỹ cho biết. Một trong những lý do khiến doanh số của điện thoại phổ thông vẫn còn khá cao là vì rất nhiều khách hàng vẫn thích sử dụng bàn phím vật lý hơn màn hình cảm ứng, ông nói.
Cheng cũng tiết lộ ZTE đang phát triển một chiếc "điện thoại phổ thông nhưng với trải nghiệm sử dụng tương tự smartphone" và dự kiến sẽ được bán ra chính thức qua các nhà mạng tại Mỹ trước "Ngày thứ 6 đen tối" (Black Friday). Black Friday là một ngày sau ngày lễ tạ ơn (Thanksgiving) và theo truyền thống đây là ngày đầu tiên của mùa mua sắm tại Mỹ, rơi vào ngày 25 tháng 11 năm nay.
Cheng nói: "Khái niệm điện thoại phổ thông và điện thoại thông minh luôn liên quan với nhau," đồng thời chỉ ra rằng hiện tại có một số thiết bị được phát triển với tên gọi "siêu điện thoại" (superphone). Vì vậy, Cheng nhấn mạnh "điện thoại thông minh hiện nay có thể trở thành điện thoại phổ thông trong tương lại."