Nhịp sống số

Giải mã điều kỳ diệu của những chiếc xe F1

Giải mã điều kỳ diệu của những chiếc xe F1
Ra đời từ những năm 1920-1930, với tiền thân là giải đua xe Grand Prix, ít ai ngờ rằng giờ đây nó đã trở thành một trong những giải đua lớn nhất, khắc nghiệt nhất trên thế giới. Thu hút hàng triệu fan hâm mộ và hàng tỷ đô la tiền tài trợ, những người bước lên bục cao nhất của giải đua này được tôn vinh như những người hùng thực sự.

Tại sao? Bởi giải đua này đã giúp người xem thỏa mãn nhu cầu được trải nghiệm cảm giác vượt qua những giới hạn tưởng chừng như không thể. Được mô tả như một câu chuyện của sự thăng hoa và đau đớn cùng cực, mỗi phút giây của một chặng đua dường như khiến bạn trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc. Hồi hộp. Lo sợ. Căng thẳng tột độ. Bạn chợt nhận ra rằng bàn tay mình bỗng dưng ướt đẫm mồ hôi, và rồi bạn vỡ òa trong niềm vui sướng khôn tả khi người hùng của mình về đích. Đừng chần chừ thêm một phút giây nào nữa, hãy cùng tác giả thâm nhập vào thế giới Formula One - giải đua xe công thức 1 danh giá nhất hành tinh.

 
Sự nghiệp cầm lái
 
Như tên gọi của mình, đây là đỉnh cao của mọi giải đua mô tô trên thế giới, với những chiếc xe mạnh mẽ nhất, tiên tiến nhất. Trở thành nhà vô địch của giải đua này đồng nghĩa với việc bạn là tay lái số trên thế giới. Nhưng chẳng ai bỗng dưng nhảy vào sau tay lái và ầm ầm băng về ngôi vị số 1. Một tay đua để có tên trong giải đấu này phải trải qua những năm tháng tập luyện vô cùng vất vả, và có thể bạn sẽ không tin được điều này - phần lớn trong số họ đã làm quen với vô lăng và tay ga từ khi chưa được 10 tuổi.
 
 
Vì vậy, nếu bạn vẫn còn mơ ước được ngồi lên một chiếc xe F1 và bắt Lewis Halminton phải chấp nhận thất bại một cách tâm phục khẩu phục - hãy ngay lập tức ngồi lên cỗ máy thời gian và quay trở về thời ấu thơ của bạn. Hãy bắt đầu bằng việc tham dự những trường đào tạo lái xe dành cho độ tuổi vị thành niên, nơi sẽ dạy bạn những kỹ thuật cơ bản nhất trong việc điều khiển một chiếc xe và xử lý các tình huống. Tập luyện chăm chỉ và chinh phục những ông thầy khó tính nhất của bạn bằng mọi giá.
 
Bạn có thể bắt đầu sự nghiệp của mình bằng việc thử sức trên những đường đua cấp thấp, ví dụ như Formula 3. Mặc dù nhiều tay đua đã thu hút sự chú ý thông qua các giải đua ở Mỹ, nhưng để bảo đảm chắc chắn, bạn nên khởi đầu với những đường đua ở Châu Âu.
 
 
Hãy thi đấu hết mình và bằng mọi giá dành được những danh hiệu ở các giải đua này. Bằng cách chứng tỏ được bản lĩnh và kỹ năng của mình, bạn sẽ thu hút được sự chú ý từ những ông chủ thuộc các đội đua F1, thêm một chút may mắn, bạn sẽ kiếm được một suất sát cánh bên cạnh những tên tuổi như Valentino Rossi hay Michael Schumacher.
 
Bí ẩn đằng sau những chiếc xe F1
 
Dù bạn đã là một tay lái thành danh hay chỉ là một fan hâm mộ cuồng nhiệt, dù bạn chỉ theo dõi giải đua này qua TV hay đã một lần tận mắt chứng kiến, chắc hẳn rằng ít nhất một lần bạn đã phải há mồm trợn mắt khi nhìn thấy những con quái vật này.

 
Về cơ bản, một chiếc xe F1 cũng được tạo nên bởi những phần tương tự như một chiếc xe thông thường - đó là động cơ đốt trong, bộ truyền lực, hệ thống giảm xóc, bánh xe và phanh. Nhưng với 1 chiếc xe F1, mọi thứ đều được tinh chỉnh để đạt đến mục đích duy nhất: tốc độ. Một chiếc F1 có thể đạt tốc độ tối đa 400km/h, và thực tế cho thấy rằng, nếu bạn muốn chiến thắng, tốc độ trung bình của bạn phải duy trì ở mức 250-300 km/h.
 
Khung xe
 
Được ví như trái tim của một chiếc xe F1. Một bộ khung xe được thiết kế ra phải đảm bảo đủ 2 yêu cầu: nhẹ và bền. Trước đây, phần lớn khung xe được chế tạo với vật liệu nhôm, nhưng giờ đây nó đã được thay thế bằng hỗn hợp carbon-nhựa hoặc carbon-nhôm. Kết quả là chiếc xe vẫn đủ nhẹ, đồng thời đảm bảo chịu được lực cản vô cùng lớn của không khí khi nó lao vọt đi với tốc độ hàng trăm km/h.
 
 
Thiết kế khung xe được quy định bởi rất nhiều điều luật khắt khe của giải đấu. Từ việc sàn khung phải rộng bao nhiêu, nghiêng ở góc bao nhiêu độ, chiều cao trần buồng lái cho đến thiết kế ghế ngồi..., chiếc xe của bạn phải đảm bảo tất cả những yêu cầu này, nếu như bạn không muốn nói lời chào tạm biệt cuộc chơi.
 
Động cơ
 
Nhân tố chính làm nên sức mạnh của những chiếc xe F1. Nếu như bạn vẫn nuôi mơ ước buộc Lewis Halminton phải muối mặt chịu thua, động cơ của bạn cần đảm bảo đủ 2 yếu tố: đủ mạnh và dễ điều khiển.
 
 
Trải qua thời gian, những chiếc động cơ đã có rất nhiều cải tiến, từ dung tích, công suất cho đến nhiên liệu tốn kém.... Hãy cùng tưởng tượng rằng, giờ đây bạn đang ngồi lên chiếc xe đã giúp Micheal Schmacher vô địch vào năm 1995. Bạn đang sở hữu trong tay chiếc động cơ với công suất có thể lên đến gần 1000 mã lực, và rồi bạn nhận ra rằng mình đang lao vọt đi với vận tốc hàng trăm km/h chỉ sau chưa đầy 5s.
 
Cũng như thiết kế khung xe, động cơ xe cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều từ những quy định của giải đấu. Còn nhớ động cơ Turbo-thứ đã làm mưa làm gió trên các đường đua F1 suốt thập niên 70-80 đã chính thức bị cấm vào năm 1989 do sức mạnh quá khủng khiếp của nó. Công suất có thể lên đến trên 1000 mã lực, đi kèm theo đó là cái đầu tỉnh táo và tay lái chuyên nghiệp - có lẽ không một ai có thể là đối thủ của bạn.
 
Bộ truyền lực
 
Sở hữu một động cơ đủ mạnh - bước tiếp theo bạn cần có một bộ truyền lực tốt để chuyển tất cả sức mạnh đó đến 4 bánh xe. Như tất cả những chiếc ô tô khác, bộ truyền lực của một chiếc xe F1 bao gồm hộp số, bộ phân tốc và trục động cơ. Hộp số thường có từ 4 đến 7 số tiến, và hiện nay hầu hết những chiếc xe tham dự giải F1 đều sở hữu 7 số tiến. Một số lùi là bắt buộc phải có. Hộp số sẽ được kết nối trực tiếp đến bộ phân tốc - một tập hợp các bánh răng cho phép các bánh xe ở phía sau xoay ở các tốc độ khác nhau mỗi khi bạn cua tay lái.
 
 
Sự sang số trong một chiếc xe công thức 1 hoàn toàn khác với một chiếc xe thông thường. Thay vì sử dụng kiểu sang số hình chữ H truyền thống, các tay đua sẽ chuyển số thông qua các paddles nằm ngay sau tay lái. Lên số nằm ở một phía, và xuống số sẽ nằm ở phía đối diện. Kiểu sang số này sẽ giúp bạn hoàn toàn làm chủ được chiếc xe trên đường đua, thay vì cắm đầu cắm cổ gạt số như một tên ngớ ngẩn và bất lực nhìn đối phương vượt lên phía trước.
 
Phanh
 
 
Một chiếc phanh thông thường sẽ chẳng thể nào kìm hãm được con quái vật của bạn, khi nó đang lao đi như tên bắn ở tốc độ 400km/h. Bạn sẽ cần đến những chiếc phanh được thiết kế đặc biệt, mỗi khi cần giảm tốc cho một khúc cua hình chữ U. Phần lớn phanh xe F1 đều được thiết kế ở dạng phanh đĩa, sử dụng tấm lót sợi carbon. Thiết kế này làm giảm bớt thương tổn đến xe, đồng thời tăng hiệu suất phanh. Mặc dù rất nhẹ, nhưng hệ thống phanh này tỏ ra cực kỳ hiệu quả, kể cả khi nhiệt độ lên tới ngưỡng 750 độ C. Thiết kế lỗ xung quanh phanh cho phép nhiệt thoát ra nhanh chóng. Các cửa hút không khí được lắp ở bên ngoài bánh xe cũng góp phần làm hạ nhiệt cho phanh.
 
Lốp xe
 
Phần duy nhất của chiếc xe tiếp xúc với mặt đường trong suốt chặng đua, và cũng là phần quan trọng nhất của một chiếc xe F1. Bạn đã sở hữu cho mình một chiếc xe với thiết kế hoàn hảo, một động cơ ít ai sánh kịp, và bạn đã tập luyện hàng năm trời để chờ đến giây phút trọng đại này. Bạn đang dẫn đầu đường đua và băng băng tiến về ngôi vị số 1 - và BANG, một chiếc lốp xe chợt giở chứng. Có lẽ việc bạn đang làm lúc đó là dộng ầm ầm chiếc mũ bảo hiểm của mình vào tay lái.
 
Cũng như nhiều phần khác của chiếc xe, tiêu chuẩn kỹ thuật của lốp cũng được quy định rất nghiêm ngặt. 2 lốp trước phải rộng từ 12-15 inch, 2 lốp sau từ 14-15 inch. Bốn rãnh dọc phải liên tục trên khắp chu vi của lốp, và các rãnh này phải sâu ít nhất từ 2.5mm, rộng ít nhất 50mm.
 
 
 
Lốp xe được làm từ hợp chất cao su rất mềm, vì vậy khi nóng lên nó sẽ bám đường rất tốt. Tốt hơn hết, bạn nên làm nóng chiếc lốp xe của mình trước khi bước vào đường đua, điều đó sẽ giúp bạn có được sự ổn định khi chính thức bắt đầu.
 
Bạn có thể kéo dài tuổi thọ cho chiếc lốp xe của mình thông qua việc kiểm soát vòng quay của bánh xe. Trên thực tế, phần lớn những chiếc xe F1 hiện nay đều sử dụng hệ thống kiểm soát độ bám đường thông qua các cảm biến điện tử. Hệ thống này sẽ so sánh tần số quay của bánh xe với tốc độ của xe. Nếu như tốc độ quay là quá lớn - động cơ sẽ được tự động điều chỉnh.
 
Tay lái
 
 
Tay lái của một chiếc xe công thức 1 được ví như trung tâm chỉ huy mọi hoạt động của chiếc xe. Bạn có thể sẽ rất kinh ngạc khi lần đầu chiêm ngưỡng chiếc vô-lăng này. Không khác gì một bảng điều khiển khi sở hữu một số lượng cực lớn những công tắc, nút bấm, thế nhưng kích thước của nó lại chỉ bằng một nửa những chiếc vô-lăng thông thường. Nhờ có nó, bạn có thể dễ dàng kiểm soát mọi khía cạnh hoạt động của chiếc xe - đổi số, pha trộn nhiên liệu, cân bằng phanh và thậm chí còn nhiều hơn thế. Tất cả được thực hiện chỉ với một cái nhấn nút.
 
Tham khảo: Howstuffworks, Wiki, ehow